Ký ức tuổi thơ

Một cảm xúc của tác giả Lương Hồng An một người con của quê hương Lệ Sơn
Đôi nét về tác giả:
Tên: Lương Hồng An, thuộc xóm Trung Đình
Bút danh: Hồng An
Nơi công tác: Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai
Thành phố Biên Hòa



Tôi là một cô bé xa quê từ năm lên 9 tuổi. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, hồi ấy, sau mấy tháng bệng nặng vì ung thư, mạ tôi đã ra đi vĩnh viễn. Trong đời tôi, không có nỗi mất mát nào lớn hơn! Không còn nỗi đau đớn nào bằng. Bởi vậy, tuổi thơ tôi càng in đậm dấu ấn quê hương.

Quê hương với cái thời thơ ấu ấy thật xa mà cũng thật gần, nó luôn thẳm sâu, khắc khoải và gắn chặt vào kí ức tôi không bao giờ nguôi.

Ngày đó, nhà tôi ở xóm Đình, sát sân vận động. Cái sân vận động ấy chính là sân chơi hấp dẫn của lũ trẻ xóm tôi - một cái sân đầy cỏ, đặc biệt là cỏ may. Chúng xâu đầy quần áo chúng tôi mỗi khi chơi trốn tìm, đuổi bắt hay chúc mào… vào những đêm trăng rằm. Ánh trăng sáng rạo rực soi rõ khuôn mặt và ánh mắt lóng lánh hân hoan của từng đứa. Cái góc nhỏ ấy chính là khoảng trời rộng lớn và đầy kỉ niệm trong tôi.

Tuổi thơ tôi chỉ biết đến những cái thật gần gũi, thân quen. Đó là những bụi tre lớn cạnh nhà như đan thành lũy dày, giữa chúng là những hố bom cạn rụng đầy lá tre. Nơi chúng tôi hay chơi vào những buổi trưa hè (vì ở nông thôn bọn trẻ con chúng tôi không bao giờ chịu ngủ trưa). Bóng tre trùm phủ mát cả một vùng rộng lớn như bao dung, ôm ấp che chở tuổi thơ tôi. Rồi những bụi hoa vụ vị ở góc đường có những chùm hoa nhiều màu và từng chùm quả xanh, đen mà chúng tôi hay hái ăn cho vui. Dưới gốc bụi tre là vài cây cà độc dược với những quả tròn căng, vàng ươm rất hấp dẫn nhưng chúng tôi không bao giờ dám hái vì sợ có độc, người lớn thường bảo thế. Bên phải sân vận động là đình làng. Mặc dù dổ nát do bom đạn chiến tranh nhưng vẫn còn đó nét đẹp cổ kính, tôn nghiêm. Góc trái sân vận động là trạm y tế xã, nơi mà tôi chỉ đến đó những lúc phải chích ngừa hay chủng đậu.

Tuổi thơ tôi còn gắn với những ngày chợ Vang họp Tết, họp cả ra đến sân vận động. Những ngày đó, các o, các mệ đi chợ đông lắm, con đường trước nhà tôi nhộn nhịp, đông đúc khác ngày thường. Cổng chào mới được dựng lên bằng những lá dừa đan cài vào nhau tạo thành những ô rô ken chéo, được trang trí đẹp mắt cùng với khẩu hiệu Chúc mừng năm mới. Vui biết bao nhiêu khi anh em tôi được ông, mệ nội gói cho một hai cái bánh tét nhỏ, đeo vào cổ ra chợ thích thú khoe với chúng bạn trong xóm.

Tuổi thơ tôi gắn liền với con sông Gianh trong xanh, rộng lớn, thơ mộng rợp bóng tre, bóng bần - con sông bên lở bên bồi, khi trong khi đục, con sông của tuổi thơ, con sông của nỗi nhớ, con sông của nhiều hoài niệm. Đáng nhớ nhất là những buổi trưa hè vùng vẫy tắm, bơi lội ngụp lặn thỏa thích hay nhảy ùm từ các cây bần thấp xuống nước với những tiếng cười giòn tan.

Gắn với nhiều kỉ niệm tuổi thơ tôi hơn cả chính là ngôi nhà ba gian nhỏ nhắn và mảnh nương đầy các loài cây trái. Vườn chè trước nhà cây vừa to vừa cao cứ phải bắc thang lên mới hái được lá để nấu nước. Dưới gốc chè là những đám cỏ xanh - cây cỏ làm thuốc chữa bệnh. Hai cây dừa như hai người lính canh đứng hiền lành bên chiếc cổng nhà bằng tre. Bao quanh nhà là hàng rào râm bụt và những chánh nè khô chuồm tạm.Góc phải nhà một cây chùm bỏi (bồ kết) gai tua tủa như những chiếc chông cắm thành chùm đầy thân cây. Mỗi mùa chùm bỏi chín, lúc lỉu những chùm quả đen bóng, chi chít đầu cành. Mạ thường bắc thang hái xuống cho lên gác bếp, dùng nấu nước với lá bưởi để gội đầu cho chị em tôi. Một vườn cam chanh, cam voi phía sau và mấy cây mít, cây bòng thanh trà bên hồi. Cái giếng nước phèn đỏ chạch mà khi dùng phải có cái bể lọc để lọc nước và cái bể cạn để đựng nước. Dễ thương nhất là nhũng chiếc gáo dừa cán dài để múc nước mà bây giờ có thề nói là “đồ cổ” rồi.

