Câu đối - Một di sản văn hoá tinh thần độc đáo của làng Lệ Sơn (Phần 1)

Bài khảo cứu các câu đối của các bậc tiền nhân Lệ Sơn để lại cho hậu thế nhằm khám phá sâu thêm về lịch sử, con người Lệ Sơn xưa của tác giả Lê Trọng Đại
 
CÂU ĐỐI - MỘT DI SẢN VĂN HÓA TINH THẦN ĐỘC ĐÁO CỦA LÀNG LỆ SƠN
 
Tác giả Lê Trọng Đại
 
       Câu đối của Lệ Sơn phần lớn được sáng tác dành để thờ ở các công trình kiến trúc văn hóa của làng và các họ. Những câu đối này chính là những thông điệp mà các thế hệ tiền nhân nhắn gửi lại cho lớp hậu thế của Lệ Sơn. Mặt khác tiệp cận nguồn tài liệu này sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm một phần lịch sử của một làng quê văn hiến. Các trí thức nhiều thế hệ của làng đã sáng tác nên một số lượng câu đối khá lớn. Nội dung các câu đối là những lời giáo huấn rất sâu sắc của tiền nhân tuy nhiên khi các công trình kiến trúc xưa bị hư hoại và các bậc túc Nho của làng đã “ra đi” gần hết thì việc tập hợp lại và giải mã chúng là một công việc không dễ dàng. Mặc dù đã rất cố gắng sưu tầm song kết quả thu được mới chỉ là phần nhỏ của khối di sản văn hóa vi vật thể đồ sộ này. Để giải mã phần lớn những câu đối gốc Hán Nôm tác giả nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cụ Lê Doạn 93 tuổi là một trong số rất ít những nhà Hán học còn lại của Lệ Sơn. Xin giới thiệu cùng độc giả những câu đối tiêu biểu mà nhóm nghiên cứu sưu tầm được.
 
- Tại miếu thờ Ngài Sơ tổ Lê tộc đại tôn.
+ Trên hai cột nanh cổng vào miếu được gắn câu đối:
 
Sơn hà phong cảnh đại quan
Lễ nhạc y quan sở túy.

 
Tạm dịch: Sông núi, phong cảnh Lệ Sơn thể hiện tầm nhìn rộng lớn. Làng có nghi thức lễ nhạc, y phục đẹp (muốn nói phong tục tập quán thể hiện tính văn hóa cao). 
 
+ Ở đình tiền được treo câu đối thứ hai:
 
Cư tiên bát đại tính 
Vi thủ tứ danh hương.

 
Tạm dịch: Họ Lê định cư ở Lệ Sơn sớm nhất trong số 8 họ lớn của làng. Lệ Sơn là làng đứng đầu trong số 4 làng văn vật của phủ Quảng Trạch.
 
+ Trên đình hậu gắn câu đối thứ ba:
 
Vạn thế sinh nhân tổ
Ức niên bản thổ thần.

 
Tạm dịch: Hàng vạn thế hệ con cháu được tổ tiên sinh ra. Ngài Sơ tổ được tôn thờ làm thổ thần của Lệ Sơn đã hàng trăm năm.
 
- Tại miếu thờ ngài Thủy tổ Lê tộc đại tôn:
+ Trên 2 cột nanh ở cổng vào có câu đối thứ nhất:
 
Thần sơn ngật ngật đề phong tráng
Sinh thủy nguyên nguyên phái dẫn trường.

 
Tạm dịch: Núi Thần Vì (99 chóp) thẳng đứng trước gói bão nhờ có chân vững chãi, hùng mạnh. Rào Nước Mội do nước khắp nơi tụ hội về nên không bao giờ cạn.

Rào mước mội là một con suối nước chảy ra từ trong lòng núi đá vôi ra một hang đá chỉ đủ một người nằm rồi chảy ra một cánh đồng tạo thành một bàu nước ngọt. Do nước chảy từ trong núi đá ra nên khi chảy ra hang đá thì nước trọng sạch và mát lạnh Nhiệt độ của nước về mùa hè chỉ vào khoàng 18-20 độ C. Nhờ dòng nước mát lạnh này Rào Nước mội trở thành một nhà tắm lý tưởng của làng Lệ Sơn giữa ngày hè oi bức. Rào có thể khai thác để làm nơi tham quan và du lịch tắm nước mát lạnh trong lành kết hợp với leo núi và câu cá.

