Ký ức tuổi thơ

Bây giờ tôi đã tròn 50 tuổi, chỉ còn mấy năm nữa là tôi nghỉ hưu. Cái tuổi làm ông bà nội, ông bà ngoại, tôi vẫn đi dạy ở trường làng quê chồng tôi. Cứ mỗi lần học sinh ra chơi, một mình tôi đứng trên gác hai nhìn các em nô đùa.Tôi lại không khỏi chạnh lòng, nhớ lại tuổi thơ của mình. Một tuổi thơ đầy bất hạnh và buồn tủi , kém phần may mắn nhưng cũng tràn đầy những kỹ niệm đáng yêu.

 

Sinh ra từ làng quê nghèo huyện Tuyên. Nơi mà ngừơi  ta vẫn thường gọi đùa là ''khỉ ho cò gáy''. Mẹ tôi là một người thiếu nữ thôn quê nhỏ nhắn hiền lành chân chất, nhưng lại  không may mắn lắm trên con đường tình duyên, vốn người nhỏ bé, nhanh nhẹn. Hay lam hay làm nhưng tràn đầy bất hạnh. Ba mẹ tôi cưới nhau xong, ba theo tiếng gọi thiêng liêng cuả Tổ Quốc lên đường đánh giặc cứu nước. Mẹ tôi một mình vò võ sinh con, nuôi con trong nghèo đói và bom đạn. Khi tôi tròn 4 tuổi, trong một trận chiến đấu ác liệt ba tôi đã anh dũng  hy sinh (năm 1968) tại mặt trận phía Nam (cho đến bây giờ anh em tôi vẫn chưa tìm được phần mộ của ba).

Lúc đó tôi còn quá nhỏ. Tôi chưa nhớ nổi khuôn mặt của ba  như thế nào, tôi chỉ biết và tưởng tượng ra ba tôi qua lời kể của mẹ. Ai cũng bảo tôi giống ba như đúc. Tôi lớn lên trong tình thương của mẹ và bà con làng xóm. Mẹ tôi một mình nuôi 2 con vừa lo việc gia đình, vừa làm nữ hộ sinh trong thôn bản. Mẹ đi suốt ngày với bộn bề công việc. Nên mẹ đành gửi anh tôi cho ông bà nội nuôi từ  đó anh em tôi mỗi đứa một nơi chỉ có hè tôi mới được mẹ cho lên ông bà chơi, anh em tôi gặp nhau được ít ngày rồi lại chia tay. Tội nghiệp anh tôi vì ở quá xa, kinh tế gia đình quá khó khăn, ông bà già yếu (hồi đó ông bà tôi sống nhờ nuôi ong bán mật) nên anh tôi phải nghỉ học dang dở. Còn tôi tuy vất vả mẹ vẫn cho tôi đi học. Mặc dù hồi ấy cuộc sống hết sức cam go, tưởng chừng không thể vượt qua được.

Thương mẹ tần tảo vất vả, nên tôi đã cố gắng vượt lên những mặc cảm của bản thân, vượt lên những khó khăn để học tập. Để mẹ vui và xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của ba. Suốt những năm học cấp 1 cấp 2 trường làng tôi luôn là học sinh khá, giỏi . Các thầy, cô giáo rất yêu thương tôi,bạn bè   luôn bên tôi động viên,an ủi. Thế rồi tôi thi đậu vào trường cấp 3 Tây Quảng Trạch, tôi vui lắm nhưng cũng từ đó bao khó khăn lại đến với tôi. Nhà ở xa trường hơn mười cây số, không có xe đạp để đi về trong ngày,  mà ở lại thì không có gạo để mang theo. Thế là mấy đứa trong xóm rủ nhau đi về. Cứ khoảng 3 gìơ sáng mẹ tôi lại dậy nấu cho tôi khi mấy củ khoai, khi bát cháo ngô, rồi gọi tôi dậy ăn vội vàng và đi gọi các bạn khác cùng đi.Tôi nhớ mãi điệp khúc '' Hiêú.. ơi.. ơi dậy chưa''?  ''Lý.. ơi dậy mau sắp sáng rồi ''. Cứ thế đầu làng đến cuối làng, từ Liên Sơn đến  Nam Sơn, Xuân Hoá, Xuân Mai chúng tôi gọi nhau ầm ĩ không cho mọi người trong xóm ngủ. Không hiểu sao lúc đó chúng tôi không hề biết mệt, không biết lạnh, cứ đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác chúng tôi cứ đi không một lời phàn nàn. Nhiều đêm trời sáng trăng chúng tôi tưởng sáng rồi.

 

Ảnh minh họa
 
Vội dậy gọi nhau đi học,   sớm quá thế là cả bọn rúc vào nhà  đứa nào đó ngủ, cũng có lúc trải ni lông dọc đường nằm ngủ chờ sáng rồi đi, nào ngờ ngủ say quá sáng mọi người đi chợ họ mới gọi dậy. Thế là chúng tôi lại ba chân, bốn cẳng chạy như ''ma đuổi ''mà vẫn chậm học. Có lần cả đoàn suýt mất mạng vì ngủ trên cầu lúc đó có xe tải tới mà không biết rất may người lái xe đã kịp nhìn thấy dừng xe và  gọi chúng tôi dậy. Ôi thật hú vía. Nhà kho của xóm trúc Tiến Hoá cũng là'' nhà nghỉ'' của chúng tôi hồi đó, trời tối, buồn ngủ quá thế là cả bọn cứ thế lăn ra ngủ khi dậy mới biết là mình đang nằm bên anh ''Gỉo Vẹo -người bị mắc bệnh tâm thần.Cả bọn sợ xanh mặt nhưng rất may là anh ấy vẫn nằm ngủ say không biết gì. Cứ thế  3 giờ sáng dậy đi học đến 11giờ 30 phút  mới nghỉ học, chúng tôi lại rủ nhau đi về nhà.

Đi dọc đường chúng tôi chân bước còn mắt nhìn trên ngọn cây hoa bay hay cây giẻ rách để tìm kiếm cái gì cho vào cái dạ dày rỗng tuếch đang kêu ầm ĩ trong bụng, không bỏ sót một thứ trái cây gì dù xanh hay chín, sạch hay bụi bẩn, miễn   ăn được là chúng tôi cho vào miệng nhai ngon lành. Nhưng lên đến nhà chưa kịp ăn lại nhận được ''tin nhắn'' của mẹ từ bên nhà chị Thu hàng. Thế là ăn vội bát cơm độn khoai, sắn loa qua, tôi lại đi làm cùng mẹ. Nhiều lúc  thấy mẹ vất vả quá, mệt mỏi quá không có người làm phụ giúp  không có công điếm để nhận lúa. Tôi thương mẹ lắm.Cũng muốn ở nhà giúp mẹ. Nhưng nghỉ lại thấy  ở nhà không đi học tôi sẽ khổ cả đời, hơn nữa tôi thấy các anh, các chị đi ngành về sướng quá không pjải lam lũ, làm việc mà vẫn không đủ ăn, thế là tôi lại quyết tâm đi học.

Cả đời này tôi không bao giờ quên những gì các cô thầy và các bạn dành cho mình.Tôi còn nhớ như in trong đầu mình những miếng cơm cháy, những bát cơm nguội, hay những bát cơm chưa kịp chín tới  của cô giáo Lợi,của thầy giáo Cân. Gọi tôi vào ăn sau tiết học thứ 5'' Em vào xem có còn cơm không  ăn miếng mà lên kẻo đói Hồng ạ'' .Thế rồi 3 năm học cũng nhanh chóng qua đi những ngày ôn thi căng thẳng lại đến. Được mẹ cho ở lại trường để học ôn cùng các bạn.Mỗi tuần chỉ có 5 lon gạo, ít mè vừng rang với muối trắng. Tôi và cu cháy (tên một đứa bạn, trời lạnh ngồi bên bếp lửa không hiểu ngủ quên hay sao mà ngả vào bếp bị cháy nên mọi người gọi là cu cháy), xin nhà mẹ anh Khai ở gần trường để ở . Gia đình mẹ cũng cực lắm con đông. Nhưng thỉnh thoảng mệ vẫn cho chúng tôi bát canh rau khoai nấu với muối trắng, thế mà chúng tôi chia nhau ăn sướng ơi là sướng, vừa ăn vừa khen ngon.

Có lần hai đứa hết mè mà chưa lên lấy được thế là cu cháy xin mệ dúm muối trắng để ăn, còn tôi ăn muối trắng với cơm thì không chịu được bị ói liền, thấy vậy mệ múc cho bát canh nhỏ xíu. Hai đứa nhường nhau cu cháy nói ''mi ăn đi mi ăn muối không được còn tau ăn muối được ''Tôi thương cu cháy lắm nhưng vì đói nên cũng bưng ngay bát canh lên ăn,giờ nghĩ lại tôi tự cười một mình và nghĩ ''sao hồi đó mình hư ăn thế không biết''. Có lần chúng tôi đi ăn trộm rau khoai của người dân Cảnh Hoá không may họ bắt được họ doạ sẽ đưa về uỷ ban, hai đứa  khóc lóc thảm thiết  xin mãi họ mới  tha cho về. Còn nhiều lắm những kỷ niệm gìơ nghỉ lại tôi thấy buồn song không hiểu sao tôi lại  cười mà những giọt nước mắt cứ thế tuôn rơi. Rồi ngày thi tốt nghiệp đã đến mới sáng sớm trên các nẻo đường từng dòng người tấp nập. Người chở con đi thi, người chở cháu đi thi họ đứng chật trước cổng trường.

Tôi lặng lẽ đứng vào hàng cùng các bạn vào phòng thi mang theo một nỗi cô đơn buồn tủi. Ba năm tôi học cấp 3 mẹ tôi chưa hề biết trường con gái học ở đâu, thầy cô là ai vì trường ở xa quá, mẹ lại không có xe đạp. Hơn nữa các thầy cô họ biết hoàn cảnh của tôi nên không ai trách cứ gì tôi cả .Buổi thi đầu tiên đã kết thúc các bạn ùa ra sân, bố ,mẹ người thân ùa vào sân hỏi nhau tíu tít''con làm bài được không? bài dễ hay khó con''. Còn tôi đứng lặng giữa sân trường hai chân tôi nặng trĩu tôi muốn ra khỏi chỗ đông đúc này nhưng không hiểu sao tôi lại cứ đứng đó lặng nhìn họ, nghe họ nói, rồi những giọt nước mắt lại trào ra không phải vì tôi không làm được bài mà tôi khóc vì tủi thân vì cô đơn. Tôi như một hạt cát bị bỏ rơi không ai nhìn thấy.Tôi đang mơ có một ai đó chạy đến an ủi, động viên tôi đôi lời để tôi phấn chấn lên ,nghĩ đến thế tôi vội lắc đầu định bước đi. Đúng lúc đó tôi bỗng giật mình  có ai đặt một bàn tay lên vai tôi nhẹ nhàng,ấm áp, hỏi nhỏ'' làm bài được không em''. Tôi vội vàng lau đi những giọt nước mắt đang chảy trên má,quay lại nhìn thì ra đó là anh. Một người bạn cùng học một lớp với tôi.

Tôi gọi bằng anh vì anh ấy hơn tôi mấy tuổi . Tôi ngước lên nhìn anh như nhìn thấy một người thân yêu, ruột thịt của mình và nói ''cũng tàm tạm''anh bảo ''thế là tốt, em về nhà nghỉ đi để chiều còn thi tiếp''. Tự nhiên tôi thấy vui vẻ, phấn chấn hẵn lên. Tôi vui vẻ ra về trong lòng nhẹ nhõm sung sướng như vừa trút được gánh nặng, không hiểu sao lúc đó  tôi lại vừa đi vừa cất cao tiếng hát ''Ta đi trong muôn ánh sao vàng,rừng cờ tung bay.Rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây ..''(Nhạc và lời Hồng Hà (1975)'' . Và có lẻ vì thế  mà các bài thi tiếp theo tôi làm khá tốt và tôi đã đậu tốt nghiệp năm đó(1983).Sau khi tốt nghiệp chúng tôi mỗi đứa một phương trời, khắp mọi miền Nam, Bắc. Có người đi lính, có người đi làm bác sỹ, có người đi  nước ngoài học tập, công tác, làm ăn, có người không đi xa mà ở nhà xây dựng quê hương. Còn tôi trở thành cô giáo tiểu học.Thời gian thấm thoắt trôi đi cuộc sống bề bộn chúng tôi không có thời gian gặp lại nhau.

 

Ảnh một ngày họp lớp của cựu học sinh trường cấp 3 Tây Quảng Trạch
 
Mãi đến năm 2005 chúng tôi mới có điều kiện tụ tập nhau lại họp lớp. Lúc này đây chúng tôi đứa nào đứa nấy đầu đã hai thứ tóc, sắp làm ông nội, bà ngoại cả rồi, gặp nhau mừng mừng tủi tủi ,chuyện trò râm ran không hết. Đứa rất thành đạt, nhưng cũng có đứa không còn (như Hoà, Mạnh), đứa không may bị mắc bệnh hiểm nghèo, không còn nhớ đến ai (như Hạnh,Triển ). Tất cả lần lượt hiện về trong trí nhớ của chúng tôi. Những câu hỏi dài mãi ''mi mấy đứa con, tau 2 đứa'' ''chồng mi làm chi? có vất vả lắm không''.....Những tràng cười vở oà vang dậy. Nhưng rồi những giọt nước mắt lại tuôn rơi khi biết tin một người bạn không còn. Thế đấy già cả rồi mà như trẻ con khóc đất, cười đấy đó là chúng tôi  những cựu học sinh  lớp 12 A .Trường cấp III Tây Quảng Trạch.

    Gìơ đây ở tuổi 50 mái tóc đã bạc đi nhiều nhưng mỗi lần nhìn các em vui chơi lòng tôi lại thấy ấm áp hẳn lên, tôi vẫn thấy mình như đang sống lại với những kỷ niệm thời xa xôi ấy, những con người ấy. mặc dầu  đó là cả quảng đời cực khổ, long đong, không may mắn của tôi. Tôi sẽ cố quên đi những cái gì không đáng nhớ và nhớ mài những kỷ niệm đẹp để làm hành trang suốt cuộc đời còn lại của mình. Để mỗi lần buồn, vui tôi lại lặng lẽ nghĩ về ký ức  xa xôi đó của mình. Tất cả sẽ là động lực mạnh mẽ giúp tôi bước tiếp trên con đường phía trước .Tiếng trống trường đã điểm, các em học sinh ùa vào lớp, tôi cũng  bước nhanh vào lớp cùng các em trên môi vẫn nở nụ cười.

Tác giả bài viết: Nguyễn Lê Hồng - Giáo viên Trường Tiểu học Văn Hoá -Tuyên Hoá - Quảng Bình