Ba tôi

Hồi ức về người cha đáng kính của tác giả Trần Thị Minh Khanh , thôn Thượng Phủ, hiện làm việc và sinh sống tại Đồng Hới
Ba tôi sinh năm 1930 ở thôn Thượng Phủ. Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo. Lúc ba tôi còn nhỏ, bà nội tôi dắt ba đứa con nhỏ đi bộ sang Thái Lan để xin ăn vì quá đói. Bởi ông nội tôi đi bộ đội tình nguyện chống Pháp đã bị hy sinh ở mặt trận Lào. Một tay bà nội nuôi ba con nhỏ làm sao chống chèo nổi trong trận đói năm 1945. Đến năm 18 tuổi, Ba tôi lại gia nhập bộ đội tình nguyện chống Pháp ở Lào. Sau một trận càn quét của giặc Pháp, ông bị bắt và bị đày ra Côn Đảo ba năm. Những ngày ở Côn Đảo, theo lời Ba kể là những ngày cùng cực của cuộc đời. Mỗi phòng giam có hai đến ba chục người. Chân bị chúng cùm, phải đại tiểu tiện tại chỗ, mỗi ngày chỉ được ăn một vắt cơm.

Đến ngày trao trả tù binh, Ba tôi về lại Lê Lợi, Văn Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình. (Nay là thôn Thượng Phủ, Văn Hóa, Tuyên Hóa, QB) nơi chôn rau cắt rốn của mình. Trở về quê hương, sống cùng chú ruột là ông Ấm (Cha của ông Thân, ông Tụ, ông Tới, o Thảo). Cha tôi cũng thuộc dạng đẹp trai trong vùng, có nhiều tài vặt, (Đá bóng giỏi, đánh đàn hay, cắt tóc đẹp, tiêm, chữa người bị bỏng …phải nói là tuyệt vời). Bởi vậy, thời đó ông ngoại tôi là Lương Văn Quý ở xóm Bàu có người con gái út cưng đẹp người đẹp nết đã kêu gả con cho người trai xóm Lê Lợi.

Đám cưới được tổ chức vui vẻ, đầm ấm với sự có mặt của hai bên nội ngoại bằng sự chuẩn bị sắp xếp chu đáo của ông ngoại tôi. (Ở cái thời cô dâu mặc áo nâu, quần đen tám màu trong ngày cưới của mình mà họ ngoại lại lo chu tất mọi thứ thật quả là hiếm hoi bởi quý đứa con rể qúa. Nghe đâu ông ngoại biết xem tướng con rể thấy ưng ý quá mà ông ngoại đã bỏ qua mọi lời bàn tán dị nghị của xóm làng). Quả là một cặp trai tài gái sắc. Cha mẹ tôi lần lượt cho ra đời tám mặt con: ba trai, năm gái. (Sau này mất đi một trai còn lại hai trai, năm gái). Vào những năm 1977, 1978 để nuôi được các con ăn học nên người, mẹ tôi phải gánh cá, gánh cua,ruốc,cối xay… lên tận Kim Lũ để đổi lấy sắn, khoai về cho lũ con đang đói meo ruột.

Ở cái thời làm hợp tác xã, cả nhà tám người mà nhận được hai yến lúa tươi thì biết ăn gì cho qua ngày đoạn tháng. Mùa thu hoạch lạc, nhà nào cũng kiếm được vài cái bi đông đem theo đựng nước. Tối về, nhà nào nhà nấy xóc lọc cọc lạc trong bi đông ra cũng được vài loong để hôm sau rang mè lạc. Nhớ đến cảnh đó mà cười ra nước mắt. Vậy mà ba tôi thì bảo: “đói cho sạch , rách cho thơm con à. Đứa mô ăn trộm lạc của hợp tác bỏ vô bi đông tau đập chết”. Sáng sáng, ông dậy từ gà gáy để cho bò ăn rồi đi cày từ khi chưa thấy rõ mặt người mà bụng thì đói meo vì phải để dành sạu rang cho mấy đứa con ăn để đi học. Có khi ông đi chặt gỗ ở Sũng Nghệ để về làm nhà mà cũng chỉ được vài củ khoai lót dạ.

