Cơm Lệ Sơn

Tìm về hương vị quê qua bài thơ của tác giả Trần Dũng Sỹ

Lời bình của nhà báo Lương duy Cường: Nhà thơ Đỗ Trung Quân cảm tác: “Quê hương là gì hỡi mẹ, sao cô giáo bảo con yêu; Quê hương là gì hở mẹ, sao đi xa lại nhớ nhiều…”. Quê hương !. Hai tiếng ấy thân thương trong mỗi người con xa xứ. Đấy là tiếng đồng vọng của con tim hoang lạc với nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng nỗi nhớ thương da diết ấy sẽ rung lên ở mỗi con tim là những cung bậc khác nhau. Với Đỗ Trung Quân ấy là chùm khế ngọt lúc lĩu bên góc vườn, dịu chua nắng hè những bát canh mẹ nấu. Ở Trần Dũng Sỹ ấy là một nồi ốc chuối, là chén chắt chắt xào, là cá đồng kho tộ với lá nghệ  thơm môi. Nỗi nhớ quê ở Trần Dũng Sỹ là nỗi nhớ của một người con nhớ về quê mẹ nghèo với những hình ảnh thân thương, những vị, những mùi cụ thể. Bài thơ ngắn nhưng đọc lên nghe thấy đủ hương vị quê, thấy như mẹ già đang run run bưng trên tay chén canh rau muống chắt chắt, nghe như thấy bóng tre quê đang ôm ấp giấc ngủ của ta giữa bao bon chen xô bồ của cuộc đời. Chỉ có ai đã từng sống ở một vùng quê nghèo như Lệ Sơn, và phải da diết yêu quê hương như Trần Dũng Sỹ mới cảm được cái hay của bài thơ ngắn ngủi và mộc mạc ngôn từ này.

Bài thơ cùng tác giả đã đăng:

1. Chùm thơ mừng đại hội Hội ĐH Lệ Sơn tại TPHCM và vùng phụ cận
 

CƠM LỆ SƠN

Về nhà ăn được bữa cơm
Món ăn dân giã ngon hơn nhà hàng.
Cà muối bóp tỏi thơm vàng
Mắm tôm chấm đọt khoai lang tuyệt vời.


Chắt chắt-bánh tráng người ơi
Món ăn đặc sản ngàn đời chợ Vang.
Cá đồng kho nghệ, tép rang
Canh chua dút mít ngon ngang yến sào.
Xa về ta thỏa ước ao
Bên nồi ốc chuối, nhớ bao thág ngày.
Giữa nhà chiếu trải mâm bày
Anh em, bè bạn ngồi xoay quây quần.
Tiếng quê da diết tình thân
Hân hoan trò chuyện xích gần nắm tay.
Rượu nồng chưa uống mà say
Cũng ngà ngà giọng, bởi say nghĩa tình.
Đi xa yến tiệc linh đình
Về ăn các món quê mình ngon hơn!

Tác giả bài viết: Trần Dũng Sỹ