Những cái mất và được khi nhà máy xi măng Quảng Phúc về tạo công ăn việc làm tại Hạ Trang (Phần 1)

Để tiếp tục phản ánh về những góc khuất, mà làng quê Lệ sơn đang ngỡ ngàng trước thách thức với những cái mới lạ. Tác giả Kinh Bắc đã không ngần ngại nói lên những vấn đề của mặt trái xã hội. Những cái mất và được khi nhà máy xi măng về, đã được phân tích và có tính cảnh báo cho tương lai giữa hai mặt phải trái cơ chế.


Trở lại Làng Lệ Sơn sau bài viết về thuật ngữ “Trượng mới về” và chuyện lạ lùng của thầy cúng đa năng ở làng trong xã hội mới. Tất cả nói lên những biến thái đang ngày đêm âm ỉ làm xáo trộn lề thói, xói mòn đạo đức và nhân cách của một số con em địa phương nay đã vượt ra khỏi lũy tre làng. Câu chuyện mà chủ để nêu ra, có thể kéo dài mãi mà không thống nhất được bao giờ, vì được mất ở đây lẫn lộn đan xen và chồng chéo.

Làng Lệ Sơn xã Văn hóa bước vào thế kỷ XXI, bỏ lại đằng sau lưng của một thời kỳ thiếu thông tin, khổ cực và đói kém, cũng như những gì còn lại của một vùng quê có nhiều giá trị văn hóa đặc thù, đang ngày đêm phải gồng mình chống chọi với những cái mới đang về. Quê hương ấy bao đời đã không ngại ngần gian khổ, để đổi lấy con em được đến trường và có mặt bằng văn hóa cao nhất toàn tỉnh như ngày hôm nay, một làng quê yên bình với lối sống cộng đồng ăn ở có trước, có sau. Một làng quê với những huyền tích huyền thoại, với những phong cảnh sơn thủy hữu tình. Tất cả ấy đã làm nên tên tuổi của một làng văn hóa vốn đã được nhiều đời mệnh danh , vùng quê với những giá trị cơ bản đã hình thành và xuyên suốt qua nhiều thời đại,  nay đang tiếp cận dòng chảy của thời đại mới.

Diện mạo xã hội mới đã và đang về, cuốn theo những quy luật nghiệt ngã, quy luật ấy  liệu có giữ được chân của lòng tham con người, và rồi liệu  giữ nổi chính mình trong cái mới khắt khe ấy. Ở đâu cũng vậy, và thể chế nào cũng cho hay: Song song với phát triển kinh tế xã hội, phải luôn chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần. Trong đó, văn hóa là cốt lõi để hình thành và định lượng về chất của thời đại. Thế nhưng, miền quê ấy đang chịu những thay đổi bởi tác động của "làn gió lạ", và đang có nguy cơ làm biến dạng những giá trị truyền thống.

 

Đang yên lành, sao lại có chuyện nghiệp chướng vậy hả trời  (Ảnh minh họa)

Trong cái mới đã và đang hình thành, tiếc thay sự lệch pha của cái đi lên lại kéo theo cả sự đi lùi,  bản thân nó đã sớm hình thành những kẻ hở để tạo nên những vấn nạn, hệ lụy ấy đã và đang đẩy lùi những giá trị truyền thống mà Ông Cha đã dày công bồi đắp mấy trăm năm qua. Những ảo tưởng về một cuộc sống tươi đẹp, có của ăn của để đã hình thành trong sự đánh đổi nghiệt ngã, vòng xoáy mưu sinh đã cuốn theo những gì phát triển bất tự nhiên đã khiến cho sự được mất cứ trượt dài trên con đường âu lo. Con đường đi lên và kéo theo cả đi lùi ấy, đã không thể lựa chọn khi lấy nền tảng vật chất để đánh đổi, để phấn đấu và để “hi sinh”.