Chiều về, để tôi hầm cho một bát cháo đậu đen mà phải dấu mấy đứa con kẻo thấy con thèm, ông lại không dám ăn. Năm 1968 Ba tôi đem học sinh đi K8 tận Thanh Hóa. Ở nhà mấy mẹ con khóc lên khóc xuống vì những tin đồn ba tôi đã chết. Đêm thì ông hoặc bà ngoại ra ở lại, cũng có khi chị Quế phải tần tảo ra cùng.Thế là một loạt bom rơi xuống phía Lê Lợi là anh Lim lại đứng ngồi không yên liền chạy giữa mưa bom bão đạn để đến với người yêu của mình. (Chị Quế và anh Lim nay đã nghỉ hưu có hai đứa con một trai, một gái rất thành đạt. Đây là một trong những gia đình mẫu mực ở làng Lệ Sơn).

Năm 1972 Ba tôi tham gia hỏa tuyến, trong trận Cồn Tiên dốc Miếu chiến lửa chống Mĩ ngụy khốc liệt đó, Ba tôi làm công tác cứu thương (vì ông được học y và học rất giỏi hồi ở Thái). Đêm đêm, một mình ông với chiếc túi cứu thương chạy đi, chạy lại trong bom đạn để cứu đồng đội. Ông kể lại rằng: “Một đêm nọ đang ngồi chơi cùng mấy anh em đồng đội trong căn hầm có cả o Phúc (con mệ Trường). Bỗng dưng ông muốn về hầm mình, vừa ra khỏi hầm thì một quả bom rơi trúng căn hầm đó. Vậy là O Phúc bị hy sinh. ”Đẻ tôi nói Ba các con được bình yên là nhờ mệ nội tôi ngày nào cũng đi chùa cầu phúc. (Sau khi nhà nước vận động hồi hương bà nội tôi cùng bác Mai và chú Hùng về làm ăn ở Thanh Hóa. Mệ nội là người luôn đi chùa để cầu cho con cháu được bình yên). 

Từ trận chiến Trị Thiên khói lửa, Ba tôi lại trở về với cái cày, cái cuốc với đồng ruộng xanh tươi rì rào trong nắng sớm. Mặc dù đi cày về nắng mệt nhưng ông vẫn tươi cười khi thấy nhà tôi chật ních người chờ cắt tóc, có người chờ để nhờ tiêm, có người lại nhờ đề cái phong bì để gửi cho người bà con trên Thái (Vì cả xóm chỉ có ông viết được chữ Thái còn nói tiếng Thái thì ông Thiết cũng nói được. Ba tôi gọi ông Thiết là “xiều”). Mặc dù bụng đói nhưng ông bảo phải giúp họ đã mới ăn ngon cơm vì họ chờ Ba lâu rồi tội họ lắm. Ngày lại ngày qua đi, chúng tôi cũng lớn lên theo năm tháng. Cuộc sống chật vật vì miếng cơm manh áo. Mỗi đứa làm ăn một ngả. Hai ông bà già ở nhà nuôi nhau.

Rồi một ngày, tôi đi nuôi Lan út sinh cháu ở Đồng Nai. Ba tôi ở nhà một mình. Cơm nấu một bữa ăn cả ngày. Con gái về mua cho chút thịt, cá lại không dám ăn cứ để dành. Ngày thứ bảy, ông lại ra bến đò xem có đứa nào về không. Chẳng có đứa nào về, ông buồn bã quay vào nhà. Rồi một ngày nghỉ tôi có dịp về thăm Ba. Ông kể cho tôi nghe ông đã làm rất nhiều giấy tờ trình báo để làm về chế độ trợ cấp của nhà nước cho những người bị tù đày, người có công với cách mạng. Nhưng thời chiến tranh giấy tờ không còn gì, chỉ có một giấy khen của nước bạn Lào cấp cho. Những người cùng bị tù đày thì người mất, kẻ không biết chỗ nào mà liên lạc để nhờ làm chứng. Đã nhiều lần ông chạy ngược, chạy xuôi bằng chiếc xe đạp cọc cạch vào tận đồng Hới, xuống tận Ba đồn để tìm đồng đội nhưng không tìm được. Ông buồn bả nói rằng “Cả một đời cống hiến cực khổ, bị tù đày, đi K8, đi hỏa tuyến. Trong chiến tranh ông giữ một nhà thuốc để cứu cho cả làng giờ chỉ mong mỗi tháng được hưởng chế độ dù chỉ vài nghìn để được động viên mà cũng không có”. Nghe vậy tôi thấy xót xa, ứa nước mắt, lòng nặng trĩu mà chẳng nói được câu nào để động viên ông đành ngậm ngùi cất bước ra đi.

