Con bò và bình sữa, nghĩ về Lệ Sơn

Bài viết dành tặng cho các bạn Hải, Hà, Vệ ở Lệ Sơn Văn Hoá Quảng Bình, tặng Ba Lương Duy Lộc, Lê Hoá Tuyên Hoá Quảng Bình của tác giả Lương Duy Toản
(Tặng các bạn Hải, Hà, Vệ ở Lệ Sơn Văn Hoá Quảng Bình, tặng Ba Lương Duy Lộc, Lê Hoá Tuyên Hoá Quảng Bình)
 
Tôi có nghe kể lại là khi tôi mới sinh ra, mẹ tôi không có sữa cho con (vì thiếu dinh dưỡng hay vì căng thẳng trong loạn lạc,chiến tranh ?). Mỗi lần tôi khóc đói, ba tôi phải bồng đi khắp làng Lệ Sơn để xin sữa. Có lẽ sự cố này giải thích cái tính thích “bú bậy” sau này của tôi. Trong những ngày đầu đi làm sữa để kinh doanh tôi lên Tuyên Quang và làm Công ty sữa VN Milk với Raviv (một doanh nhân ngưòi Úc). Trong tiềm thức, chắc cuộc đời đang bắt tôi đang trả lại món nợ bú sữa nhờ ngày xưa.
 

 
Tôi có thể chém gió cả ngày về sữa, món ăn tinh khiết và bổ dưỡng nhất của cuộc đời (dĩ nhiên phải cẩn thận khi nó dán nhãn made-in-ChiNa). Nhưng như bao nhiêu đứa trẻ khác, tôi phải cai sữa mẹ khi mẹ tôi đi cấy lúa và quay ra bú sữa bò. Và tôi còn nhớ ông thầy dạy môn dinh dưỡng tại ARC-AVADC dặn chúng tôi phải cẩn thận về hội chứng “sữa bò”. Theo ông, nhiều người không chấp nhận những giải pháp đơn giản, tìm lý giải cho những chiêu trò luôn gây rắc rối. Đó là việc thay vì ra mua một lít sữa ngoài siêu thị khi đói dạ, họ thích mua cả con bò đem về nuôi để “tiết kiệm”, “để làm từ gốc đến ngọn”, “để tạo công ăn việc làm”, hay “để gia tăng giá trị”. Các ông chủ của tôi cũng rất ưa thích lối kinh doanh này. Còn tôi thì nghĩ đến các bạn trẻ trong những mối quan hệ nam nữ hay với gia đình.Hạnh phúc như một cái máy tuốt lúa,càng đơn giản thì càng dễ sửa chữa khi nó hỏng hóc!

Tuy nhiên, tôi rất hiểu những lý do cho việc quyến luyến với dòng sữa mẹ. Trong việc chọn lựa chuyện làm ăn và nơi sinh sống cho những năm qua, tôi cân nhắc rất nhiều về những ưu điểm và sự thích hợp của chúng trên ý thích và lối sống của tôi. Hà Nội có một phong cách sống văn minh hơn tất cả; nhưng tôi yêu xứ Quảng Bình với tinh thần tự do và sáng tạo. Phiêu lưu trong phóng túng chắc không đâu bằng Sài Gòn hay Cần Thơ nhưng nếu muốn kiếm tiền tỷ đô la thì phải quay lại Trung Quốc để làm hàng giả. Mệt mỏi an phận thì vô Huế hay vào làm đồn điền cà phê  ở Tây Nguyên; muốn sống quanh quá khứ thì chọn phố cổ Hội An vậy. Nhưng “dòng sữa mẹ” ngày nào vẫn nhắc nhở tôi về những đêm mưa mấy chị em mồ côi Mẹ ôm nhau trong đêm đông giá rét chờ trời sáng ở Lệ Sơn, về những cành phượng vĩ che bóng mát gay gắt cho những cuộc tình cháy bỏng, về những ngọn đồi và những bãi cát còn in dấu chân ngây ngô khi tôi tuổi 20.

