Giới thiệu chuyên mục Nghề hay - Nuôi thỏ ở làng Lệ Sơn, nên hay không nên ?

Trang tin mở chuyên mục Nghề hay để giới thiệu các ngành nghề có thể áp dụng, phát triển ở làng Lệ Sơn
Lời Ban biên tập: Chuyên mục Nghề hay sẽ là nơi thu thập các ngành nghề hay đã được thực tiễn chứng minh là thành công ở các địa phương khác để giới thiệu cho bà con Lệ Sơn, qua đó cùng nhau trao đổi, bàn luận tính khả thi trong việc áp dụng thực tế tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập, điều kiện sống cho bà con Lệ Sơn. Với mục đích và ý nghĩa tốt đẹp như vậy, Ban biên tập chuyên mục kính mong con em làng Lệ Sơn ở khắp mọi miền hưởng ứng, thường xuyên có những ý kiến đóng góp, bài viết, tư liệu để giúp quê hương Lệ Sơn thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển.

 
Phụ trách chuyên mục:
Lương Duy Toản
toanduyluong.vnfm@gmail.com
Hotline: 


Số phát hành tin: 01

Lời tác giả: Ở làng Lệ sơn ta có nhiều rau, lá Ngô, lá sắn và các sản phẩm phụ khác phù hợp làm nguồn thức ăn gia súc cho Thỏ. Nuôi thỏ đem lại nguồn thu nhập tốt mà vốn đầu tư lại ít. Xin giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Giang trên báo NNVN, mời bà con tham khảo cùng bàn luận tính khả thi nếu đưa vào áp dụng thực tế.


NUÔI THỎ

Chăm sóc thỏ Newzeland
 
“Đây là giống thỏ có nguồn gốc từ Newzeland, còn gọi là thỏ Tân Tây Lan trắng, được nuôi phổ biến ở các nước châu Âu và Mỹ. Năm 1978 Việt Nam nhập giống thỏ này từ Hungari và nhập lại lần 2 (năm 2000) để làm mới máu đàn thỏ nhập lần đầu. Sau khi cải tạo, năng suất đàn thỏ giống cũ tăng từ 35 - 40%” - PGS.TS Đinh Văn Bình, GĐ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi) cho biết.

Giống thỏ Newzeland có đặc điểm lông dày, màu trắng tuyền, mắt hồng, khối lượng trưởng thành từ 5 - 5,5 kg/con. Thỏ Newzeland là giống mắn đẻ, sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, nhiều thịt; phù hợp với phương thức chăn nuôi công nghiệp cũng như hộ gia đình. Tuổi động dục lần đầu từ 4 - 4,5 tháng, tuổi phối giống lần đầu từ 5 - 6 tháng, khi đó khối lượng con giống đạt 3 - 3,2 kg/con. Loài thỏ này có khả năng sinh sản và sinh trưởng cao hơn hẳn so với các giống thỏ VN, một năm đẻ 5 - 6 lứa, mỗi lứa từ 6 - 7 con, khối lượng sơ sinh 50 - 60g, con cai sữa 600 - 700g, nuôi đến 3 tháng tuổi đạt 2,8 - 3kg, tỷ lệ thịt xẻ từ 52 - 55%. Giống thỏ Newzeland đã thích ứng tốt với điều kiện chăn nuôi gia đình, phổ biến nhiều địa phương trong nước.

Theo TS Đinh Văn Bình, tại Ninh Bình một số địa phương đang phát triển mạnh phong trào nuôi thỏ Newzeland để cung cấp sản phẩm cho Cty Nippon Zoki Phamaceutical (Nhật Bản). DN này cũng liên kết với Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây xây dựng cơ sở nhân giống thỏ và vùng chăn nuôi thỏ thương phẩm, mỗi năm cung ứng từ 1 - 1,5 triệu con thỏ để Cty làm thuốc. Tại huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã thành lập CLB nuôi thỏ với 102 hộ tham gia, quy mô nuôi từ 80 - 300 con/hộ. Hộ ông Phạm Xuân Thê ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) nuôi quy mô 200 thỏ cái sinh sản, cung cấp hàng nghìn con thỏ giống/năm...

Chúng tôi đến thăm trại thỏ của ông Bùi Văn Sinh ở thôn Đồi Bơn, xã Tản Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội). Ông Sinh bắt đầu nuôi thỏ cung cấp giống từ năm 2003, trong chuồng luôn có 30 - 40 thỏ cái sinh sản. “Thỏ Newzeland là loài vật rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp, rau, cỏ, lá ngô, ngày cho ăn 3 - 4 lần. Giống thỏ này đẻ dày, mỗi năm từ 3 - 4 lứa, nuôi từ 3 - 4 tháng, trọng lượng đạt 1,5 - 2kg/con là xuất chuồng, với giá bán ổn định từ 55 - 60.000đ/kg” - ông cho biết.

Chuồng nuôi thỏ của gia đình ông Sinh khá đơn giản, làm bằng lưới thép, luồn ống nước trong chuồng cho thỏ uống. Dãy chuồng nuôi đặt trên các cột bê tông, phía dưới là hệ thống xử lý nước thải. Ông Sinh cho biết với 40 con thỏ cái sinh sản, trừ chi phí mỗi năm gia đình thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.

Ông Giang Thành Đến ở thôn Cán Khê, xã Nguyên Khê, Đông Anh (Hà Nội) cho biết, gia đình ông nuôi thỏ từ năm 1990, chủ yếu là giống thỏ nội. Từ 2001 ông được Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây chuyển giao 10 con thỏ giống Newzeland nuôi sinh sản. Sau thời gian nuôi có hiệu quả, năng suất cao và thị trường tiêu thụ ổn định, ông chuyển hẳn sang nuôi giống thỏ này. “Quan trọng nhất là việc phối giống cho thỏ, bình quân 1 con đực phối 4 - 5 con cái. Để tránh đồng huyết, thỏ “anh em ruột” khi nuôi không được giao phối với nhau. Ngay sau khi đẻ từ 1 - 3 ngày cho thỏ mẹ phối giống luôn. Thỏ con 1 tháng tuổi vừa tách ra nuôi chuồng riêng thì thỏ mẹ lại đẻ. Thúc cho thỏ mẹ đẻ nhanh rất hại, 1 năm chỉ “tận dụng” phối giống nhanh từ 1 - 2 lần” - ông Đến nói.

Tuy nhiên theo ông Đến, khi nuôi thỏ phải đặc biệt chú ý bệnh ghẻ và ỉa chảy. “Quan sát thấy dáy tai của thỏ có nhiều vết ghẻ loang, đỏ là phải tiêm ngay thuốc hanmectin, tuỳ theo mức độ bệnh tiêm từ 1 - 2cc, khoảng 3 ngày sau tiêm nhắc lại, nếu chưa khỏi thì tiêm lần nữa. Khi thỏ bị đi ngoài, nếu không dùng uống thuốc thú y thì cho ăn lá chát như chuối, ổi…”. Cũng theo ông Đến, mấy năm nay nhu cầu thịt thỏ tăng cao khiến cơ sở của ông không đủ giống cung cấp cho bà con. Tuy giá giống cao nhưng ông chỉ bán với giá 30.000đ/con (3 - 4 lạng). Ngoài SX giống thỏ, ông Đến còn chế biến thịt thỏ tại nhà theo yêu cầu của khách hàng quen thuộc…

Bạn đọc quan tâm đến giống thỏ này xin liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (phường Xuân Khanh, TP Sơn Tây, Hà Nội; ĐT: 033.838.341).

Tác giả bài viết: Lươn Duy Toản