Làng cả Lệ Sơn ( Phần 1/7)

Giới thiệu tư liệu lịch sử về Làng Lệ Sơn do Ông Trần Quyến, Thôn Đình Miệu biên khảo.
LỜI GIỚI THIỆU

Bí thư Đảng uỷ xã Văn Hoá
Lương Xuân Quế

 

Là  người con sinh ra trên mãnh đất Lệ Sơn, tôi đã từng tham gia nhiều công việc trong xã, được tiếp xúc với nhiều lớp người. Trong đó, kể cả việc trò chuyện về thơ, văn của những người yêu mến thơ văn viết về đất Lệ Sơn của chúng ta.

Một nhận định chung là các bài viết hầu hết đều làm bằng thơ, bằng những xúc động qua thời gian, thắm đượm nghĩa tình sâu nặng tả về một sự tích anh hùng, tả về một dòng sông, một ngọn núi, tả về một tình cảm sâu nặng dày ân đức nghĩa tình.

Lần này, qua nhiều năm sưu tầm với nghệ thuật vừa kể, vừa miêu tả, cuốn sách “Làng cả Lệ Sơn” ra đời. Tác giả đã thể hiện một cách chi tiết đất Lệ Sơn là mãnh đất “Phong cảnh”, mãnh đất “Cổ xưa”, mãnh đất “Huyền thoại”, và là mãnh đất “Địa linh sinh nhân kiệt” đã trải qua gần 550 năm.

Với bề dày lịch sử đó, tuy có sự cân nhắc chọn lọc kể cả các bài sưu tầm, nhưng chưa được hoàn hảo. Xin coi đây là tấm lòng nồng cháy với quê hương nghìn năm văn hiến.

Chúng tôi vui mừng và trân trọng với bạn đọc gần xa với tất cả tấm lòng về quê hương cội nguồn./.



ĐÔI LỜI TÂM SỰ
CHỦ  BIÊN
Trần Quyến

Cử nhân Khoa học thôn Đình Miệu – Văn Hóa

Nhận phản hồi, bố sung, góp ý: Trần Lê Minh; Trung tâm giáo dục Quốc phòng - Đại học Huế, ĐT nhà riêng: (054) 2242223; DĐ:0905.665896; Fax; 054.3861779 gởi A Minh, Phó phòng Hành chính TH – CTCT.

 
Lệ Sơn là một làng cổ trên đất nước Việt Nam. Song các triều đại Vua chúa nhà Nguyễn thường gọi Lệ Sơn là “Làng cả Lệ Sơn”. Không dễ gì mà lại được gọi một cách thân mật, trân trọng như vậy. Chúng ta là những người con thân yêu dược sinh ra trên mãnh đất Lệ Sơn lại càng vinh dự và tự hào.

Bác Hồ dạy:

“Dân ta phải biết sữ ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Bài viết “ Làng cả Lệ Sơn” sẽ  góp một phần không nhỏ cho việc hiểu “tường gốc tích” đất Lệ Sơn xã Văn Hóa chúng ta.

Tư  liệu tham khảo:

  • Sách “các đời Vua chúa nhà Nguyễn” của Trần Quỳnh Cư và Trần Việt Quỳnh nhà xuất bản Thuận Hóa.
  • Sách “ Việc đào tạo và sữ dụng Quan lại của Triều Nguyễn” của PTS Lê Thị Thanh Hòa.
  • Sách “Việt Nam tư liệu tóm tắt” của Nguyễn Khắc Thuần nhà xuất bản giáo dục.
  • 30 năm sắc phong, sắc chỉ của các triều vua Nhà Nguyễn ban phong cho các vị tiền nhân Lệ Sơn đã có công với dân, với nước.
  • Gia phả “Bát đại tính” tám họ đại tôn trong làng.
  • Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, Lịch sử Đảng bộ xã Văn Hóa.
  • Và nhiều tư liệu bạn hữu gần xa.

Bài viết được sự chỉ đạo của Ban thường vụ Đảng ủy, trực tiếp là đồng chí bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã: Lương Xuân Quế.

Bài viết có ba phần:

Phần I:“Đất Lệ Sơn trời xây cảnh lạ”,“Tiếng văn vật đầu cả tứ danh hương”.

Phần II:  Từ Đại hội Đảng đến Đại hội Đảng.

Phần III: Những tư liệu quý lưu truyền cần biết.

Mong rằng, “Làng cả Lệ Sơn” sẽ đáp ứng ít nhiều về  lòng thành, hướng về cội nguồn của bạn đọc./.



PHẦN THỨ  NHẤT

“Đất Lệ Sơn trời xây cảnh lạ
Tiếng văn vật đầu cả tứ danh hương”  …
 

Đất Lệ Sơn xã Văn Hóa từ tinh sương ngày mồng hai tháng chạp, khắp đó đây tiếng chuông đồng, tiếng trống đại nổi lên từng hồi dài vừa thong thả vừa đầm ấm thân quen báo cho con cháu đã đến giờ đi lễ: “Lễ Đáo chu niên sái tảo phần mộ” của các dòng tộc đại tôn: Họ Lê, Họ Trần, Họ Phan, Họ Phạm, Họ Nguyễn, Họ Bùi, Họ Lương, Họ Cao.

Ngày  ấy là ngày hội, các cháu các dòng tộc trong các bộ  áo quần đẹp, rực rỡ màu sắc lũ lượt đến miếu đường, cung kính dâng nén hương, cung tiến bát nước lên Sơ Tổ, Thị Tổ, Cao cao Tổ và các chư vị Tiên linh trong dòng tộc.

Vị  sơ Tổ khảo, người đầu tiên trong “Bát  Đại tính”, đặt chân lên đất “Cồn Vang xứ, Tuyên chấn huyện, Quảng Trạch phủ, Quảng Bình Tỉnh”  là cố Lê Văn Hành Quốc Tử Giám thời Triều Lê Nhân Tông, hiệu là Đại Hòa Thông Bảo (1443 - 1459).

Đại học Thị Độc Lê Văn Hành, người có đức cao tài rộng, là một quan lớn, sau nhiều lần công cán dọc Linh Giang; Ngài đặt chân lên Cồn Vang, thấy đất đai phì nhiêu màu mỡ, thấy cảnh vật sơn thủy hữu tình, lại được các môn đệ giỏi xem đất, xem hướng cho rằng: Đây là vùng đất có Long Mạch, Đầu Rồng nằm ở đất này, đuôi rồng ở La Hà (Quảng Văn) nơi ấy sẽ sản sinh ra nhiều nhân kiệt !

Mãn nhiệm, vào khoảng trước- sau năm 1470, sau khi được triều  đình cho phép, cha Lê Văn Khanh chấp thuận, cố Lê Văn Hành đưa gia đình và các môn đệ từ xã Yên Mô, Tổng Yên Mô, Phủ Yên Khánh, Tỉnh Thanh Hóa, ngoại tức là Ninh Bình ngày nay vào khai kênh lập ấp, khai tấu điền bộ, sinh cơ lập nghiệp tại Cồn Vang xứ, Quảng Trạch Phủ, Quảng Bình Tỉnh. (Nay là xã Văn Hóa).Tại miếu thờ họ Lê còn để lại câu đối:

“Dân sinh sơ, Hồng Thủy Lam Sơn chung thụy khí
Thiên tác thỉ, Linh nam thần bắc triển hồng cơ”

Sau một thời gian chặt, cốt, đốt, trỉa, trảm mộc khai căn lập cơ nghiệp, con cháu khá đông đúc. Là người hiểu học thức, cụ hiểu phải “Chấn dân khí”, “Khai dân trí” cố trăn trở và quyết định thân chinh đi tìm gặp người bạn cũ Trần Cảnh Huống – “Hiệp biện Đại học sĩ, mô phạm Thái học đường Quốc Tử Giám – Giám sinh” đang hưu trí tại Trại Côi Xứ, Quảng Trạch Phủ, Quảng Bình Tỉnh và mời cố đến đất Cồn Vang mở trường dạy học …

Hai con người tâm đầu ý hợp đó đã dồn cả tâm lực cho việc dạy chữ, dạy người cho con cháu cùng sinh sống trên đất Cồn Vang. Từ đó, đất Cồn Vang không chỉ đã có người khai canh, lập ấp mà còn có cả người khai trí mở tài. Đó là cơ sở mở đầu cho địa linh sinh linh nhân kiệt và cũng từ trên mảnh đất này cứ lưu truyền mãi bốn câu thơ: 

“Ai đưa ta đến đất này,

Bên kia sông rộng, bên này núi cao,

Cồn Vang ai xới ai đào,

Văn chương ai nấu, ai xào mà nên.” 

Ngày tháng cứ trôi đi, khi thầy trò, huynh đệ đã quy tiên, con cháu lập miếu thờ tiên tổ. Từ đó có 8 miếu đường của con cháu tám Họ đại tôn. Sử sách ghi lại rằng Lệ Sơn có: “Bát  đại tính”. Hiện nay tám miếu đường còn được lưu giữ tân trang, tôn tạo lại để cúng tế hàng năm, tỏ lòng hiếu đạo: “Cây có gốc, nước có nguồn” một ý niệm thiêng liêng muôn đời bất diệt.