Vậy là Làng Lệ sơn đã có cầu, có nhà máy, cái được mà hai cái mới " mang tầm chiến lược" mang lại, trước mắt là bà con là được đền bù, được vào làm bảo vệ, được đi làm thuê để có tiền đỡ đần trang trải cuộc sống. Những cái được cho một bộ phận không nhiều ấy,  vẫn chưa thuyết phục nổi cả một cộng đồng đang ngày đêm lo lắng cho cả cái mới và những sự nghiệt ngã mới. Những ngày qua, sự hồ hởi của dân làng khi có cầu đang hình thành là có thật, mừng lắm vì bao đời cách sông phải lụy đò,  nhà máy đang dần dựng lên đã giải quyết một số cung cầu xã hội, ở đó có những gia đình đang ngày có thu nhập cao hơn, dễ sống hơn, và cũng không thể phủ nhận khi một số cho rằng: “khổ tận có ngày cam lai”. Nó như một giấc mơ có thật. Nó đã làm đổi thay nhiều gia đình, nhiều cuộc sống và cả nhiều tư duy.

Khái niệm đi làm thuê để đổi lấy đồng tiền nuôi con, đã dần hình thành từ suy nghĩ đến hành động. Về quê bây giờ để đi kiếm tiền, đã thôi thúc từ trong mỗi gia đình đến tận ngoài làng ngã xóm. Mùi của tờ polime, của ống khói nhà máy đang cuộn lên, cuốn theo bao dòng chảy mới, bao cuộc đời mới và cả bao hệ lụy mới. Làng Lệ Sơn đã có công ăn việc làm, có thu nhập và có cả sự tiêu pha. Những vấn đề cốt lõi giải quyết mưu sinh, đã được giải quyết và thực sự lôi cuốn không biết bao nhiêu là người đang độ tuổi trụ cột gia đình.

Trong không gian mới, cách nhìn xã hội cũng đã đổi khác, "có tiền sẽ có tất cả". Đúng vậy, sự kiêu hãnh, sự hãnh diện và cả sĩ diện đã lôi cuốn vào thế giới phải làm sao để tranh thủ cơ hội, chớp thời gian vun vén cho mỗi cuộc đời để đẩy lùi bao nhiêu khổ ải của ngày hôm qua. Sự vươn lên cùng với đức tính cần cù đã được bù đắp. Có tiền, phương tiện vật chất ấy dễ sai khiến, nói đúng hơn là dễ bề giải quyết mọi việc. Cái luật đời đã le lói hình thành “tiền trao cháo múc”, không  phải phiền lụy ai. Câu chuyện giúp việc ở làng trong đời sống hiện đại đã lỗi thời và sẽ dần mất đi trong dòng chảy của thời đại. Sự nhìn nhận ra bên ngoài với những đồng tiền sáng rực, sẽ dần tạo cơ hội giải quyết nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đâu đó đã có sự đổi thay trong cách nghĩ, nên làm việc gì đó nhẹ nhàng hơn và vẫn có tiền……

 
Cả câu chuyện dài muôn trùng của một xóm làng sau một đêm đổi khác, họ đã chuẩn bị gì cho mình những kiến thức mới, những điều chỉnh mới và cả những ứng phó mới.
Đang miên man không biết bắt đầu từ đâu. Nhớ lại câu chuyện ông bạn làm thầy cúng đa năng cho biết, cái lộn xộn thú vị mang tính điển hình và có độ lan tỏa nhanh nhất, tác giả xin được bắt đầu từ câu chuyện "dịch vụ không khói"...của một số chị em "có máu mặt" do nhiều hoàn cảnh đẩy đưa, chủ yếu đường tình duyên không may mắn, và cả một số bị sa thải do vấn đề đạo đức , chạy về  từ các cụm công nghiệp miền Nam, kể cả những thành phần do sự kỳ thị của một số doanh nghiệp tẩy chay Thanh Nghệ và Quảng bình, mà báo chí gần đây đã đăng tải.
Họ về quê mang theo nhiều tư duy thông thoáng và là những người đi đầu, khuấy động nhiều kiểu cách dễ kiếm ,vốn lâu nay "ngủ quên" trong những giá trị truyền thống, cách làm ra tiền bằng những gì mình có, đã được thầy cúng đa năng nói rằng: "kể cả ngày cũng không hết". Họ đã đáp ứng nhanh cho nhu cầu của một công trường mới, họ còn kéo theo những thay đổi cơ bản về cách nhìn,cách làm cho bao chị em chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, vốn lâu nay  khổ cực,đông con và nghèo khó......

Mời quý độc giả đón đọc phần 2

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