+ Trong đình tiền treo cặp câu đối thứ hai:

 
Sơ sinh nhân sỹ đội nông canh bất ngoại
Cứu yên trạch cao khoa hiển hoạn kỳ trung.

Tạm dịch: Con người lúc ban đầu phải lấy việc học tập và sản xuất nông nghiệp để tồn tại không gì ngoài 2 vấn đề điều này. Nghiên cứu để giữ yên mồ mả sẽ giúp con cháu đỗ đạt cao, làm quan to đều là ở trong đó cả.

+ Ở đình trung có câu đối thứ ba:

 
Nhân xuất sơ, thủy lục lam sơn chung thụy khí
Thiên tác thỉ, Linh nam Thần bắc triển hồng cơ.

Tạm dịch: Tài trí người Lệ Sơn trước hết là nhờ khí thiêng sông núi chung đúc nên. Trời sinh ra vùng đất phía Nam sông Gianh (Linh giang), phía bắc núi Thần Vì phát triển từ đời Hồng Đức.

+ Hậu đình được gắn câu đối thứ tư:

 
Triệu bồi đức hợp Càn Khôn đạt
Khai tịch nhân tồn vũ trụ gian.

Tạm dịch: Việc xây dựng làng Lệ Sơn là phù hợp với đạo lý của Trời, Đất. Khai canh lập ấp nên làng xóm cho con người sinh sống là để tình thương yêu bao la cho hậu thế.

 - Tại miếu thờ Trần tộc đại tôn.
+ Ở đình hậu có câu đối sau:

 
Hồng Đức khai canh tổ
Duy Tân dực bảo thần.

 
Tạm dịch: Thủy tổ là đấng khai canh thời Hồng Đức; đến đời vua Duy Tân được phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”. Như vậy, cặp câu đối này ca ngợi Thủy tổ  họ Trần - Cố Trần Cảnh Hựu là người tham dự việc khai canh làng Lệ Sơn; đến đời vua Duy Tân được sắc phong thần.

+ Trên đình trung có đôi câu đối sau:

 
Phái hệ ức niên, tiên lĩnh cổ
Phạm mô thiên tải bút phong cao.

Tạm dịch: Một dòng họ lâu đời tốt đẹp. Một nhà sư phạm mẫu mực có văn chương cao siêu.  

Câu đối thứ hai này nhằm ca ngợi cố Trần Cảnh Huống - Sơ tổ họ Trần là một thầy giáo từng giữ chức Thái học mô phạm đường quan là người học rộng văn chương uyên bác.

+ Trên đình Tiền có câu đối thứ ba: 

Tiếp mạch Thần sơn Tiên chỉ cựu
Án thừa Linh thủy hộ chân tân.

Tạm dịch: Nhà thờ tổ họ Trần ở vị trí tiếp được mạch núi Thần Vì nên Trần tộc có người làm Tiên chỉ làng Lệ Sơn. Phía tiền án nhà thờ Trần họ có nước sông Gianh giúp khí tốt luôn đổi mới.

+ Trên đình tiền còn có câu đối thứ tư:

 
Tam chi huyết thống lưu trường đại
Nhất bản tồn dư ngũ bách niên.

Tạm dịch: Ba chi cùng huyết thống do Thủy tổ sinh ra giữ được sự lớn mạnh lâu dài. Từ một gốc sinh ra mà cả dòng họ đã lưu truyền lớn mạnh ở Lệ Sơn trên năm trăm năm.

- Tại miếu thờ họ Lương.
+ Trên hai cột nanh cổng vào có câu đối thứ nhất:

Nước sông xanh mát bởi nguồn sâu
Cành lá xum xuê nhờ gốc vững.  

 Có thể hiểu rằng: Con cháu trong họ tộc thành đạt là do công đức tổ tiên. Con cháu phát triển rường rạt là nhờ tổ tiên đã tạo nên gốc rễ vững chắc.

(Còn tiếp ...)

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại