Lỡ tàu

Bài viết về những kỷ niệm không thể quên của tác giả Lương Duy Thắng
Dù chẳng mấy khi về quê bằng tàu nữa nhưng mỗi khi nghe tiếng còi tàu tôi lại giật mình. Có thể vì cuộc đời mình quá nhiều lần lỡ tàu mà không thể nào tìm được chuyến ô tô thay thế…

Tàu chợ Vinh - Hà Nội đang giảm tốc độ chuẩn bị vào ga Thanh Hoá. Tiếng bánh xe miết lên đường ray rít lên ken két nghe nhức nhối khó chịu. Đã 6 giờ sáng, lên ga Vinh lúc 0 giờ tối qua, vậy là mất 6 tiếng ngồi tàu mà mới đến Thanh, đúng là tàu chợ. Bất giác, nhớ lại câu thơ của ông Bút Tre " Đường sắt có anh Phạm Đăng / Ấn cho tàu chạy, băng băng như rùa" rồi tự mỉm cười một mình.
Tàu đã dừng hẳn.


 
1
 
Mọi người lục tục đứng lên, ra phía đầu toa. Ai đó ngủ mê choàng mở mắt ngơ ngác, hỏi trống không "Ga nào vậy ?". Hai anh em tôi, cùng tiến ra phía cửa toa, bước xuống sân ga.Tôi nói: 

- Anh em mình đi kiếm cái gì ăn đi Trâm, anh háu đói lắm mà thức từ đầu hôm đến giờ đã có cái gì cho vào bụng đâu. 

Trâm là là con chú họ tôi, ba nó là anh em thúc bá với ba tôi, chẳng may chú bị mất sớm từ lúc nó mới lên 2, thím phải chạy chợ buôn bán gánh mắm, muối ở chợ Vang để nuôi chị em nó ăn học. Vậy mà nó học giỏi, có lẽ gien bố (nghe nói bố nó ngày trước học giỏi và học cao có tiếng ở làng). Nó trúng tuyển dư điểm vào trường Đại học Thương Mại và lần này nó theo tôi – đang học Đại học Thuỷ Lợi, ra Hà Nội nhập học. 

Anh em tôi vòng quanh sân ga, không có hàng ăn, chỉ lèo tèo mấy ki-ốt bán hàng nhu yếu phẩm. 

Ra cửa soát vé (đương nhiên cũng phải trình bày qua loa vài câu với chị nhân viên), chúng tôi tiến đến hàng ăn gần nhất, kêu 2 bát phở. Ăn xong, đang uống dở cốc nước chè Thái Nguyên, bỗng Trâm kêu lên : 

- Anh Thắng ơi, tàu chạy rồi kìa! 

Trả vội tiền nước, không lấy tiền thối và không kịp suy nghĩ, theo bản năng, anh em tôi "ba chân bốn cẵng " chạy ù vào sân ga. Nhưng ôi thôi! Tàu đã rời ga, toa cuối cùng vụt qua trước mặt anh em tôi đầy ngạo nghễ và giễu cợt. 

Trâm rơm rớm nước mắt, hỏi: " Giờ làm sao anh ?" Tôi im lặng, trong lòng có phần lo lắng, một mình mình thì không sao, đằng này còn con em, mất đồ của nó thì gay, biết ăn nói sao với thím đây? 

- À, tiền em để trong người hay để trong túi du lịch? Tôi hỏi em 

- Em để đây. Nói rồi nó lấy tay vỗ vỗ vào người. 

- Còn may! Thôi, theo anh. 

Tôi phác nhanh trong đầu 1 quyết định, ra bến xe ôtô đuổi theo tàu (ôtô bao giờ cũng chạy nhanh hơn tàu). Cũng may, bến xe cạnh bến tàu và anh em tôi cũng kịp mua được 2 vé cuối cùng của chuyến xe đi Hà Nội, chuẩn bị xuất bến. 

Ngồi yên vị trên xe nhưng lòng tôi vẫn cồn cào như lửa đốt, liệu ôtô có đến kịp không? Đồ đạc của chúng tôi để trên tàu còn hay mất? Dù chỉ vài bộ quần áo với mấy quả cam voi mang ra làm quà nhưng với anh em tôi là tài sản của một đời sinh viên. 

Đến rồi! Bến xe Kim Liên (Hà Nội). Tôi dắt tay em nhảy vội xuống, hai anh em trèo lên một chiếc xích lô ra ga Hàng Cỏ. 

May quá, tàu chợ Vinh – Hà Nội chuyến 0 giờ sáng vẫn chưa tới. Đến lúc này, tôi mới nhẹ lòng phần nào vì vẫn còn hy vọng lấy lại đồ đạc. Bỗng tiếng cô phát thanh viên với cái giọng đều đều ngái ngủ quen thuộc mà ở ga nào cũng nghe như từ máy ghi âm :"A lô! A lô! Đoàn tàu Vinh – Hà nội khởi hành lúc 0 giờ sáng tại Vinh đã về tới ga cuối. Hành khách..." 

Nhanh như một cơn lốc, tôi bỏ mặc em chạy nhanh vào sân ga . Đây rồi toa số 9, ghế số 8 và 10. Đồ đạc anh em tôi vẫn y nguyên trên giá hành lý…

Một lần lỡ tàu không bao giờ quên! 

Giờ, hai anh em đã thành ông, thành bà. Chúng tôi cũng chẳng còn mấy khi về quê bằng tàu nữa (dù là tàu Thống Nhất chứ không phải là tàu chợ). Thế nhưng mỗi khi nghe tiếng còi tàu tôi lại giật mình. 

Có thể, cuộc đời mình có quá nhiều lần lỡ tàu mà không thể nào tìm được chuyến ô tô thay thế…

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng