Động Chân Linh và tín ngưỡng cầu mưa của cư dân làng Lệ Sơn

Trang tin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài nghiên cứu về Động Chân Linh của tác giả Lê Hồng Vệ, một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của Làng Lệ Sơn; xã Văn Hóa; huyện Tuyên Hóa; tỉnh Quảng Bình.

Tác giả: Họa sỹ Lê Hồng Vệ
 
Nói đến Quảng bình, không ai không không nhắc đến tên làng Lệ sơn, bởi nó không những sớm nổi danh về khoa bảng cử nghiệp thời phong kiến, mà còn ẩn chứa nhiều huyền thoại và bí ẩn trong đời sống tâm linh của người dân nơi này.

Những tín ngưỡng về văn hóa dân gian ấy, đã tồn tại hàng trăm năm trên vùng đất huyền thoại, nghe qua có vẻ như thần thánh hóa câu chuyện, nhưng nó lại là cả một câu chuyện có thật trong đời sống nông canh của dân làng. Vùng đất vốn coi trọng những nét đẹp dân gian, như 99 chóp núi sừng sững soi bóng xuống dòng Linh Giang ngàn đời bất biến chảy qua làng về biển.


Toàn cảnh quê hương xứ Lệ, nơi có nhiều câu chuyện huyền thoại mà VTV2 đã làm phóng sự

ĐÔI BỜ SÔNG GIANH - CLIP

   Lệ Sơn là vùng đất non nước hữu tình. Lưng dựa vào núi vững chãi, ngực chắn sóng nước sông Gianh. Một vùng đất giàu bản sắc của những câu chuyện gắn với những “linh viên hồ, hang đá mụ trằn, hố trời đào ngọc và lèn khum bí ẩn”. Mảnh đất này còn lưu truyền mãi những câu chuyện huyền thoại và bí ẩn trong đời sống tâm linh. Câu chuyện đang nhắc đến sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vùng đất vốn được coi là địa linh nhân kiệt của xứ Quảng. Mang trong mình nhiều trang sử tâm linh huyền bí, nó đã gắn liền với sự mưu sinh qua nhiều thế hệ của cư dân trước đây, những câu chuyện từ ngàn xưa cứ vọng về ấy, đã góp nên một vùng văn hóa nhiều bản sắc trong dòng chảy của thời đại mới. Dù ngày nay đã không còn tổ chức cầu mưa khi khô hạn ảnh hưởng đến mùa màng của dân làng như trước đây. Nhưng còn đó, vùng đất thiêng đã in đậm trong tiềm thức của dân làng Lệ sơn với những giá trị tín ngưỡng cần được tôn vinh.


Sông Gianh hiền hòa chở những con thuyền xuôi ngược
 
Động Chân Linh 眞靈洞 hay có tên gọi dân gian 仙女眞靈 Chân linh tiên nữ, nằm ở hướng tây đầu làng Lệ sơn. Nơi đây được đánh dấu như sự phân ranh địa giới hành chính với xã Châu Hóa. Nối tiếp với dãy Trường sơn hùng vĩ, động Chân linh nằm trong hòn núi đá vôi, nhô vẹm ra khỏi mặt nước ngằn ngặt một màu xanh lục thủy. Ai đã một lần trên tàu đi qua, hay trên chuyến đò xuôi ngược, đều không khỏi trầm trồ bởi tạo hóa đã cắt một lát sắc vào núi in trên mặt nước thẳm xanh. Thiên nhiên kỳ thú là vậy, còn trong tín ngưỡng dân gian thì nó ẩn trong mình cả câu chuyện dài bí ẩn khó trả lời của mảnh đất này . 
 
Trong chiến tranh, thuyền của hải quân đã vào đây lánh những trận bom của kẻ thù
 
Cách ga tàu Lệ sơn khoảng gần 200m, cuối đốt hầm số 5 tính từ Hà nội vào Nam. Động Chân Linh hướng mặt ra bờ sông rộng thoáng. Cách mặt nước chừng 70m, động được xây một ngôi đền nhỏ phía trước. Đây là nơi được coi tối linh từ, để nhân dân vọng bái đối với đức Bà Tiên , người đã thay trời làm mưa trong những năm hạn hán kéo dài để nhân dân được no cơm ấm áo.

