Tản mạn về chuyện cây Cau nhánh Trầu ở làng Lệ Sơn

Những dòng hồi ức về chuyện miếng Trầu và Cau ở Làng Lệ Sơn của tác giả Trần Đức Hường
Những bài viết của cùng tác giả đã đăng:
1. Cồn Vang, một trời hoài niệm
2. Lệ Sơn, tên Làng: Chữ và Nghĩa
3. Mẹ ơi
4. Chợ Vang khảo luận
5.
Đặc sản sông nước Làng Lệ Sơn
6. Chuyện về hai cây đa Đồng Mua làng Lệ Sơn

TRẦU Ở LỆ SƠN
 
Trầu còn có tên là trầu không, thuộc dạng dây leo. Dân gian Việt Nam có kinh nghiệm dùng lá trầu không để chữa cảm lạnh, đau đầu, viêm răng lợi, bỏng... nhưng nhiều nhất vẫn là dùng để ăn trầu. Miếng trầu tuy nhỏ bé nhưng lại hội tụ rất nhiều hình dáng, màu sắc, hương vị gồm một lá trầu xanh quệt ít vôi trắng, têm gọn gàng, tỉa hình cánh phượng ( hoặc đơn giản thì cứ để thế như ở quê ta ), xếp cùng miếng cau nâu nhạt, miếng vỏ chay. Khi đứng riêng lẻ, đó chỉ là lá, là cây, là quả, là vôi nhưng khi hợp lại, hoà quyện vào nhau thì nó trở nên đằm thắm, đỏ tươi, càng nhai càng thấy ngọt và cảm giác lâng lâng.
 
1
 
Ở Lệ Sơn trầu thường được thả theo những thân cau hay bám vào những mảng tường vôi mà ít khi trồng cọc kết giàn. Chúng bám rất chắc vào thân chủ và rất khó để tách rời.
 
1
 
Nhiều dây trầu bò tuốt lên cao, khi hái lá phải bắc thang thật dài ( đày ) mới đến ngọn, thậm chí có khi phải dùng câu liêm giật xuống vì ngoài tầm kiểm soát. Vào những dịp giỗ chạp, lễ, Tết, người ta thường hái trầu mang ra chợ bán. Lá trầu được xếp thành từng liếp và các liếp được xếp vòng tròn quanh thúng để tiện gánh ra chợ. Đầu đêm người ta lích kích chuẩn bị để nửa đêm hoặc sáng tinh mơ các bà, các chị phải gánh đi các chợ để bán cho kịp buổi. Ở Lệ Sơn trước đây, nhiều nhà cũng có đồng ra đồng vào từ trầu. Thu nhập tuy không lớn nhưng đã góp phần hỗ trợ cho chi tiêu hằng ngày bớt khó khăn. Thường thì trong gánh trầu có thêm một vài buồng cau tươi để tiện cho người mua. Trầu và cau gắn chặt với nhau như một sự tất yếu của cuộc sống, vì thế, đã nói đến trầu thì không thể không nhắc đến cau.
 
CAU Ở LỆ SƠN
 
Ở làng Lệ Sơn trước đây, hầu như đi đâu cũng thấy cau. Có nhà chỉ trồng cho vui nhưng có nhà trồng khá nhiều tạo thành những vườn cau khá ấn tượng và coi đó như một trong những nguồn thu nhập chính. Cau là loại cây thân gỗ trung bình, cao đến 20 m, đường kính thân cây lớn nhất vào khoảng 20–30 cm. Lá cau dài khoảng từ 1,5 đến 2 m.
 
1
 
Cau được trồng trước hết vì giá trị kinh tế đáng kể của nó từ việc thu hoạch quả. Quả cau chứa các ancaloit như arecain và arecolin, có thể gây say, người ta dùng để ăn trầu hoặc trong các dịp lễ lạt, cưới hỏi, Tết nhất. Cau cũng còn nhiều giá trị khác. Thân cau được dùng làm máng nước, rui mè, làm đũa. Mo cau có thể dùng làm quạt, làm gầu múc nước hay dùng để đùm cơm. Lá cau khô được dùng làm chổi, đun nấu và đám trẻ con thì dùng làm trò kéo mo cau …
 
1
 
Mùa cau ra hoa, cả vườn rụng đầy hoa trắng. Hoa cau có mùi thoang thoảng nên phải để ý mới phát hiện ra. Những quả cau vừa nhú ra đã rụng là món quà vô giá của tuổi thơ để đám trẻ chơi ô ăn quan mải mê quên cả học hành.
 
1
 
Mùa cau kết trái, khi hạt cau vừa đầy, người ta khẩn trương thu hoạch. Ở Lệ Sơn có nhiều người trèo cau rất giỏi. Họ trèo từ cây này, hái xong lại chuyền qua cây kia mà không cần phải xuống đất. Cứ thế mà chuyền hái cho hết vườn cau. Ngoài những buồng bán ngay lúc còn tươi cho khách ăn trầu, lễ lạt, cưới hỏi, còn thì người ta phải bổ và phơi hoặc sấy để tồn trữ ở dạng cau khô cho được lâu và bán cho được giá.


MỘT VÀI SUY NGHĨ
 
Làng quê Việt Nam có nhiều nơi trồng cau, trầu. Miền Bắc như Hải Phòng, Miền Trung như Huế, Miền Nam thì không thể không nhắc đến 18 thôn vườn trầu ở Bà Điểm – Hóc Môn. Vườn cau, vườn trầu cũng thăng trầm theo năm tháng, theo phong tục lễ lạt và phong trào ăn trầu. Ở Lệ Sơn, cau trầu cũng không ngoại lệ. Trước đây, cau trầu nhiều, là một nguồn thu khá. Nay vì ít người ăn trầu, ít người mua, không có đầu ra, giá cả thấp, giá trị kinh tế không còn cao như trước nên vườn cau, vườn trầu ngày một ít đi.

Vùng 18 thôn vườn trầu, người ta đã và đang kết hợp nhà vườn với các tour du lịch để du khách tham quan và hình dung lại một thời quá khứ oanh liệt gắn liền với khởi nghĩa Nam Kỳ. Huế cũng vậy, người ta bố trí những tour du lịch nhà vườn cho du khách nhớ lại Thôn Vĩ của Hàn Mặc Tử hay cau Nam Phổ, trầu chợ Dinh trong những lời ru. Làng Nhân Lý ở Thủy Nguyên - Hải Phòng lại phát triển theo hướng trang trại và xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan - những nơi ăn trầu còn phổ biến. Làng Nhân Lý là một vùng trồng cau từ lâu đời nhưng mới phát triển việc trồng cau, trầu ở dạng quy mô vùng chuyên canh hơn mươi mười lăm năm trở lại đây do tìm được đầu ra là xuất khẩu. Người dân được cho là có thu hoạch gấp năm gấp bảy trồng lúa nên đường làng ngõ xóm khang trang, nhà ngói, tường xây rất ấn tượng. Họ cũng đã và đang kết hợp với du lịch và thông qua du lịch để quảng bá thương hiệu.

Trên đây chỉ là đôi nét chấm phá trong một bức tranh lắm màu, nhiều sắc của thời kinh tế thị trường. Hy vọng rằng bà con ta sẽ tìm hiểu thêm để có được hướng đi thích hợp sao cho vừa có thêm thu nhập vừa để làng Lệ Sơn vẫn còn những nương cau, vườn trầu như một thời vang bóng. Mong muốn này chắc không chỉ có một mình tôi….
 
TP. HCM – THÁNG 1- 2013

Tác giả bài viết: Trần Đức Hường