Chiếc khăn mùi xoa ngày ấy

Giới thiệu bài viết hết sức cảm động của anh Lương Việt Thắng, xóm Bàu Sỏi, hiện công tác tại Ban CHQS huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình
Lời dẫn Ban biên tập: Không dấu được xúc động khi một lần nữa được nghe lại toàn bộ câu chuyện về liệt sỹ Trần Đình Thân nguyên là Đại tá, sư Đoàn phó, Tham mưu trưởng sư đoàn 339, Quân khu 9 và chị Lương Thị Hậu qua chắp bút của anh Lương Việt Thắng (tác giả Lương Thị Lợi đã từng kể về câu chuyện này tại đây). Đã 28 năm trôi qua, chị vẫn giữ trên tay chiếc khăn mùi xoa mà anh tặng ngày ấy, kỷ vật thiêng thiêng còn lại minh chứng cho tình yêu thủy chung của người vợ nơi hậu phương với 1 niềm tin sắt son chờ đợi ngày anh về. Nhưng anh đã mãi mãi không trở về với chị trong ngày vui chiến thắng...
 


Ảnh chị Lương Thị Hậu và anh Trần Đình Thân, chụp năm 1971 tại Đà Lạt

 
Trong một ngày giữa tháng bảy, tôi tìm đến nghĩa trang Ba Dốc (Quảng Bình) với ý nghĩ thắp một nén hương thơm, nghiêng mình kính cẩn trước hương hồn các liệt sỹ. Trời nắng như đổ lửa, những hàng Phi Lao oằn mình theo những cơn gió vi vút thổi, xanh thẳm giữa đất trời bao la là những dãy mộ trắng toát linh thiêng. Xen lẫn trong đám đông, tôi bắt gặp một người phụ nữ quỳ sụp bên ngôi mộ với  nén hương còn cháy dở, bàn tay gầy guộc của chị run run lần theo những góc cạnh của ngôi mộ như đang ôm ấp, kiếm tìm một điều gì đó vừa gần, vừa xa thẳm. Vai chị run lên bần bật  theo từng tiếng nấc nghẹn ngào: “ Anh ! 28 năm rồi ….sao không về với em, chiếc khăn mùi xoa anh tặng vẫn còn đây…” rồi chị đổ gục xuống bên ngôi mộ. Tôi hốt hoảng dìu chị vào dưới  bóng râm của cây hoa Đại cổ thụ gần đó, sau một hồi động viên và nhìn bộ quân phục người lính tôi đang khoác trên mình chị như bình tâm trở lại, theo lời chị kể một quá khứ bi tráng dần dần hiện về.
 
 
MỘT TÌNH YÊU SON SẮT - THỦY CHUNG.

Chị là Lương Thị Hậu ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa ( Quảng Bình ), một vùng quê nghèo nhưng hiếu học và trọng nghĩa tình. Việc học chị đành bỏ dỡ giữa chừng, gác lại ước mơ của mình để cha mẹ có điều kiện nuôi các em ăn học. Cô thôn nữ Lương Thị Hậu ngày một lớn và càng  xinh đẹp. Nhiều trai làng tìm đến muốn cùng chị xây đắp hạnh phúc, nhưng trái tim thổn thức yêu thương  của chị chỉ dành riêng cho một người , đó là anh bộ đội  Trần  Đình Thân, năm đó chị vừa tròn 17 tuổi. Sau lễ dạm ngõ  anh tiếp tục vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu. Chín năm đợi tin anh biệt biệt, mỏi mòn không một lá thư, không một tin tức. Cuộc chiến đã đưa anh cùng với những người lính của Trung đoàn 270- Sư đoàn 341- Quân khu Bốn đi hết trận đánh này đến trận đánh khác trên chiến trường phía Nam. Có người nói rằng anh đã hy sinh  hay đã có tình yêu khác không còn nhớ đến chị và khuyên chị  nên đi bước nữa, con gái tuổi xuân có thì. Nhưng chị nén nổi đau vào trong  và hy vọng ngày anh trở về. Một ngày sau chín năm ròng rã, mõi mòn chờ đợi, chị như vỡ òa sung sướng , anh trở về trước mắt chị rắn rỏi, nguyên vẹn. Đám cưới của anh chị được tổ chức trong đợt phép ấy, lúc đó chị tròn 26 tuổi. Đám cưới trong chiến tranh đơn giản,  nhưng ai nấy đều rạng ngời, tràn đầy hạnh phúc. Chưa bén hơi chồng  anh lại ra đi, lên đường vào Nam đánh Mỷ.  Vắng anh nhưng  chị tràn ngập miềm hạnh phúc của người phụ nữ  lần đầu sắp được làm mẹ. Nhưng  niềm hạnh phúc ấy đến với chị quá ngắn ngủi và trở thành chua xót, chỉ hơn ba tháng sau đứa con trong  bụng không giữ được. Lần thứ hai cũng vậy, sau bảy năm kể từ ngày anh chia tay chị lên đường, chị  không  nhận được một lá thư hay một tin tức nào về anh. Nhiều đêm vắng một mình bên chiếc gối trống trải,  nước mắt chị lại rơi, giá như chỉ một thông tin nào đó thôi về  anh  để chị có nghị lực mà hy vọng, đợi chờ. Rồi một ngày trời nắng đẹp  anh lại về trong sự hân hoan hạnh phúc vô bờ của chị. Mười ngày phép ngắn ngủi nhưng tràn đầy hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, mười ngày của hơn bảy năm xa cách, mỏi mòn chờ đợi. Rồi  anh lại lên đường  đi về phía chân trời có tiếng súng, lần này anh lại đi xa hơn, đơn vị hành quân vào chiến đấu trên địa bàn các tỉnh thuộc mặt trận 979. Ít tháng sau ngày anh đi, thiên chức làm mẹ của chị một lần nữa lại bị từ chối. Nỗi đau chồng nỗi đau, ở hoàn cảnh của chị có nhiều người phụ nữ do cô đơn trống trải, không đủ kiên nhẫn chờ đợi đã bước sang ngã rẽ mới. Nhưng chị thì khác, nén nỗi đau vào lòng chị  tiếp tục đợi chờ tin anh với một niềm tin son sắt thủy chung, ngày anh trở về. Niềm tin ấy như tiếp thêm sức mạnh cho chị vơi đi những khó khăn vất vả hằng ngày, ngoài việc thay chồng chăm lo việc đồng áng bên chị là bố mẹ hai bên đã già yếu cần bàn tay chăm sóc. Chị không một lời kêu ca, phàn nàn, chị cần mẫn  chăm sóc cha mẹ đôi bên vẹn toàn không một lời chê trách và trước sự kính nể của xóm làng.
 
