Trận “Điện Biên Phủ trên không“ ở thủ đô Hà Nội trong ký ức một người lính quê Lệ Sơn

Hồi ức của tác giả Lương Duy Thái về trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" ở thủ đô Hà Nội.
Những bài viết cùng tác giả đã đăng
1. Một quảng thời thơ ấu ở Làng Lệ Sơn ( Toàn tập) 
2.Kỷ niệm về Thầy Đang trong tôi

3. Cây Da đồng Chăm

Trận “Điện Biên Phủ trên không“ ở thủ đô Hà Nội trong ký ức một người lính quê Lệ Sơn

Tháng 12 năm 2012 Quân đội và Nhà nước ta tổ chức tuyên truyền sâu rộng tầm vóc và ý nghĩa sâu xa “Trận Điện Biên Phủ trên không“ của Thủ đô Hà Nội 40 năm trước. Cũng thời kỳ này cuộc đời tôi in đậm nhiều kỷ niệm khó quên:
 
Cuối tháng 10 năm 1972 trung đoàn pháo phòng không 282 được lệnh kéo vũ khí, khí tài gấp rút từ Vạn Ninh – Quảng Bình ra bảo vệ bầu trời Lạng Sơn. Sau mười ngày “Thần tốc “ đêm đi ngày nghỉ đơn vị tôi đã ra đến vị trí tập kết. Lúc này cuộc đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ  diễn ra rất ác liệt ; bầu trời địa đầu Tổ Quốc thỉnh thoảng vẫn có “Thần sấm “ “Con ma “ vút qua thăm dò. Tuy nhiên, vì tín hiệu xanh “Mi không đụng đến ta thì ta cũng không đụng đến mi “ nên chúng vẫn cố tránh đường biên giới. Vì tình hình gấp rút nên các trận địa pháo của Trung đoàn tôi nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Một lần tôi cùng anh em kỹ thuật viên xuống kiểm tra súng pháo ở trận địa Chi Lăng về gần thị xã Lạng Sơn thì nghe tiếng gầm rú của mấy chiếc “Con ma “ đến đánh phá khu vực tập kết hàng ở thị trấn Đồng Mỏ.

 

Các trận địa pháo của Trung đoàn tôi được lệnh nổ súng bảo vệ chân hàng. Mấy anh em tôi vội nhảy xuống mấy cái hố cá nhân đươc chuẩn bị sẵn ven đường nhưng vẫn cố nhô người lên để nghe tiếng pháo của trận địa mình. Tiếng pháo 57 ly nổ ùng oàng đỉnh đạc pháo 37 ly nổ “thùng…thùng “ liên thanh. Bất ngờ chúng tôi nghe tiếng bà con reo: Cháy rồi ! Cháy rồi ! Cả mấy anh em tôi vội nhảy lên khỏi hố cá nhân. Nhìn về phía thị trấn Đồng Đăng tôi thấy một vệt sáng rớt xuống mấy dãy đồi biên giới. Về sau, khi trung đoàn tôi đã đi vào Quang Trị theo chiến dịch  mới biết cái vệt sáng hôm chúng tôi nhìn thấy là  thùng dầu phụ, cái máy bay bị thương quẳng xuống cho nhẹ để dễ  thoát thân. Bà con Lạng Sơn cứ xì xầm bàn tán: các chú bộ đôi trung đoàn Tam Giang bắn giỏi quá ; trước đây các chú bộ đội Trung Quốc bắn đỏ trời mà chẳng trúng đươc chiếc nào!                                     

Gần hết tháng 11 năm 1972 tình hình có vẻ yên ắng ; Ban chỉ huy Trung đoàn lệnh cho các cấp cho anh em thay nhau nghỉ phép về thăm nhà, ai có nhu cầu xây dựng gia đình thì các đơn vị cố tạo điều kiện. Tôi trình bày nguyện vọng với Ban chỉ huy và được Thủ trưởng đơn vị cho về cưới vợ. Thực tình, tôi suy nghĩ rất nhiều trước khi đi đến quyết định này. Chúng tôi yêu nhau đã 6, 7 năm cô ấy là người Hà Nội, ra trường cũng mấy năm rồi, lại là con gái đầu nên ông bà cũng muốn cho yên ổn. Tôi nhờ bà con mua hộ chè, thuốc, bánh kẹo vì những thứ này ở Lạng Sơn thời ấy dễ mua và rẻ hơn ở Hà Nội.

Đầu tháng 12 chúng tôi tổ chức đám cưới. Cuộc sống của người Hà Nội thời ấy  dản dị, có phần đạm bạc. Đám cưới của tôi tổ chức tại nhà vợ, phố Nam Đồng – nay là phố Nguyễn Lương Bằng. Cả một dãy dài nối từ phố Nam Đồng đến phố Hàng Bột hai bên đều là nhà một tầng, có nhà mái còn lợp bằng tôn, họa hoằn mới có căn nhà hai, ba tầng, đa số từ thời Pháp để lại. Con đường tàu điên chạy xuông mạn Hà Đông hằng ngày vẫn có tiếng leng keng khi tàu chạy qua cửa nhà tôi. Không khí Hà Nội lúc này khá yên tĩnh. Hà Nội thời ấy  chưa có xe máy, ô tô con nhiều như bây giờ, người dân đi lại bằng xe đạp hoặc tàu điện, phố xá còn rất văng vẽ. Có lần tôi đứng tựa cửa nhìn mấy cô thiếu nữ tóc tết đuôi sam vừa đi vừa nói chuyện nhỏ nhẹ phía bên kia đường mà lòng trào dâng nhiều cảm xúc khó tả ; cái dáng thanh lịch, điềm đạm ấy bây giờ mai một đi đâu hết !
                                                                                              
Vừa tổ chức đám cưới xong thì có anh bạn ở cùng đơn vị đến chơi. Anh cứ thanh minh : Thủ trưởng cho tớ thay mặt đơn vị về dự đám cưới cậu nhưng ở trận địa có khí tài bị hỏng phải sửa gấp nên về chậm mất rồi ! Rồi anh khẩn khoản mời vợ chồng tôi sang nhà anh chơi. Hồi ấy muốn sang Gia Lâm phải đi bằng cầu phao bắc tạm ; cầu Long Biên bị đánh hỏng, cầu Chương Dương thì chưa có. Lúc này máy bay Mỹ gầm rú suốt ngày, chủ yếu là lũ cường kích thăm dò các trận địa ; tiếng bom nổ chát chúa, tiếng pháo phòng không của ta rền vang đáp trả. Lúc ngồi ăn cơm ở nhà anh bạn cả gia đình và vợ chồng tôi cũng phải bỏ dở bữa ăn chạy ra hầm chử A tránh mảnh bom, mảnh pháo mấy lần. Có lần mấy chiếc F105, F4 lượn vòng phía trên nhà anh bạn tôi để đánh mấy trận địa pháo mạn Cầu Đuống ; hồi năm1967 trước khi ra trường tôi có về đây thực tập. Lần về thực tập ấy tôi đã được chứng kiến mấy trận địa pháo 100 ly bắn bằng phần tử tổng hợp, quả thật rất đẹp. Sáu khẩu pháo được điều khiển bằng Rada, máy Chỉ huy nổ thành 6 cụm khói đen bao lấy chiếc “ Thần sấm “.

Theo lý thuyết tôi được học thì chắc chắn chiếc máy bay đó bị tiêu diệt ! Ở với nhau được mấy ngày thì vợ chồng tôi cũng phải về đơn vị trả phép ; tôi về đơn vị chiến đấu, vợ tôi lên Ba Vì phụcvụ trong một nhà máy Quốc Phòng Tôi lai cô ấy lên bến xe Kim Mã,  bần thần nhìn theo chuyến xe khách chạy lên Sơn Tây, lòng nao nao chợt nhớ bài thơ “ Màu tím hoa sim “ của Mai Hữu Loan sáng tác năm 1948.

 

Ngày 16 tháng 12 máy bay hải quân, không quân địch đanh phá ác liệt ; đêm 17 máy bay B52 bắt đầu đánh phá các vùng phụ cận. Đêm 19 máy bay B52 ồ ạt đánh vào Thủ đô. Theo dõi tin tức qua chiếc đài bán dẫn chúng tôi biết B52 đã rãi thảm ga Lưu Xá ( Thái Nguyên ), làm chết rất nhiều dân thường, chôn vùi 12 thanh niên xung phong trong hang đá. Các lực lượng phòng không, không quân của ta đã bắn hạ được B52. Tin này được phổ biên rất nhanh, tạo nên sự phấn khích, tin tưởng. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Nôen ; lễ Nôen ở Ha Nội là ngày lễ lớn, tuy chưa phổ câp như bây giờ. Gần sát Nôen, Ban kỹ thuật tạo điều  kiện cho tôi về Hà Nội công tác, kết hợp tăm gia đình. Đêm Nôen năm đó Hà Nội yên ắng lạ. Dân gian thường bảo: gần mắt bảo bầu trời thường quang đảng, gió thường rất ít. Quả không sai ; đêm 26, mới khoảng 9 giờ tối còi báo động hú vang, bầu trời như tối sầm lại, tít trên cao tiếng ầm ì của B52, ở tầm thấp máy bay cường kích gầm rú như xé nát trời đêm. Tiếng pháo phòng không nổ vang tứ phía, các vệt sáng tên lửa của ta phóng lên sáng rực cả trời đêm Hà Nội. Sáng hôm sau tôi đạp xe đến thăm bố mẹ vợ, qua phố Khâm Thiên tôi thấy bàng hoàng vì một khu phố đẹp, sầm uất thủa nào nay chỉ còn đống gạch ngổn ngang, nhiều đội tự vệ đeo băng đỏ ở cánh tay đang bới gạch đá cứu người, ở nhiều nơi bóng phụ nữ quấn khăn tang trên đầu đang vật vã khóc than ! Đã bốn mươi năm trôi qua, phố Khâm Thiên bây giờ trở thành khu phố buôn bán sầm uất nhất nhì Hà Nội nhưng mỗi khi đi qua tượng đài căm thù tôi lại bần thần nhớ lại cái cảnh tang thương năm 1972 !

Nhà vợ tôi đã sơ tán hết, chỉ còn mẹ vợ trông nhà. Thấy tôi đến bà mừng lắm. Mới ngồi nói được mấy câu thì lại nghe tiếng còi hú báo động, mẹ vợ tôi vội chụp cái mũ bảo vệ lên đầu, luồn cái băng đỏ vào tay rồi ra cửa đứng chờ. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên bà bảo bà cũng vào tổ bảo vệ dân phố. Tôi vớ lấy tờ “ Hà Nội mới “ trên bàn, lướt qua những con số thống kê số máy bay bị bắn hạ, có chiếc B52 bị rơi ngay ở trung tâm thủ đô.

Ngồi chơi thêm mấy phút tôi xin phép bà đi theo công chuyện. Mới đạp xe đến cuối phố Hàng Bột, chỗ gần Văn Miếu – Quốc Tử giám thì tiếng còi báo động lại hú vang. Máy bay địch đang tập trung đánh phá mạn ga Văn Điển và ga Gia Lâm. Người đi đường vội bỏ xe đạp, xuống các hố cá nhân trên vỉa hè. Tôi cũng dừng xe, định nhảy xuống chiếc hố cá nhân gần đó thì có bà cụ đeo băng đỏ như mẹ vợ tôi nói vọng tới : Chú bộ đội cứ đi làm nhiệm vụ đi, chỉ bà con đi đường mới phải xuống hầm thôi !

Đã bốn mươi năm trôi qua, ngồi nghĩ lại những ngày tháng ác liệt, gian khổ đó sao thấy dân mình bình tĩnh lạ; cuộc sống thời đó rất khó khăn nhưng sao con người ta vẫn đầy lạc quan, thân tình với nhau đến vậy !

Hà Nội, ngày  31 tháng 12  năm 2012

Tác giả bài viết: Lương Duy Thái