Sắc phong Làng Lệ Sơn, hé lộ minh chứng xuất xứ tên chữ của Làng từng gây nhiều tranh cãi

Giới thiệu sắc phong Làng Lệ Sơn, một tư liệu đặc biệt làm căn cứ cho việc tìm hiểu nhiều thông tin về Làng Lệ Sơn cổ.



 
BẢN NGUYÊN HÁN

PHẦN PHIÊN ÂM

Sắc Quảng Bình tỉnh Tuyên Chánh huyện Lệ Sơn thượng xã phụng sự bản thổ câu quán Tướng Công chi thần bản thổ Thái Giám Mệnh Linh chi thần nhẫm trứ linh ứng hướng lai vị hữu dự phong tứ kim phi thừa
cảnh mệnh diến niệm thần hưu trước quân phong vi:Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần
chuẩn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân khâm tai
Duy Tân thất niên thập nguyệt sơ bát nhật
 
TẠM DỊCH NGHĨA:

Sắc cho làng trên Lệ sơn thuộc huyện Tuyên Chánh tỉnh Quảng Bình phụng sự thờ vị Tướng công làm Thần cai quản đất này, Ngài là vị Thần linh coi sóc kiêm quản trông coi mọi việc nơi đây. Sự linh nghiệm thiêng liêng của Thần đã tỏ rõ linh ứng. Từ trước tới giờ chưa lần nào được ban phong, cho nên nay hãy chịu ơn lớn lao của nhà Vua.
Theo đạo luật quy định, và để tôn vinh công lao to lớn của Thần. Trẫm bước đầu phong cho Thần : Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần (Để biết vị thần dấy lên gây dựng, bảo vệ đất nước và che chở cho dân lành); chuẩn y việc phụng thờ của làng như cũ để thần bảo vệ che chở cho thần dân của Trẫm
Hãy kính theo
Duy Tân năm thứ 7 ngày mùng 8 tháng 10( năm 1913)

VÀI LỜI CHO NGƯỜI ĐƯỢC PHONG SẮC:

Không thể phủ nhận công lao của Cụ Trần Cảnh Huống đã được Cụ Lê Văn Hành. (Vị tổ khai canh làng Lệ Sơn) khi biết cụ Trần Cảnh Huống là người học rộng, cụ đã thân hành sang Trại Côi mời cụ Trần Cảnh Huống về mở trường, mở  lớp dạy học cho con cháu trong làng. Hai con người tâm đầu ý hợp đã làm rạng danh  làng Lệ Sơn ngày nay.

Cụ Trần Cảnh Huống sinh được hai người con, Trần Cảnh Hựu và Trần Cảnh Khai. Trần Cảnh Hựu (Trần Đại Lang) cũng với bản lĩnh và tài năng của mình, đã dốc toàn tâm toàn lực để gây dựng và bảo vệ, phù trợ giúp đỡ nhân dân, khai phá mở rộng diện tích vùng đất mới. Chỉ trong vòng không đầy một thập kỷ, một vùng đất rộng hơn 800 mẫu được khai phá, đáp ứng nhu cầu sản xuất của dân làng. Khi ông mất, con cháu trong dòng tộc và dân làng ngưỡng mộ và tôn thờ. Đặc biệt, ông là người có công khai phá mở rộng diện tích vào buổi đầu, nên đến đời vua Duy Tân năm 1913 đã ban sắc phong này cho ông.

Như vậy tính đến thời điểm này, mọi sự cố gắng của con em Lệ sơn vẫn chưa tìm ra được sắc phong của Cụ Tổ khai canh Lê Văn Hành và của Cụ Trần Cảnh Huống (người khai trí mở tài, đặt nền móng cho nền học vấn của quê hương làng Lệ Sơn). Mặc dù đây là sắc phong cho Cụ Trần Đại Lang, con trai Cụ Trần Cảnh Huống, nhưng đây là văn bản pháp lý cao nhất trong thời phong kiến, phong cho người có công. Và đây cũng là văn tự có tên làng đến thời điểm này 100 lẻ một năm có tên làng bằng chữ Hán. Dù đang phía trước là triều Lê còn nhiều sắc chưa thể tiếp cận được, cũng như nhiều đời Vua của triều Nguyễn trước đời Duy Tân, thì chúng ta cũng biết được tên làng 100 năm trở lại đây là chính xác.

Làng Lệ Sơn như mọi người biết đến, có phong cảnh non nước hữu tình, có nhiều huyền tích huyền thoại, có nhiều vị quan thời phong kiến được ban sắc (Hồng Vệ sẽ dịch thuật và viết về công lao của các vị tiền nhân qua những bài viết sau). Đã nhiều lần khi các anh chị em ngồi với nhau, bàn và nói về tên làng, ai cũng chỉ nghe và phỏng đoán, chứ chưa có một tài liệu nào mang tính văn bản xưa cũ để làm minh chứng, ai cũng mong sao trong 36 chữ Lệ sẽ có tên chữ đẹp nhất, Lệ sơn là hình ảnh bóng núi in hình xuống bóng nước lung linh, ....đẹp như vốn phong cảnh làng quê mỹ miều.

Khi tiếp cận được bản sắc phong, phong cho người có tên liên quan đến địa danh làng xã.  Tôi vội viết bài để bà con có căn cứ thảo luận. Biết đâu trong câu chuyện này, ai đó tìm được văn bản cũ hơn có tên làng như mọi người đã thầm mong ước.
Đây là chữ Lệ có trong sắc văn của đời Vua Duy Tân, chữ Lệ có ba bộ lực và một bộ thảo, nghĩa của nó trong Hán Nôm tự điển có diễn giải về lệ chi, cây vải quả vải, ngoài ra chữ Lệ này còn một nghĩa của cây cỏ Lệ, riêng cây cỏ Lệ này, có cả một huyền thoại mang trên mình một câu chuyện hết sức nhân văn của huyền thoại xưa cũ. (chắc phải có một bài viết khác).

Kính mong quý độc giả tiếp tục nghiên cứu và sưu tầm, để LLS. NET là địa chỉ tin cậy cho việc nghiên cứu, thảo luận, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương nhà.
                                                                                                                    Hà Nội ngày 28/7/2012

 

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