Ma làng Lệ Sơn - Câu chuyện: Tiếng gọi nơi không người

Để thay đổi không khí và bổ sung vào kho tàng huyền thoại xứ Lệ, trang tin giới thiệu câu chuyện có thật xảy ra vào những năm đầu 90 do tác giả Lê Hồng Vệ chắp bút.
Lời tự sự: Khi cầm bút viết về đề tài này, tôi chắc chắn rằng: Nó là cả một câu chuyện trường thiên. Người ta thường hay nói đến tiểu thuyết trường thiên chứ không ai nói câu chuyện trường thiên bao giờ. Thế nhưng, cách dùng chữ ở đây bắt buộc ta phải hiểu rằng: Đề tài về ma luôn là chủ đề sốt dẻo. Có thể kéo dài mãi mà không thống nhất được bao giờ.
Đối với người này: Ma có thể là một hình bóng mờ ảo đen trắng lơ lửng chân không bén đất; nhưng đối với người khác nó lại là tóc xoã đến chân, lưỡi dài đến gối và đi nhanh như gió. Hiểu một cách khoa học và không có “Thần hồn nát thần tính”. thì ma là một khái niệm trừu tượng; một phần phi vật chất của những gì đã chết; và thường ở các vùng nông thôn dễ tin chuyện ma hơn ở những vùng khác, và cho đến nay ma vẫn là bí ẩn của nhân loại.
.....

TIẾNG GỌI NƠI KHÔNG NGƯỜI

Khi nói về ma, trong tâm thức và ý niệm của người Việt. Dù là ban ngày giữa thanh thiên bạch nhật, giữa đồng hoang mông quạnh, chỉ có một lùm cây. Khi cần WC thì đó là nơi lý tưởng. Nhưng nếu ở trong đấy có một hòn đá kê cao và bát nhang còn cháy dở. Xin thưa.... Có gần ra quần rồi cũng không dám. Có thể nó không có gì...., nhưng đâu đó trong tâm thức vẫn luôn liên hệ đến những gì thuộc đấng siêu hình xung quanh. Đó mới là nền tảng để sống và liên hệ theo quy luật của nhân sinh, nhân quả.
 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
 
Về mặt lý thuyết là vậy, còn khi nói về ma làng Lệ Sơn. Tôi có thể thâu tóm như sau: Đó là một nơi trù phú; cây xanh rợp bóng quanh năm. Những năm về trước khi điện khí hoá nông thôn chưa về làng. Những đêm không trăng, cả làng bị bao trùm một không gian tối đặc (tĩnh mịch đến mức có thể nghe được chân người đi sau lưng cách vài trăm mét). Thi thoảng có những con chim lạ ở những cành cây cao chúc rù rù....nghe rợn đến cả người. Yếu tố ngoại quan đấy đã thực sự làm kinh hồn cho những người yếu bóng vía khi một lần trong đời tìm đến nơi đây..............
 Dù tôi chưa gặp ma. Nhưng ma trơi (do phốtpho của người mới chết bốc lên gặp ôxi và cháy cuốn đuổi theo làn gió thì tôi đã gặp nhiều lần. Trở về với tiêu đề tiếng gọi nơi không người; cho đến bây giờ sống và làm việc giữa thủ đô không có đêm ngày này. Tôi vẫn cảm thấy rùng rợn khi nghĩ về nó tại quê hương, khi mà tôi từng được chứng kiến 100% sự thật không có hư cấu.

Tôi còn nhớ rõ, tuổi thanh niên tôi cũng như bao thanh niên làng. Gia đình lúc đó còn nghèo, bản tính thích thể hiện khi đi chơi. Đèn 3 pin phải sáng, thuốc lá một gói. Ban đầu đi cùng các anh, sau đó tách riêng “đánh lẻ ăn chắc”. Thường khi đi chơi về, tôi lại một mình với đèn sáng đi hết các ao hồ, rồi qua đường tàu theo sát lèn xuống đến đồng Nát, Bồ Bồ. Thường soi ếch cá để sáng hôm sau Mẹ tôi đi chợ bán và “lại quả” cho tôi đủ mua một cặp pin con thỏ và bao thuốc. Động lực ấy cứ thúc giục và cho tôi, thành một brem không thay đổi. Trừ mùng 10 đến 18 trăng sáng là không đi được; vì cá ếc không đóng đèn khi có trăng và cũng chính cái thời điểm ấy. Tôi là thằng kiếm ra tiền và siêng nhất trong đám trai làng bạn tôi; và cũng không biết sợ là gì cho đến khi...

 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
 
 Đêm hôm ấy là một đêm cuối tháng 4 âm lịch. Sau một thời gian dài không có mưa. Buổi chiều hôm đó mưa như trút nước. Từ ruộng cao đến thấp nước lênh láng trắng cả đồng, mới chập choạng tối mà cái âm thanh cộng hưởng của bao loài ra khỏi hang để làm ầm ĩ cả một làng quê. Tối hôm đó, anh em thanh niên như thường lệ vẫn gặp nhau vài điểm cố định trong thôn, để lên kế hoạch đi chơi; do mới mưa đường trơn bẩn, nên cuối cùng tụ tập về nhà anh Trường con ông Hạnh đánh bài. Địa điểm nhà anh Trường có thể phóng tầm mắt hết tất cả cánh đồng làng Lệ Sơn. Bởi nhà anh nằm phía ngoài cùng của thôn nhìn vào núi, hơn nữa bố mẹ anh là người dễ tính. Nói đến đây các bạn có thể hình dung được đội 7 của tôi rồi. Ngồi chơi đến khoảng 10giờ do không thích bài lắm, hơn nữa tiếng ếch kêu ngoài ruộng râm ran làm tôi đứng ngồi không yên. Chào các anh ra về, một kế hoạch sắp sẵn, tôi chuẩn bị một số ampun đèn pin đề phòng cháy bóng. Ra quán chị Ngạn con dâu ông Thuyết xóm chợ mua 3 cục pin con thỏ mới và lên đường khoảng 11giờ đêm. Lúc này có mưa lại, nhưng nhỏ hơn. Mọi người ở các xóm khác cũng đi soi nhưng vì trời khuya và mưa nên ngoài đồng không còn một ánh đèn nào nữa.

Từ đồng Chăm đi xuống Hồ Li, do nhiều tháng không mưa nên ruộng ở đâu cũng phẳng lì và nước đa phần trên mắt cá chân. Xuống đến nghĩa trang liệt sĩ, tôi ngồi lại thay pin mới, hút thuốc và chuẩn bị kế hoạch đi về. Lúc đấy bao lác nhỏ loại 10kg cũng đã khá. Ước tính gần 50 - 60 con ếch, lúc đó sao lại nhiều chứ, các cặp ếch ngồi trên lưng nhau gặp đèn sáng cứ thu mình lại, thế là chụp cho vào bao chỉ đơn giản thế thôi. Nhìn các khu vực xung quanh. Trời tối như mực và mưa nhỏ, đèn ba pin của tôi như một thanh kiếm lia đến đâu thấy đến đấy. Xé toạc màn đêm và chỉ có tôi cùng tiếng kêu của loài côn trùng. Về tới cây đa đồng Chăm. Nhìn quanh các xóm không thấy một ánh đèn nào, mọi nhà đều đã ngủ. Chỉ có nhà anh Trường còn anh em đang chơi bài là đèn vẫn sáng. Đồng tiền Miệu khá phẳng, chỉ có lô nhô vài khuông mã gần đường cái mà thôi. Để định hình các tiếng ếch kêu gần nhất. Hầu như tôi căng tai để lắng nghe và lâu lâu nhảy lên gò mả để biết vị trí. Cứ nghĩ đến ngày mai mẹ tôi buộc 10 con một, đi bán và một số tiền dành dụm để cho tôi khi cần, là tôi đã háo hức và mừng rỡ vô cùng. Đang nghĩ đến đó, bỗng nghe sau lưng tôi, có tiếng gọi của trẻ nhỏ chừng 9 - 10 tuổi. Đầu tiền là một đứa gọi (chờ với).

Tôi định thần để nghe lại. Rõ ràng có người gọi cách sau lưng tôi chừng 20m. Sau đó có thêm 2 đứa nữa cũng gọi và dồn dập hơn. Lúc này tôi xác định rõ ,thật sự có người gọi và có phần hơi run. Vì khuya khoắt thế này chắc chắn trẻ con không bao giờ ra đồng lúc này. Trong suy nghĩ, tôi đã liên tưởng đến ma tiền Miệu như các cụ đã kể. Nhẩm tính ngôi mả cao nhất trước mặt tôi cách chừng 6 m lã điểm cao nhất có tầm nhìn rộng. Tôi thả bao ếch xuống và nhảy vót lên quét đèn nhanh về phía sau lưng. Chẳng thấy gì ngoài sóng nước dập dờn, sự sợ hãi đã thật sự rõ, tôi cố quét chậm đèn một lần nữa quay 360o trên một điểm trụ.

Đèn tôi lúc đó sáng lắm, xé toạc màn đêm cách chừng 100m còn thấy rõ. Sau lần lia đèn lại này không thấy gì. Tôi mới thật sự hoảng sợ và hướng tầm mắt về nhà anh Trường và chạy. Từ tiền Miệu về nhà anh Trường khoảng 300m, nghĩ lại lúc đó có cuộc thi maratông nước rút. Chắc chắn tôi là người chạy có kỷ lục thế giới. Phóng qua cửa vào nhà, anh em đang còn đánh bài nghe tiếng chạy chưa kịp nhìn lên, tôi đã bay vào ôm trọn cả mấy người trên chiếu, kéo theo bùn nước vấy bẩn hết cả mọi người. Phải đến 20 phút sau vừa thở vừa nói, anh em mới hiểu và cùng xắn quần ra tìm bao ếch của tôi, ai cũng có đèn sáng nhưng ra đến nơi chẳng thấy gì ngoài bao ếch nằm chổng chơ ra hết phân nửa.

Đêm đó tôi phải nhờ anh Trường, anh Triều hộ tống về tận cửa nhà. Sau này tôi mới biết không chỉ riêng tôi, mà anh Triều con bác Huế cũng đã nghe tiếng gọi và tiếng cười răng rắc ở ngã tư đường vào Lả Lả. Quét đèn lại, chỉ nhìn thấy sóng nước dợn qua bờ...

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