Mảnh đất sơn thủy hữu tình ấy còn hấp dẫn, cuốn hút những người đang khai phá, lấn dần cây cỏ, để tỏa ra một không gian rộng lớn, lại càng phải đổ mồ hôi, “Bán mặt cho đất”, “Bán lưng cho trời”, “Một nắng hai sương”, bới đất nhặt cỏ. Mảnh đất địa linh ấy có núi đá vôi, cây cối xanh tươi quanh năm. Giữa núi và lèn có rẫy, có hung xen kẽ. Toàn bộ núi đá là hội tụ của những đỉnh cao không quá 500m,  chạy dài từ cạnh núi đá bàn đến cạnh lèn Bạch Mã dài hơn 7km. Trên dãy đá vôi đó có 99 chóp, nào cao, nào thấp, nào nhọn, nào tà môn hình môn vẻ trập trùng. Mùa xuân cho chí mùa xuân, sáng sớm, chiều tối mây mù phủ trắng xóa, gió đến, lại cuốn nó chạy dài những dải lụa vờn mây. Huyền thoại xưa kể lại rằng: Đất Lệ Sơn và dãy lèn 99 chóp đó là “Địa linh thiên xướng”, “Bồng lai tiên cảnh” nên có 100 con chim Phượng Hoàng về tìm đất kinh đô, bay lượn mãi, nhưng tiếc thay, còn một con không tìm được chỗ đậu dừng chân. Cả đàn buộc phải bay đi vì thế nơi đây không thể đóng kinh đô được.


Trong dãy lèn đá vôi ấy có nhiều hang động phủ  đầy thạch nhũ óng ánh màu sắc đã làm cho nhiều người đến đó không dứt mà đi. Trong đó có  chân linh động mộng mị, huyền ảo, chân linh động là một điểm sắc. Tục truyền rằng có Tiên Bà “Tiên triết thế nhân đẳng thần” trấn ngự. Nơi ấy các Tiên nữ thường về tắm và đánh cờ, mê cảnh đẹp chốn trần gian, một cô Tiên Nữ về tâu với tiên đình rằng : “Lệ Sơn trần gian có 3000 cảnh đẹp. Ngọc Hoàng liền cho Tiên Nữ trở về trần gian làm chủ Tiên Linh Động để thay quyền phong vũ cứu dân”. Từ khi có Tiên Nữ giáng trần, cảnh càng thêm đẹp, động càng thêm linh (theo Quốc  Tuấn, Báo Quảng Bình). Xưa kia Bà Tiên là ân huệ của dân làng Lệ Sơn khi gặp hạn hán kéo dài, thiên tai khắc nghiệt.


Dãy núi đá vững chải, nối tiếp nhau như một chiếc  đòn dài, hai đầu chiếc đòn ấy, móc hai đầu chiếc võng lớn, giữa võng là những con người Lệ Sơn nhàn hạ, thanh lịch.


Dưới võng là dòng Linh Giang, bốn mùa in nét sắc tuyệt vời của rừng, núi vải, mùa tháng ba tháng tư vải quả chín rộ, nhiều chùm vải trên nhiều cây vải cụm lại với nhau. Cả núi vải là trùng trùng lớp lớp vải, chữ Hán đọc chùm vải là Lệ Chi, hai tiếng Lệ Sơn ra đời từ nghĩa đó. Những người thông chữ Hán còn giải thích cặn kẽ hơn chữ Lệ là xuất phát từ một chữ Hán, phía trên chữ “THẢO” ở giữa là chữ “ĐAO”. Dưới cùng là hai chữ “ĐAO” kề nhau (  …   ). Còn chữ Sơn là xuất phát từ chữ “LÂM” là rừng, sơn là núi. Chữ Lệ và chữ Sơn kết hợp với nhau thành chữ Lệ Sơn. Thật là tuyệt vời của núi vải, mỹ miều của trời mây, của trăng sao, của cỏ cây lung linh hoa lá, vui cười trong gió, đón khách chào người, cuốn hút vô số con chim, cánh bướm tìm mật yêu hoa.


Dưới chân núi đá, có 12 khe cửa lớn: Khe Trầm lốt, Khe Môn, Khe Ngang, Khe Hang Nác, Khe Lò Vôi, Khe Hàm Rồng, Khe Ngút, Khe Nước Mội, Khe Trôống, Khe Đại Rằm, Khe Ro, Khe Đụn. Quanh năm nước trong như mắt Mèo, sạch như nước suối ban mai, chảy mãi, chảy mãi thành dòng như hai bàn tay nâng nước đổ vào đồng ruộng…


Lệ  Sơn đã có cảnh trí tự nhiên hữu tình, lại được tôn thêm cảnh quan nhân tạo. Xưa có  các lùm cây cổ thụ um tùm ở các Miếu  đường, có cây ba bốn người ôm không xuể, cả  lùm cây là hình ảnh thu nhỏ của rừng nguyên sinh nhiệt đới, hiên ngang trong gió bão. Cả xưa và nay, từ thôn này qua thôn khác hoa trái tỏa hương, trĩu quả bốn mùa tạo nên cảnh làng trù phú mát mẽ, con người sống nhàn hạ, bạch bần, được dưỡng sinh bởi vô số chất bổ, làm cho ấy cường tráng, trí tuệ thông minh, dày nhân đức nghĩa tình.

Tác giả bài viết: Trần Quyến