Rồi một ngày định mệnh không mong đợi đã đến với gia đình tôi: Ba tôi lâm bệnh. Khi tôi về đến thì bà con đến chật ních nhà. Xe cấp cứu chở Ba vào bệnh viện Cu Ba. Trước sự thờ ơ lạnh lùng với người bệnh của y bác sĩ, chúng tôi chờ từ sáng đến chiều mới nhập viện được cho ông. Sau khi được chẩn đoán bị dịch tràn phổi và lao phổi nên được truyền nước và tiêm thuốc chữa phổi. Ba tôi đuối dần. Sáng hôm sau, thấy bệnh không giảm mà còn tệ hơn nên các bác sĩ khám lại và cho biết không phải vì bệnh phổi mà vì bị nhồi máu cơ tim. (Khi còn ở nhà, chị Hoa và chị Nga ở trạm xá lên khám cũng nói là bị nhồi máu cơ tim). Vậy mà ở bệnh viện Cu Ba lại chẩn đoán trái ngược hoàn toàn. Vì chẩn đoán sai bệnh mà Ba tôi đã phải ra đi mãi mãi.

Một cơn mưa bất chợt đổ xuống ào ào giữa mùa tháng tư nóng bức oi ả. Mưa rào rào, mưa xối xả như trút hết xuống trần gian những nỗi oan khuất của cuộc đời. Tiếng mưa gào trong tiếng gió, hay tiếng tiễn biệt tiếc thương của Ngọc Hoàng Thượng Đế đang dành cho một con người được tụ hội những phẩm hạnh đáng quý ở trần thế mà Thượng Đế đã ban tặng. 
Lẫn trong tiếng mưa là tiếng khóc nức nở của con cháu và họ hàng nội ngoại gần xa. Tôi nhận ra tiếng khóc tức tưởi của người đàn ông lớn tuổi(Có lẽ là tiếng khóc của ông Hợi (thông gia) …Tôi lịm dần, lịm dần trong màn đêm đen đặc …..Bỗng một chiếc phong bì trên bàn thờ ai đó làm rớt xuống trúng chân tôi.Tôi dần dần mở mắt và đọc được dòng chữ trên chiếc phong bì (Bác Tranh đội 7_ Vô cùng thương tiếc tiễn đưa linh hồn chú về nơi an nghỉ).
Tim tôi như có ai đó lấy dao cứa ra từng mảnh nhỏ. Nỗi đau mất cha một cách oan uổng làm tôi chết lặng khóc không thành tiếng. Xung quanh tôi, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Tôi đã mất tất cả. Đến gần 11giờ trưa, đại diện UBND xã đến thắp hương và đưa cho gia đình tôi một triệu đồng và bảo đây là tiền làm chế độ tù đày của ông. Vậy là linh hồn ông cũng được an ủi phần nào. Giá như khi ông còn sống, nhận được số tiền này chắc ông vui và hãnh diện lắm. Một tiếng chậc lưỡi làm xua đi không khí não nề. Tôi thầm cảm ơn mọi người đã đến kịp thời để động viên ông. Mặc dù số tiền đó không là gì so với những hy sinh mất mát, song đó là tất cả những gì mà cha tôi đã mong đợi bấy lâu. Người cha đáng quý của tôi đã về với cõi vĩnh hằng gần mười năm rồi nhưng nỗi đau  trong tôi vẫn đeo đẳng trong tim suốt cuộc đời.

Tôi viết nên những dòng này để vơi bớt nỗi đau. Cho dù cuộc sống gặp khó khăn, vấp ngã hay ai đó có gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thì tôi sẽ coi đó là một thử thách cho cuộc đời. Cha tôi mãi là một thần tượng để tôi phấn đấu, sống tốt và răn dạy con trai mình sống có ích cho đời.

Tác giả bài viết: Trần Thị Minh Khanh