Sự tích về miếu thờ Đức Ông ở thôn Thượng Phủ

Sự tích về miếu thờ Đức Ông, ở cây Bàng thôn Thượng Phủ. Tác giả Nguyễn Thanh Lâm ghi chép lại theo lời kể của thầy giáo Trần Xuân Quế, Thôn Thượng Phủ.
Ở Lệ sơn, mỗi địa danh đều có một lịch sử hình thành từ lâu đời, gắn liền với một điển tích nào đó. Do nhiều lí do mà đến nay vẫn không có sử sách nào ghi chép lại . Một số địa danh con cháu chỉ nghe kể truyền miệng từ đời này qua đời khác và lưu giữ lại trong kí ức đến bây giờ. Một trong những người còn nhớ được khá nhiều câu chuyện lịch sử gắn liền với các địa danh làng ta là thầy Trần Xuân Quế ở thôn Lê Lợi.

 Năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe tuy đã giảm, nhưng khi nói về các địa danh của quê hương, thầy như có lửa nhiệt tình, háo hức, say sưa như thể các câu chuyện đã “ngấm” vào trong người thầy từ bao giờ, làm người nghe vừa cốn hút say mê, vừa cảm phục sức nhớ của thầy. Hiện nay, việc thờ cúng ở Động Chân linh, Miếu Đức ông, Cao Các Mạc sơn …v...v. Mọi người có liên quan đều nhờ thầy giúp đỡ. Bản thân thầy thường xuyên đi cúng vái các nơi linh thiêng của làng vào các dịp lễ, tết. Mặc dù mỗi lần đi như vậy cũng tốn kém vất vả so với cái tuổi của thầy, nhưng thầy làm việc đó tự giác  như nghĩa vụ của một người con có tấm lòng  trước Ông Bà Tổ Tiên mà thôi , không vì một mục đích gì khác. Chính người viết bài này đã chứng kiến cảnh 10h đêm, BQL Nhà máy xi măng Hạ trang nhờ thầy lên miếu Đức Ông xin cúng vái và phù hộ độ trì cho Dự án được suôn sẻ. Bản thân tôi khi được nghe thầy Quế kể những câu chuyện về các sự tích lịch sử làng ta gắn với các địa danh thì cứ như đứa trẻ bắt đầu đi học những điều mới lạ, cảm thấy khám phá ra biết bao điều thú vị về quê hương bản quán, nơi mình sinh ra và lớn lên, nhưng ai hỏi thì cứ ù ù cạc cạc, chẳng biết mô tê ất giáp gì hết. Thú thật tôi rất cảm phục thầy. 

1 

Nhân dịp năm mới về thăm thầy, chúng tôi được thầy kể về sự tích Miếu Đức Ông. Câu chuyện  như sau, xin chép lại để ai chưa biết thì tham khảo và có gì còn sai, thiếu thì  bổ sung thêm và mong bỏ qua những sơ suất của tác giả vì bản thân không phải là nhà báo chuyên nghiệp. 

Miếu Đức Ông thờ vị thần Đưc Ông Thái Giám Mạnh Linh. Húy hiệu chính : Đức Ông Thái Giám Mạnh Linh Mông tăng Dực Bảo - Trung Vương Linh Phù Chi Thần - Tái gia đoạn túc. Thờ 1 vị Tướng công, chính quê ở xóm Tam đa, xã Lê hóa. Trong một lần đi công cán, khi qua sông Linh Giang ông bị ngộ gió và chết ở dưới gốc 1 cây sung, tại Đôồng vườn. Tương truyền, sau khi ông mất 2 ngày thì tin báo mới đến Phủ. Quan Phủ cho người xuống điều tra, Khi xuống nơi ông mất thì đã thấy một đụn mối cao hơn đầu người, trông như một nấm mộ ai đã làm. Quan Phủ thấy lạ, lệnh dừng không đào bới để điều tra nữa cứ để tự nhiên và cho rằng trời đã làm chuyện này thì mộ ông sẽ rất thiêng. (Gọi là Thiên táng) .Theo năm tháng, gió mưa, mộ có hao mòn, dân làng LỆ Sơn thương tình vun đắp và xây thành Miếu nhỏ để thờ ông. Từ đó trở đi câu chuyện thành niềm tin, tín ngưỡng và dân làng gọi đó là Miếu Đức ông. Đã có nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của Miếu. Thí dụ ai mất trâu, bò…lên thắp hương khấn vái thì ông chỉ đường cho vào lèn, rú là tìm lại được trâu, bò. Dân Lệ Sơn làm thuê cho 1 ông địa chủ Trần Ninh ở Cự nẫm,  nợ nần nhiều không trả được, lên thắp hương khấn vái, ông chỉ cho cách làm ăn và trả hết nợ…. 



1 

Từ đó có bài thơ về Miếu Đức ông rằng: 

Hỏi cố hương quê người Lê Hóa 
Địa danh nguyên chính xóm Tam Đa 
Cũng trong dòng dõi thế gia 
Phủ quân ngoại tộc hiệu là Mạnh lang. 
Đương hành sự quá giang đất Lệ 
Ngộ cuồng phong độc vũ nhập tâm 
Thân hồn cấp tảo ly thân 
Giữa đương nào biết yên thân chốn này 
Đất Thượng Phủ ngàn năm yên nghỉ 
Nấm mồ sơ phong vũ giãi dầu 
Trần trần sương sớm nắng chiều 
Hồn thiêng vâng chỉ lại triều thiên môn 
Kẻ ngộ bệnh kẻ vì lưu lạc 
Đáo khấn cầu đều được bình an 
Bản hương thoát nợ Trần Ninh 
Cũng nhờ Hiền Thánh Hiển linh Tương phù.          

Tác giả bài viết: Trần Xuân Quế