Lệ Sơn - Làng theo đạo học

Đứng đầu “bát danh hương” của đất Quảng Bình là Lệ Sơn, ngôi làng ven núi, heo hút, đường vào làng đến hôm nay vẫn phải “lụy đò”, không của ngon, vật lạ, thắng cảnh hay nghề riêng bí truyền... Ngôi làng ấy chỉ hơn ở cái đạo học

Một thời đón thầy mở đất

Đất Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) trời như đã gắn cho cái chữ nghèo, sau lưng làng là núi đá, trước mặt là sông Gianh. Sông Gianh không mang lại cho làng cái lợi “nhị cận giang” mà năm nào cũng đôi trận lũ, nhấn chìm hết thảy. Lũ đi qua, ruộng vườn chỉ có mất, không được tấc phù sa nào.

 
Mờ sáng, học sinh Lệ Sơn đã lên đò qua sông Gianh đến trường.

Thần phả của làng ghi, năm 1471, khi đưa dân đến đất này lập làng, cuộc sống chưa ổn định, cụ tổ Lê Văn Hành đã khăn gói đi tìm thầy giỏi về mở lớp dạy trẻ. Người được chọn mời là vị hưu quan Hiệp biện Đại học sĩ Thái Học Đường Trần Cảnh Huống. Sự nghiệp khai trí ở Lệ Sơn đã đi liền với việc khai canh, lập ấp.

Trong lịch sử hơn 500 năm của Lệ Sơn, đường học song hành với đường sống. Gia phả các dòng họ ghi lại những trường hợp học “ly kỳ”. Anh em nhà ông Lê Thế Tập, nghèo không có bộ quần áo lành để mặc mà học giỏi. Trước khoa thi năm 1829, thầy gọi hai anh em vào bảo: “Tiếc là chỉ có một người đỗ đầu nên hai anh em phải có người đỗ nhì”.

Ông gợi ý người em đợi khoa sau thi để đỗ đầu, đợi 5 năm lâu quá, hai anh em cùng ứng thí. Năm ấy, ông Lê Thế Tập đỗ ngôi đầu, người em về nhì. Ông Lương Duy Trí nghèo quá vừa phải đi chăn bò, kiếm củi… vừa học lóm. Ông nhận thêm việc quét dọn đình làng để lấy nến thừa, chân nhang đốt lấy ánh sáng học bài hàng đêm. Cụ Lương Duy Trí sau đỗ cử nhân.

Đường học thịnh nên nghề được chọn nhiều nhất ở Lệ Sơn cũng là nghề giáo. Cả xã chừng 3.500 người thì có đến hơn 800 người làm nghề giáo. Một “thầy” khác cũng được chuộng là nghề y, riêng bác sĩ Lệ Sơn có khoảng 50 người.

Lệ Sơn có hệ thống quỹ khuyến học hiếm có. Ngoài hệ thống quỹ của xã, ở các thôn, các họ đều đã lập quỹ khuyến học riêng, thôn ít thì vài triệu, thôn nhiều thì chục triệu...

Các dòng họ lớn như Lê, Nguyễn, Lương, Phan, Phạm... đều có quỹ khuyến học không nhỏ. Họ Lê là họ đại tôn (dòng họ của ông tổ khai canh Lê Văn Hành) luôn có quỹ vài chục triệu đồng. Họ Lê có câu chuyện cảm động về một người con đã sang Pháp định cư gần nửa thế kỷ, lúc sắp mất, ông để di chúc gửi 40 triệu đồng về đóng góp vào quỹ khuyến học.

Củ khoai, củ sắn đến trường

Nghiệp học ở Lệ Sơn truyền đời thành đạo học, nhưng xưa số người vượt được sông Gianh vào Huế, ra Vinh học để rồi đỗ đạt lớn không nhiều lắm, cái nghèo cũng bó cái đạo. Sau hòa bình 1954, trường cấp 1 mở tại xã, cấp 2, cấp 3 mở ở huyện, trẻ em nô nức đi học. Thời hòa bình ngắn ngủi, chiến tranh ập đến, mảnh đất ấy thành tuyến lửa, đàn ông ra trận, phục vụ hỏa tuyến, đàn bà ở nhà nuôi con đi học. Đây có lẽ là giai đoạn đói khổ nhất cũng rạng rỡ nhất của đạo học ở Lệ Sơn.

Ông Nguyễn Tiến Hạnh - Chủ tịch UBND xã Văn Hóa nhớ thời đi học của ông: “Chỉ có 2 con đò, sáng nào cũng chở gần 200 học sinh vượt sông đi học…”. Xe đạp chưa có, học sinh phải dậy từ 3-4 giờ sáng chờ sang đò rồi đi bộ 5km đến trường. Phụ huynh truyền nhau cái mẹo để thêm khẩu mía bên củ khoai, khúc sắn vào túi cho con. Củ khoai, khúc sắn ăn no bụng, khẩu mía ăn nửa khi đi, nửa khi về cho “sáng mắt, sáng dạ”.

Bến đò ngang Lệ Sơn đã từng có 2 vụ đắm đò chở học sinh làm 5 em chết, nhưng không vì thế mà người ta nản. Đò vẫn đầy sáng đưa, chiều đón các em qua sông, xưa thế mà đến nay vẫn thế. Học cấp 3 đã lớn, con em Lệ Sơn đi ở nhờ trọ học bày nhau: Làm thêm giúp chủ nhà để… đỡ bữa cơm.