Mãi mãi gắn với tuổi thơ tôi là ngôi trường cấp 1, 2 Văn Hóa đầy kỉ niệm, nơi tôi bắt đầu những chữ i, t, nơi dã nuôi dưỡng bao ước mơ trẻ thơ, nơi có bao người bạn thân thương cùng học cùng chơi, cùng hái rau, cắt cỏ, nơi có những thầy cô như là mẹ là cha. Trường học chính là ngôi nhà thứ hai của tôi vậy!

Trong kí ức tuổi thơ tôi, làng quê thật gần gũi mà cũng rộng lớn biết bao. Ngày học mẫu giáo đầu tiên, tôi đã khóc nức nở vì đi lạc, anh trai tôi do phải chờ tôi nên cũng không chạy kịp bạn, phải nhờ người bên xóm Rôộc đưa về bởi rằng ngày đó tôi chưa bao giờ đi quá xa lũy tre làng. Tôi rất ít khi được mạ cho đi chơi xa và làm việc nặng vì tôi rất được cưng chiều (con út mà). Tôi nhớ có một lần mạ cho đi làm cùng (vì ở nhà một mình sợ ma). Đứng trước cánh đồng Hung Cày rộng lớn tôi thấy mình thật nhỏ bé. Nhìn tận mắt công việc mạ làm, tôi thấy thương mạ nhiều hơn. Tôi được mạ chỉ cho xem con tàu chạy qua làng, nhìn thật gần. Mạ còn giải thích cho tôi hiểu thêm và từ đó tôi biết rằng đó là con đường thứ hai nối làng tôi với thế giới bên ngoài sau dòng sông Gianh với những chuyến đò ngang. Đi xa nhất là hai lần tôi được mạ cho đi ăn giỗ nhà ông Sáo, mệ Diệm ở xóm Bàu. Ông mệ tôi thật hiền, các cậu, dì cũng yêu chiều tôi hết mực. Có thể đón nhận ở đâu được những tình cảm như thế, những tấm lòng như thế!

Thế đấy! Thế mà mới 9 tuổi tôi đã xa quê! Xa quê thật! Xa quê hương Lệ Sơn, xa nơi bình yên, nơi là cuộc sống, nơi là trường học đầu đời của mình! Tôi phải đi theo tiếng gọi của cuộc sống. Tôi bỡ ngỡ trước thế giới rộng lớn và những khám phá mới lạ. Rồi bắt đầu một cuộc sống có nhiều đổi thay: Xuống biển (Thanh Khê), lên rừng (Ba Rền), về thị xã (Đồng Hới), vào thành phố (Biên Hòa), trải nghiệm, nếm trải nhiều chất đắng cũng như vị ngọt của cuộc đời. Từ một cô bé vô tư tôi trở nên đa sầu đa cảm nhưng đổi lại tôi thấy mình cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn. Cuộc sống cứ thế cuốn tôi trôi dần theo năm tháng. Bởi sống tha hương nên nỗi niềm quê hương xứ sở cứ bùng lên da diết bỏng cháy trong lòng.

 

Mười sáu năm sau, lần đầu tiên trở lại quê nhà (1983-1999), quê hương đã có quá nhiều đổi thay: không còn con đường lầy lội những ngày mưa gió, không còn bóng tre rợp mát, không còn cả những hố bom cạn rụng đầy lá tre và những cây vụ vị, những cây cà độc dược... nhưng khi bước chân lên mảnh đất quê hương mình lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc mãnh liệt, nồng ấm, thân thiết đến lạ lùng. Vẫn còn đó dòng sông quen thuộc, cây đa, xóm chợ, đường làng… còn đó những tình cảm chan chứa yêu thương của mệ, của o, chú, cụ, dì, của bà con đất Lệ. Tôi run run thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, ông nội, ông mệ ngoại, mạ tôi mà khóe mắt cứ rưng rưng, xúc động nghẹn ngào. Chơi thăm bà con được mấy hôm tôi lại vội vã thu xếp hành trang để vào với Biên Hòa, vào với công việc hàng ngày quen thuộc của mình (nghề truyền thống của người Lệ Sơn). Sau này có điều kiện về quê nhiều hơn và mỗi lần về như thế tôi lại như được trở về nhà của mình.

Dẫu rằng cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng trong tôi quê hương mãi là tất cả !

Tác giả bài viết: Lương Hồng An