 
LẦN THỨ BA ĐỊNH MỆNH.

Sau tám năm xa cách, năm 1984 anh  về phép, cũng như các lần trước, anh như từ cõi chết trở về. Những ngày phép ngắn ngủi hạnh phúc bên chị  anh tranh thủ thời gian chăm sóc lại mảnh vườn  và trồng thêm nhiều cây mới, rào lại bờ dậu lâu ngày thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người đàn ông. Còn chị, với suy nghĩ người phụ nữ sao thiên chức làm mẹ đối với chị nghiệt ngã đến thế, chị đâu biết  chất độc màu da cam  của đế quốc Mỷ ở chiến trường  đã thấm vào máu thịt anh, nên  những đứa trẻ trong bụng chị không một lần được cất tiếng khóc chào đời.  Có một lần bên anh,  chị đã khuyên anh nên rời bỏ chị để tìm một tình yêu mới, nhưng anh kiên quyết từ chối: “Hậu ạ! Em đã không tiếc tuổi xuân của mình để chờ anh, đợi anh, chung thủy với anh như vậy anh nở lòng nào làm cho em đau khổ, anh chỉ có mình em”. Và anh hỏi: “ Nếu anh hy sinh thì Hậu có lấy chồng nữa không”? Chị trả lời rằng: “Nếu anh sống lại thì em lấy anh, anh chết em cũng sẻ chết luôn”. Và cũng trong lần ấy anh run run lấy ra từ đáy   ba lô  bạc màu, chiếc  khăn Mùi Soa tặng chị: “Tặng em chiếc khăn này để ở nhà em lau nước mắt…” như một điều chẳng lành mà linh tính mách bảo…Hết phép anh lại khăn gói lên đường,  thương anh chị tần tảo xay bột Đậu xanh với Nếp làm bột dinh dưỡng để anh ăm thêm trên đường hành quân, làm thêm ruốc bông  đặt vào ba lô cho anh.

Một ngày cuối thu trời mưa tầm tả, trên con đường làng lầy lội hun hút gió thổi, chị gạt nước mắt tiễn anh lên tàu vào đơn vị mà lòng nặng trĩu…thấp thỏm, bất an. Vào tận ga Đồng Hới đang đợi  tàu  để đi tiếp thì ở quê chị  hứng chịu một trận bão lớn, đường tàu bị cuốn trôi, nhà cửa tốc mái, sập đỗ ngỗn ngang. Anh lại đi bộ hơn trăm cây số từ ga Đồng Hới  về tu sửa, dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược cho chị. Nhưng có ai ngờ đó là lần cuối cùng định mệnh chị được bên anh rồi xa anh mãi mãi. Về  đến đơn vị cũ, được lệnh của trên anh hành quân sang nước bạn Căm- Pu- Chia, lúc này anh là Đại tá, Sư Đoàn phó, Tham mưu trưởng sư đoàn 339, Quân khu 9, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Lếch- Tua- Xát, Căm - Pu - Chia. Trong một lần cùng đồng đội  thị sát địa hình trên Đường 56 sát biên giới Thái Lan  để chuẩn bị cho trận đánh mới. Do thời tiết xấu máy bay không thể cất cánh nên đành phải hành quân bằng Ô tô. Đường xấu, xe sụp lầy anh cùng đồng đội hành quân bộ, không may đội hình hành quân hôm đó vướng phải mìn KP2 của địch cài lại. Tiếng nổ chát chúa vang lên, một vài chiến sỹ hy sinh, còn anh bị thương nặng và được chuyển về bệnh viện  Pô- Chen- Tông,  vài ngày sau anh đã trút hơi thở cuối cùng.  
 