Đủ kiểu cày, cấy, gặt, kể cả trông kèm học con chủ nhà. Cứ thế ở đâu cũng thành con em trong nhà, giảm tải cho bố mẹ. Học sinh ở Lệ Sơn còn có cái “tài” đi mót lúa. Nghỉ hè đi bộ, đi xe đạp hơn 50km vào tận Lệ Thủy để mót lúa. Mỗi ngày 2-3 cân, vụ mót mang về cũng được dăm chục cân thóc, đỡ mấy tháng mang gạo đi học.

Chuyện những gia đình nhà tranh, vách đất mà có 4-5 con cử nhân, lọt vào danh sách “nhà đại học” không phải là hiếm. Ông Lê Đức Thuận, bán nhà cho 5 con học đại học và trên đại học. Ông Trần Bá Trọng ở túp nhà tranh nuôi 5 con đại học… Chuyện nhà thật nghèo mà quyết theo đạo học ở Lệ Sơn bây giờ vẫn còn nhiều lắm. Đệ nhất nghèo trong xã giờ phải kể đến bà Trần Thị Thảo. Bà Thảo 4 con, góa chồng từ 19 năm nay. Bà kiếm sống bằng công việc cũng vào loại “mạt” nhất là kiếm rau má, xin hoa chuối… về trộn, chiều mang ra chợ bán rau ghém.

Mỗi ngày cố kiếm 20-30 ngàn đồng. Các con bà ngoài giờ đi học lại ra đồng nhặt rau má phụ mẹ. Lương Thanh Hương, con gái thứ 3 của bà kể: Đi học về phải tranh thủ đi lấy rau má ngay cho mẹ kịp chợ chiều, xong còn tranh thủ học. Cậu em út Lương Việt Hùng, người “đàn ông” duy nhất trong nhà cũng như các chị. Khác chút là “ngại bạn bè”, lén đi đường xa cho vắng người, ngoài túi rau má kiếm thêm bó củi. Hương vừa tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế với tấm bằng loại giỏi, Hùng đang học năm thứ 3 ĐH Nông Lâm Huế, 2 năm nữa Hùng tốt nghiệp là cả 4 người con bà “toàn tập” cử nhân.

Nong vàng có che sàng chữ

Lệ Sơn sắp có cây cầu, to, đẹp, vươn dài như con rồng vượt sông Gianh. Học sinh Lệ Sơn sẽ được “đi ké” để đến trường, nó được làm cho dự án xi măng 5 triệu tấn/năm đang triển khai ở đây. Không xa nữa Lệ Sơn sẽ tấp nập người, xe, bụi và cả …tiền. Rất nhiều tiền đang đổ vào vùng quê này, như ông chủ tịch xã không ra buồn, chẳng ra vui, bảo “Hai năm sáu dự án, riêng tiền đền bù cho dân Lệ Sơn cũng mấy chục tỷ”.

Có hộ dân nhận tiền đền bù đến cả tỷ đồng. Hôm chúng tôi đến ủy ban xã gặp mấy hộ dân đến hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị nhận tiền. Có người bàn làm nhà, mở quán, cả xây nhà trọ cho công nhân tới đây sẽ đến rất đông. Không xa và ngay cả bây giờ, bậc làm cha làm mẹ ở Lệ Sơn khoai, sắn quyết nuôi con ăn học cũng vì cho chúng “mở mày mở mặt với đời”, vì “kiếm sống ở đây cực quá”, đến hôm nay Lệ Sơn vẫn còn 22% hộ nghèo.

Cái sự học như là đạo cũng rất đời: Học cho đỡ khổ. Thoát khổ, ngay ở làng giờ cũng có cơ hội, còn đường học ngày nay chông chênh lắm. Lương Thị Hương, con bà Thảo “nổi tiếng”, tốt nghiệp sư phạm loại giỏi xin việc khó quá phải “hành phương Nam” vào Sài Gòn. Hương vào Sài Gòn vẫn muốn làm giáo viên, xin dạy ở một trường tư. Cô dạy thử không lương15 ngày thì được nhận, dạy chính thức 15 ngày thì ngôi trường ấy… phá sản.

Nhận 1,5 triệu đồng tiền của nửa tháng lương đầu tiên em lại bước ra đời. Gọi điện cho em, em báo tin đã xin được việc phụ bán hàng cho một cửa hàng kính từ chiều đến đêm, buổi sáng đến chiều phụ việc cho một chương trình truyền thông. Hỏi thu nhập em ngập ngừng “cũng… trả được tiền nhà, tiền ăn… bữa tối cửa hàng nuôi rồi”. Hỏi Hương về tương lai cô giáo viên văn buồn bã: “Bây giờ em hiểu, học giỏi không đủ, còn phải có người nâng đỡ nữa”.

Bà Thảo sau chặng đường rất dài nuôi con “ôm” khoản nợ hơn 150 triệu đồng. Khoản nợ ấy, chắc chắn các con bà sẽ phải cố gồng mình từng ngày để gánh cùng bà, bao giờ hết nợ, với nhà bà chắc không thể là gần được.

Tác giả bài viết: Xuân Trường - Phan Phương (Báo Dân Việt đăng ngày 30/12/2012)