Chuyện rằng: Từ xa xưa, vùng đất nông canh xứ Lệ chỉ dựa vào một thứ duy nhất để canh tác; đó là nhờ trời, những năm mưa thuận gió hòa, người dân nơi đây khấp khởi khi cây lúa trĩu bông, cành cây trĩu quả, cây cối xanh ngắt màu xanh. Để tỏ lòng thành biết ơn trời đất đã giúp đỡ nuôi sống dân làng. Một vài Cụ cao niên có con cháu đề huề và được dân làng tín nhiệm đã thay mặt cho cả cộng đồng làng sắm lễ, ngược lên phía đầu làng nơi đền Bà tiên, có động xuyên lên đỉnh chóp để kính bái tạ lễ.

"Lèn" đứt chân, nơi có Chân Linh động
 
Không biết lưu truyền từ bao giờ, trong những năm tiết trời khô hạn kéo dài. Những lúc trời động, từng đám mây vần vũ trên đỉnh các núi, cây cối lặng im. Thì chỉ duy nhất trên chóp động Chân linh cây cối nghiêng ngả, gió thổi vòng xoáy ào ạt. Bầu trời nơi đây quang quẻ sáng lên. Những lúc ấy, các Cụ nói rằng: Tiên đang đi về động.
 
Vậy là trong thăm thẳm xa xôi nhất tâm thức của dân làng. Đây được coi là cỏi thiêng để dân làng cầu chung cho cả cộng đồng “ mơ được ước thấy”. Vào những năm hạn hán kéo dài. Dân làng không cày cấy được vì không có nước. Nỗi lo sợ của mỗi một con người trong làng, lại bùng lên sự ảm đạm của không khí thiếu thốn hiện hữu. Những lúc như vậy, các Cụ cao niên lại nhóm họp để tế vật, chọn ngày lành hóa một con chó cùng hương đăng lên đền Bà để cầu đảo. Tại đây, khi van vái Bà xong, các Cụ buộc đầu chó trước cửa động, để mong Bà cho mưa xuống tẩy uế nơi chốn trang nghiêm. Do nhiều lần cầu đảo linh nghiệm. Các Cụ buộc chặt đầu chó vừa phải, để mưa cuốn đi, nghĩa là đủ nước cày cấy. Chỉ một vài ngày sau. Trời mưa xối xả, đồng trên ruộng dưới tràn nước, cuộc sống sinh sôi lại nảy nở trở lại. Các Cụ lại lễ vật lên để tạ ơn Bà.


"Bê tông hóa" đã được kiên cố để lấy nước về
 
Với dân làng Lệ Sơn ngày nay, họ đã không còn trông lên phía tây ấy để cầu trời cho mưa xuống nữa, bởi dân sinh đã trị được thủy. Dòng chảy bê tông đã giải quyết thay cho sự cầu đảo ngày xưa. Nhà máy đã và đang mọc lên. Hói chánh đang có đề án xây dựng để dự trữ lưu lượng nước đủ tưới. Nét văn hóa tín ngưỡng dân gian, mang tính cộng cầu cao đã dần chìm sâu vào quên lãng và chỉ còn đọng lại trong câu chuyện kể ngày xưa. Hình ảnh Bà tiên đang dần lu mờ trong sự nhận thức xã hội làng, khi khoa học kỹ thuật đã kịp giúp sức cho con người. Dù chưa có công trình khảo cứu xếp hạng của nhà nước, dù chưa ai được một lần gặp Bà tiên của chúng ta. Nhưng trong tâm hồn lẫn trong kho tàng lịch sử và văn hóa dân gian của Lệ Sơn, di tích tín ngưỡng dân gian ấy "đã được xếp hạng" mãi mãi chốn động linh thiêng huyền thoại này. Mãi mãi là như vậy.
 
Dù làng quê có đổi thay đến đâu trong tư duy lẫn hành động, thì Bà tiên của làng Lệ sơn vẫn còn ở đấy, động Chân linh mãi mãi là nơi Bà đang thay trời hành đạo nơi đây. Bà đang tiếp tục phù trì cho dân làng tránh khỏi những tai ương, của những cái mới đang về mang theo những tích cực và không ít tiêu cực. Bà đang trấn giữ và lưu lại cho dân làng Lệ sơn những câu chuyện về truyền thống đạo đức, tấm lòng ăn ở thủy chung có trên có dưới của làng có từ ngàn xưa. Bà đang cố gắng xua đuổi "tà ma" để cho dân làng đoàn kết, con cháu học hành đỗ đạt trở về xây dựng quê hương trong sự nghiệp đổi mới. Bà đang nhắc nhở dân làng phát huy những giá trị văn hóa giàu bản sắc để ứng phó khi đời sống mới đang về...
                                                                                                                                                                         
 

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