Nhưng tôi cũng biết là mình khá thất vọng với hiện tại, theo tôi biết có hơn 4 triệu người phải lang thang khắp thế giới như tôi ngày bé lang thang khắp làng Lệ Sơn để tìm nơi “bú nhờ”. Và những người còn lại đang tranh giành khốc liệt chút “sữa thừa” bất kể tình đồng hương, đồng loại, đồng bào. Sự vô cảm với môi trường sống thể hiện một văn hóa “không còn văn hóa”.

Sau 37 năm, bình sữa mẹ của tôi đã không còn nữa.Nhưng nếu còn thì chắc là  Bà cũng không còn sinh lực để tái tạo, Mẹ cũng mặc cảm với hàng xóm thôn Phúc Tự về việc những đứa con chỉ chờ bú sữa  và từ đó gây nên những cãi vả thường xuyên với đám con của mình. Yêu gia đình, tôi sẽ không muốn bỏ đi. Nhưng suốt ngày nhìn và nghe những quắn quại đau thương cùng là một hình phạt mà tôi không muốn nhận.

Tôi cũng có một chút lo lắng với Làng Lệ Sơn yêu dấu của tôi, đầu năm cấy lúa, cuối năm “ăn gạo sài gòn”. Vườn trồng cam nhưng uống nước cam của hãng Cocacola từ nước Mỹ xa xôi nào đó.Tôi nghĩ rằng,với tình hình chung của nền kinh tế đất nước Việt Nam hiện nay, tết Ất Tỵ  không còn cảnh nhà nhà, người người vác từng bao tải ra bưu điện nhận tiền “Lệ Kiều hối”, Một dòng Sữa tưởng chừng như bất tận, “đến hẹn lại lên” nhưng rồi sẽ có ngày bị gián đoạn.Khi đó, bánh chưng, bánh Tày sẽ được gói bằng lá Xuối vườn nhà chứ không phải là lá Dong mua về từ Kim Hoá bằng nguồn tiền Lệ kiều Hối bấy lâu.Trên mâm ngủ quả của mỗi gia đình sẽ là Cam là Bòng được nuôi dưõng bằng phù sa đất Lệ thay vì Bưởi Năm roi, Cam xứ Đoài ở nơi xa lắc nào đó.Nếu ông bà tổ tiên mà có linh thiêng thì không biết  sẽ mỉm cười  hạnh phúc hay vì tức giận với con cháu ?

Tôi cũng hoài niệm mãi về ông Nội tôi, về những lời dạy của Người trước khi mất 02 tháng.Vào mùa lụt năm 1980, thôn Phúc Tự có một con bò già của O cu Hoà chết vì ngã xuống ao. Mấy chị em mồ côi của tôi cứ ngây thơ nghĩ rằng rồi kiều gì mình cũng được HTX chia cho một ít xương của con bò tội nghiệp đó.Nhưng mong muốn đó không bao giờ thành hiện thực khi ông Đội trưởng tuyên bố rằng thì là vì Mẹ tôi là xã viên nhưng đã chết nên chi em tôi không được chia phần !.Thay vì tức giận, ông nội tôi đã đi bắt con gà cuối cùng mà gia đình tôi có để làm thịt cho mấy chị em tôi ăn.Vì “Họ không chia thịt bò chết cho các con nên các con mới được ăn thịt gà”, lời nói của Người đã qua đi 32 năm có lẻ, thế mà vẫn nguyên giá trị. Vậy, không được chia thịt bò, không có bình sữa đẹp để bú cả đời cũng là cũng một điều đâu đến nỗi tệ, đễ thất vọng lắm phải không các bạn ?

Chỉ một chút sữa vài miếng xương bò chết mà cũng nhiêu khê quá phải không?

Tác giả bài viết: Lương Duy Toản