Phản hồi lại bài: "Làng Lệ Sơn, làng của Đạo học”

Phản hồi của một độc giả từ phía Nam gửi tới báo làng những thông tin xác thực sau khi đọc lại bài viết "Làng Lệ Sơn, làng của Đạo học"
Lời Ban biên tập: Sau khi LLS.NET đăng lại bài viết "Làng Lệ Sơn, làng của Đạo học" từ báo Dân Việt, báo điện tử của báo Nông thôn ngày nay. Một lượng thư rất lớn phản hồi ý kiến của độc giả gửi tới phàn nàn bài viết không chân thực, dễ làm ru ngủ lớp trẻ sống không có khát vọng, mất phương hướng. Độc giả cũng bất bình việc liệt kê những nhân vật được tôn vinh là nghèo, hiếu học, sau đó thành danh từ bậc tiền nhân khai canh lập ấp, đến những nhân vật thuộc thế hệ trẻ hiện tại là sự xâu chuổi không khách quan, thiếu thuyết phục. Để quý bà con có cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, Ban biên tập giới thiệu 1 trong số nhiều bức thư phản hồi về nội dung bài báo này của 1 độc giả xin được ẩn danh với cái tên "Người không có bằng giỏi".

Bài viết liên quan đã đăng:
1.Làng Lệ Sơn, làng theo Đạo học

Phản hồi lại bài: "Làng Lệ Sơn, làng của Đạo học”


Tôi không có ý định phản hồi tất cả các ý của bài viết đã đặt ra, mà chỉ muốn trao đổi lại lời phát biểu của cô Hương: Bây giờ em hiểu, học giỏi không đủ, còn phải có người nâng đỡ nữa”.

Qua thực tế, tôi thấy:

1. Nhiều người chưa phải là giỏi và cũng không có người nâng đỡ nhưng vẫn tồn tại ở Sài gòn và Hà Nội bằng năng lực thực sự của mình.

2. Không phải nơi nào cũng phải có sự nâng đỡ, người giỏi mới có đất dụng võ. Nếu thực sự giỏi, kiếm việc không khó. Hương có phải là một cô giáo Văn giỏi không, thử nhờ cô giáo dạy văn giỏi ở Sài gòn là vợ nhà báo Lương Duy Cường - phỏng vấn và thử xem. Tôi tin rằng nếu Hương thực sự là cô giáo dạy văn giỏi, thì cô giáo văn giỏi -  phu nhân của nhà báo Lương Duy Cường chắc sẽ giới thiệu được để Hương có cơ hội đứng trên bục giảng.

3. Tôi đã từng phỏng vấn chọn đầu vào cho nhiều nơi, tôi đã biết tới nhiều người có bằng giỏi nhưng thực chất thế nào. Có người học văn, tốt nghiệp giỏi của một trường Đại học mà chưa từng đọc qua một tác phẩm văn học nước ngoài nào, từ cổ điển đến hiện đại. Và các tác phẩm của các nhà văn có tác phẩm được trích trong sách giáo khoa, sinh viên ấy không hề biết (SV ấy chỉ biết đoạn trích trong SGK). Vì thế, một sinh viên CÓ BẰNG GIỎI chưa hẳn là HỌC GIỎI.

4. “Bây giờ em hiểu, học giỏi không đủ, còn phải có người nâng đỡ nữa” - có lẽ cháu Hương  hơi vội vàng và chủ quan khi nói điều này.
Xã hội còn nhiều tiêu cực nhưng không có nghĩa là phải có sự nâng đỡ thì người học giỏi mới có cơ hội.
Cũng như một số ý kiến phản hồi đã phân tích, tôi cũng nghĩ rằng kỹ năng làm việc, kỹ năng sống, là nội lực bản thân chứ “có người nâng đỡ” chưa phải là điều kiện tiên quyết để kiếm được một việc làm ở một thành phố năng động như Sài gòn.

Điều quan trọng là lớp trẻ muốn tiếp cận với những cơ hội tốt thì phải rèn luyện để mình trở thành NGƯỜI GIỎI. Người giỏi thì làm việc gì cũng dễ dàng. Và tất nhiên dù HỌC GIỎI cũng không đồng nhất là NGƯỜI GIỎI.
Và vì thế, một sinh viên có bằng giỏi dù có được nâng đỡ cũng không thể “thoắt cái” biến thành NGƯỜI GIỎI được.

5. Điều tôi muốn nói cuối cùng là: Hạt gạo Việt Nam muốn trở thành hàng hóa có giá trên thị trường thế giới phải là hạt gạo ngon, được chăm chút sạch sẽ. Khi người ta có giá trị thật thì sẽ có giá trên thị trường lao động. Chúc cho con em Lệ Sơn có khát vọng học giỏi không chỉ  chăm có BẰNG GIỎI mà hãy khao khát trở thành NGƯỜI GIỎI để trở thành “hàng hóa”  có chất lượng trong một thị trưởng lao động khắt khe và công bằng.

Và trang website Làng Lệ Sơn ta cũng nên có những bài viết khuyến khích giá trị thực để giúp con em định hướng nghề nghiệp đúng, thực tế hơn !

 

Tác giả bài viết: Người không có bằng giỏi