VƯỢT LÊN NỖI ĐAU

Ở quê nhà chưa ai biết tin dữ, chỉ duy một gia đình trong làng có con trai chiến đấu cùng đơn vị với anh, trong một lần gửi thư về thăm gia đình đã vô tình tiết lộ tin này. Như linh tính mách bảo chị tìm đến gia đình này mua thuốc chữa bệnh cho bố mẹ chồng. Sau một hồi đắn đo, ông đành nghẹn ngào đưa bức thư cho chị. Cầm lấy bức thư, chị vừa đọc vừa run, rồi trời đất như đỗ sụp hoàn toàn dưới chân, chị từ từ ngã khuỵu xuống đất. Mấy ngày sau chị ốm liệt giường, trong cơn mê sảng chị vùng dậy gọi tên anh thảm thiết, khiến mọi người không cầm nổi nước mắt.  Sau lễ báo tử  đơn vị nơi anh chiến đấu  đưa chị và người thân vào viếng mộ anh tại nghĩa trang Cần Thơ , với chị những ngày trên tàu vào Nam là một  hành trình dài thấm đẫm nước mắt. Ôm chiếc ba lô của anh trong lòng, lần tìm những kỷ vật còn sót lại, mọi thứ hầu như nguyên vẹn. Bột dinh dưỡng, ruốc bông chị làm anh chưa kịp dùng, mọi thứ nhòe dần chị nghẹn ngào trong nước mắt. Lưu lại Tiền Giang viếng mộ anh vài hôm, chị lại  hành trình ngược ra miền Trung tiếp tục những ngày khổ đau tột cùng.

Vậy là anh đã ngã xuống vì tình đoàn kết quốc tế cao cả, vì  hạnh phúc, hòa bình của nhân dân hai dân tộc Căm- Pu- Chia và Việt Nam anh em. Những ngày sau đó chị  bắt đầu suy sụp, nhưng trước mắt chị là bố mẹ già hai bên, trách nhiệm lớn lao của chị khi anh không còn. Với suy nghĩ đó, cùng với sự động viên, chăm sóc thân tình của người thân bà con láng giềng chị gượng dậy cố gắng vượt qua nỗi đau, chị tình nguyện ở lại phụng dưỡng bố mẹ anh. Cả hai gia đình đều nương tựa vào chị, chị như người mẹ  hiền lo toan chu tất, vẹn toàn không để một ai mất lòng. Từ ngày anh hy sinh cho đến nay, cứ vào ngày giỗ anh và ngày 27 tháng 7 hàng năm cho dù ốm liệt giường chị vẫn gượng dậy tìm mọi cách  vượt hơn trăm cây số đến nghĩa trang Ba Dốc để  viếng mộ anh và đồng đội. Bây giờ chị đã tròn 70, tuổi cao sức yếu, không biết những  năm sau chị có còn đủ sức về đây với anh nữa hay không. Nguyện vọng thiết tha của chị là có một ngôi nhà nhỏ ấm cúng để làm nơi thờ tự, hương khói  phòng khi chị không đủ sức đến với anh như ngày hôm nay.

 

Kể đến đây giọng chị run run, xúc động lạ thường, trong lòng bàn tay chị vẫn giữ chặt chiếc khăn mùi xoa anh tặng ngày ấy, có lẽ bên cạnh ký ức về anh đó là thứ quý giá nhất  mà chị có được. Mùi thơm từ những bông hoa đại nở trái mùa phảng phất trong nắng chiều, tiếng còi của chuyến xe cuối cùng ngược miền sơn cước nhắc tôi đã đến giờ phải chia tay. Chị ngoái đầu nhìn về phía ngôi mộ anh nằm, như không muốn chia xa. Chiếc xe khách lướt nhanh, chị đi rồi tôi đứng đây một mình giữa hàng nghìn hương hồn các anh hùng liệt sỹ với bao nghĩ suy. Đất nước Việt Nam mình thật vĩ đại, đằng sau sự hy sinh của các anh là sự hy sinh thầm lặng vô cùng lớn lao của những người vợ, người mẹ và người thân của họ. Là một người lính đang cầm súng bảo vệ tổ quốc, chúng tôi thầm cảm ơn các anh hùng liệt sỹ, các chị, các mẹ đã không tiếc tuổi xuân của mình đã cống hiến hy sinh vì cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay ./.

Tác giả bài viết: Lương Việt Thắng