Kể chuyện về tri thức của các vị tiền nhân Lệ Sơn

Những dòng hồi ức về các vị tiền nhân người Lệ Sơn của tác giả Lương Duy Thái
    Trong thuyết “Âm dương ngũ hành“ xưa có đề cập đến luận điểm: Đất nào thì sinh ra con người ấy. Tôi không đủ kiến thức để luận giải rộng, chỉ xin kể một vài mẫu chuyện nhỏ về ông bố tôi lúc đã nghỉ hưu mà tôi được chứng kiến.

     Mùa mưa năm 1970 trung đoàn pháo phòng không 282 được lệnh kéo vũ khí, khí tài từ nam Lào về an dưỡng và cũng cố đơn vị tại vùng Hương Khê – Hà Tĩnh. Các đại đội chiến đấu vẫn phải sẵn sàng  vì đường tám vẫn là con đường huyết mạch. Riêng Ban Kỹ thuật chúng tôi thì bố trí anh em kỹ thuật viên xuống các đơn vị tổng lau vũ khí. Tôi là kỹ thuật viên pháo cao xạ 100mm, được đào tạo bài bản nên chỉ là anh phụ việc cho các đồng chí thợ pháo 37mm. Mới làm được hai ba khẩu thì tôi được lệnh dẫn anh em pháo thủ kéo 5 khẩu pháo hỏng nặng ra Bắc đổi pháo mới. Nhận chỉ thị của trên tôi vừa mừng lại vừa lo. Đường đi rất xa lại thường xuyên bị máy bay địch đánh phá, mình là lính kỹ thuật không biết anh em họ có chấp hành lệnh không ? Tuy vậy, được về thăm nhà, thăm người yêu đã mấy năm xa cách nên cái bồn chồn, cái háo hức đã lấn át tất cả.

      Đến Hà Nội tôi cho anh em tập kết pháo ở bãi An Dương ( xin nói bãi An Dương thời ấy còn là bãi đất hoang, chỉ có vài căn nhà cấp 4 của một khu tập thể ). Tôi phân công mỗi xe cử 2 đồng chí ở lại trông xe - pháo, số còn lại được phép về thăm nhà 2 ngày ; hết phép phải lên đúng ngày để kéo pháo vào xưởng. Tôi định khi pháo vào xưởng sẽ bố trí anh em còn lại về thăm gia đình vì họ cũng đã chiến đấu ở chiến trường 3, 4 năm rồi. Không biết vì tôi nói có lý, có tình hay vì anh em thông cảm lẫn nhau mà họ chấp hành rất đúng quy định.

       Pháo bàn giao cho xưởng sửa chữa xong tôi cho các đồng chí còn lại về thăm nhà, mỗi xe pháo để lại một người trông xe ; bản thân tôi về nghỉ tại nhà, hàng ngày phải lên liên hệ với xưởng để giải quyết vướng mắc phat sinh. (xưởng A34 cách nhà tôi không xa ). Phân cong rõ ràng đâu vào đấy, anh em không ai có ý kiến gì tôi mới an tâm đạp xe về nhà. Thời kỳ này bố mẹ tôi được mua một căn buồng cấp 4, rộng 10met vuông ỏ khu tập thể Trương Định. Cuộc sống của người Hà Nội thời ấy rất khó khăn ; lương thực, thực phẩm đều được phân phối theo tem phiếu. Mỗi buổi sáng mạ tôi nấu soong cháo hoa khoảng hai lưng bát để hai ông bà ăn sáng với đường – cũng chỉ hai thìa café mỗi người. Tiêu chuẩn cán bộ hưu trí như bố tôi chỉ được thế, xân xiu thêm thì sẽ thiếu trước  hụt sau.

        Đến 8 giờ sáng là bố tôi ngồi lên tấm phản bắt đầu làm việc. Thời kỳ này ông đang dịch thơ Đỗ Phủ, văn học Pháp như bản Crom oen mà ông nói là bản Tuyên ngôn về văn học của đại văn hào Vích to Huy gô. Tất cả những tài liệu này đều do anh tôi – giáo sư Lương Duy Thứ - đem về cho ông vì thư viện trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đang rất cần. Mỗi lần dịch thơ Đỗ Phủ tôi lại thấy ông đeo thêm một chiếc kính lão để tra quyển từ điển Khang Hy chỉ to bằng bàn tay. Ông nói muốn mua chiếc kính lúp để tra cho rõ nhưng tìm khắp mà chẳng đâu có. Nghe ông nói thế tôi chợt nghĩ chiếc kính lồi trong pháo có thể làm thành chiếc kính lúp cho ông. Hôm sau tôi nói với anh em bạn bè ở xưởng muốn tìm một chiếc kính hỏng của pháo, họ nhiệt tình tìm và tháo cho tôi một thấu kính lồi mà tôi đang cần.

Tôi đem thấu kính lồi về cho ông ; ông mừng lắm, ngay chiều hôm ấy mang ra anh thợ kính ở chợ Mơ làm cho ông chiếc kính lúp mà ông bảo xem rất rõ. Ông phấn khởi nói với tôi :

      -   Cậu ao ước chiếc kính lúp từ lâu, nay con tặng Cậu thì Cậu tặng lại con hai câu trong bài thơ cụ Đỗ Phủ nói về chiến tranh mà chắc thời nào cũng đúng, Câu mới dịch xong :

            Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu (Say nằm bãi cát anh đừng riễu )
       
            Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi (Chiến địa xưa nay mấy kẻ về )


       Tôi không ngờ hai câu thơ này lại ám ảnh tôi trong quảng đời làm lính còn lại và để lại cho tôi những kỷ niệm nhớ đời. Số là đầu năm 1976 tôi được đơn vị cho ra quân. Cùng ra quân với tôi đợt này có anh Ngô Quý Khánh, trước là can bộ giảng dạy ở trương Trung Cao Cơ Điện, một con người tài hoa, nhà ở bên Yên Viên. Thấy tôi có vẻ lo lắng vì công việc sắp tới anh cười bảo tôi :


         - Nếu không kiếm được công việc phù hợp thì tôi tính hai anh em mình mở quán cắt tóc kiếm sống cũng được. Anh yên tâm, nhà vợ tôi ở Gia Lâm, khách chắc cũng đông.

         Anh em đồng đội thông cảm thì động viên vậy chứ hồi nhập ngủ tôi không thuộc quân số của Hà Nội thì nay xuất ngủ làm sao nhập khẩu vào Hà Nội được. Mà không co hộ khẩu là không co tem phiếu, lương thực, thực phẩm. Nếu tôi xin chuyển về chỗ nhà máy vợ tôi thì trước mắt là yên ổn nhưng sau này con cái học hành ra sao ở cái nơi đồi núi này ? Thật là trăm mối tơ vò ! Nhưng thôi, trước mắt họ cho về an dưỡng một tháng ở quân khu 4 thì cứ về cái đã, mọi việc sẽ tính sau.

          Chúng tôi được điều về tram đón tiếp ở Nghi Lộc, Nghệ An. Đây là vùng quê nghèo, ruộng đồng xơ xác, người dân cằn cỗi vì thiếu ăn. Tôi và anh Khánh được phân công ở trong nhà của hai vợ chồng người nông dân trạc năm mươi nhưng nom khắc khổ, già dặn như người ngoài sáu mươi. Gần đến ngày về quê hai anh em tôi muốn tổ chúc một bữa liên hoan, chia tay bác chủ nhà thân thiện, mến khách. Thấy chúng tôi cứ băn khoăn, bác chủ nhà gợi ý

            - Tôi tính các chú cứ lam thịt con chó, khoảng năm sáu cân chi đó là đủ cho một mâm sáu bảy người ăn uống thoải mái. Nếu các chú đồng ý thì để tui lo cho. Trước đây các chú ở nhà tui cũng làm như rứa.

           Qủa đúng như lời bác chủ nhà, hôm liên hoan, bác dọn lên một mâm đủ các món mà anh em chúng tôi mới nhìn đã tứa cả nước miếng. Trước lúc rót rượu bác trịnh trọng nói với cả mâm :

             - Tui xin phép các chú cho tui được thắp nén nhang cho thằng con tui đã hy sinh trong nớ, nhà tui mới nhận được báo tử cách mây hôm.

             Ông lọm cọm đứng dậy thắp hương lên bàn thờ giửa nhà. Cả sáu anh em tôi lặng người. Tôi bật ra mấy câu thơ Đỗ Phủ:

                                    Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
                                     Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
                                      ( Say nằm bãi cát anh đừng riễu
                                      Chiến địa xưa nay mấy kẻ về )


            Bác chủ nhà òa khóc. Cả sáu anh em tôi ai cũng rơm rớm nước mắt. Ai thấu hiểu cái khốc liệt, cái hy sinh của những người lính bằng chúng tôi lúc này !

            Tôi không ngờ mấy câu thơ của Đỗ Phủ qua lời dịch của bố tôi lại làm tất cả chúng tôi xúc động đến vậy. Bác chủ nhà lấy giấy bút nhờ tôi chép lại.

            Sau này tôi có kể lại chuyện này cho bố tôi nghe. Ông bảo với tôi, đại ý, thơ cụ Đỗ Phủ từ trước đến nay đã có nhiều người dịch, mỗi người dịch theo tầm văn hóa của mình. Rồi ông kể cho tôi nghe, trước đây ông học chữ Hán từ ông nội sau đó mới vào học ở Quốc học Huế. Học xong về dạy ở trương Tiểu hoc Cảnh Dương, trường Tiểu học Thọ Linh. Sau ba năm làm hiệu trưởng thì mới được đi học roi thi đỗ Huấn đạo. Khóa học Huấn đạo mà ông theo học là khóa sau cùng, luc bế giảng cũng được vua Bảo Đai đãi yến.

             Tôi ngạc nhiên vì ông học đã lâu, đi kháng chiên đã mấy chục năm mà còn am hiểu Hán văn, Pháp văn đến vậy ? Ông cười, bảo :

             - Ngày trước học hành là phải chuyên tâm lắm. Không chỉ học ở lớp, ở trường mà còn phải tìm thêm sách vở liên quan để học. Thời làm Huấn đạo ở Thanh Hóa Cậu phải trau dồi thêm Pháp văn, Hán văn thì mới làm việc được.

          Mọi chuyện cách nay đã máy chục năm; bố tôi đã thành người thiên cổ mấy chục năm rồi. Bọn chúng tôi có người đã theo bước các cụ. Nhiều lúc suy nghĩ mung lung tôi cứ tự hỏi tại sao bố tôi không phải là người có học hàm,học vị cao siêu gì ; sinh trưởng ở vùng quê nghèo khó, đi kháng chiến rồi về nghỉ hưu với “học hàm “ là môt  giáo viên cáp ba mà vẫn có kiến thức để dịch được những vần thơ Đỗ Phủ, nhũng áng văn của những vỹ nhân lững danh đông tây ? “ Chắc ông sinh ở Lệ Sơn “, tôi tự nhủ như vậy !

 Sài Gòn, ngày 1 tháng 10 năm 2016

Tác giả bài viết: Lương Duy Thái