Chuyện về ông Cai Vịnh - xóm Thượng Phủ

Bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Lâm về một huyền thoại của làng Lệ Sơn, ông Cai Vịnh
Ở xóm Bàu , mới bé xíu tôi đã nghe câu vè đầy cay đắng :

"Cuốc Bàu ăn ở bụi tre
Đến khi trời rét ngo ngoe ăn trùn"......


Và mặc cảm đó cứ đè nặng suốt đời tôi. Phải thừa nhận cả cái làng Lệ sơn, hồi bé tôi phục nhất người Lê lợi Thượng phủ. Đơn giản là vì mỗi lần ra thăm bà ngoại nhìn thấy xóm Thượng phủ có vẻ sung túc, giàu sang, phú quý. Đa số nhà ngói , không nghèo như xóm Bàu quê tôi, toàn nhà tranh. Đàn ông ở đó hình như ai cũng khỏe mạnh vạm vỡ, bộ ngực nở nang, đôi chân trần với bắp chân săn chắc như củi táu, hè cũng như đông, áo phanh ngực, dáng đi hùng dũng, nói năng khôn ngoan hoạt bát. Làm việc nhanh nhẹn tháo vát. Thời kỳ cả làng còn nhà tranh, cột tre, trét mền đất, nhà của họ đã làm bằng gỗ lấy ở rú Sụ nghệ rất chắc chắn, mái đã lợp bằng ngói rồi. Những tốp đàn ông vác gỗ từ Sụ nghệ về làm nhà in bóng trên bờ sông từ ga tầu đến Bến Cổng mỗi chiều. Sau này, người Lê lợi cũng ngói hóa nhanh nhất. Họ đúc táp lô, xây nhà sân vườn hoành tráng. Họ còn sang khai hoang tận bên Rì Rì, chăn nuôi trâu bò tận trong Sụ nghệ.

 

 


Ảnh sông Gianh ngày hè

Bãi cát Lê lợi và đoạn sông này cũng là không gian sinh tồn của người dân. Họ làm nghề thả lưới, bỏ chuôm,đánh bắt cá trên sông, làm mắm coòng ....khác với cách sinh hoạt của những cư dân vùng gần núi như Bàu sỏi và Hạ trang.

Đi khắp làng, thấy ở vùng Lê lợi toát lên sự giàu có đồng đều, con người ở đó cũng có vẻ đoàn kết hơn, có tính cộng đồng cao, tràn đầy năng lực và làm ăn kinh tế giỏi hơn những làng khác. Ngay bây giờ, đi qua vùng nhà ông Cu Vĩnh ta vẫn cảm thấy phảng phất những tính cách vượt trội về làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Không khí đô thị hoá nông thôn chỉ thua "Thủ đô" Đình Miệu .

Trẻ con Lê lợi học không giỏi nhưng ngỗ nghịch năng động, hay thích làm đàn anh và thủ lĩnh trong các lớp học cả cấp 1 và cấp 2. Với đầu óc ngây thơ, tôi ngầm đoán họ có lẽ là một giống người khôn ngoan hơn, khác hẳn với các xóm khác. Tôi tự hào quê ngoại mình ở Lê lợi Thượng phủ. Tôi thèm khát xóm mình cũng được giàu có như Thượng phủ.

 

Ảnh một khu vực của xóm Thượng Phủ

Hồi bé, tâm hồn tôi còn hết sức trong sáng hồn nhiên như trang giấy còn mới tinh, luôn luôn đa cảm, rất dễ bị xúc động.

Nỗi mặc cảm từ bé đã để lại trong tâm trí tôi vết sẹo không bao giờ phai nhạt. Với trẻ con, những niềm tự hào hay mặc cảm bi luỵ sẽ theo nó đến suốt cuộc đời.

Những mặc cảm gậm nhấm tâm hồn ta, âm thầm hình thành trong tiềm thức và vô thức của ta sự mủi lòng ủy mị, đa sầu đa cảm. Nhưng ngược lại, ta rất hãnh diện thấm thía khi được chứng kiến những điều mắt thấy tai nghe đáng tự hào về quê hương bản quán của mình. Điều này sẽ tạo cho ta sự tự tin, niềm tự hào và bản lĩnh từ khi còn rât bé.

 

Ảnh bà con thuộc xóm Thượng phủ ngày nay

Chuyện ông Cai Vịnh mà tôi được nghe mẹ tôi và nhiều người kể đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí của tôi .

Lớn lên, tôi vẫn còn nhìn thấy ông Cai Vịnh. Mỗi lần ra thăm ngoại, tôi đều thấy ông cởi trần, mặc quần xà lỏn. Thân hình rắn chắc, cơ bắp cuồn cuộn, hai chân như 2 thanh thép đi ra bờ sông tắm mỗi chiều. Ông cỡ bốn mươi, năm mươi tuổi gi đó, Ông có khuôn mặt đẹp, miệng ăn trầu càng thêm có duyên. Tóm lại, để các bạn trẻ bây giờ dễ hình dung có thể nói ngắn gọn: ông có thân hình vạm vỡ của võ sỹ boxing Maicơn Tayson (người Mỹ) và khuôn mặt đẹp của danh thủ bóng đá Béc Khăm (người Anh). Ông là hiện thân về huyền thoại sức mạnh một thời của người Thượng Phủ.

Thỉnh thoảng kỵ trạp, bà con bên ngoại nhà tôi ngồi ôn lại những câu chuyện ngày xưa. Thế nào cũng có những chuyện liên quan đến ông Cai Vịnh.

- Hồi trẻ chú ấy khỏe lắm - Mẹ tôi bắt đầu kể - Mỗi lần đi gặt lúa chú ấy làm việc rât khỏe, năng suất gấp 3, 4 người bình thường. Làm thoăn thoắt không biết mệt. Được đi làm với chú ấy, ai cũng thích. Cuối buổi ai nấy mệt phờ ngồi nghỉ thì chú ấy ôm lúa thành rộp. Mỗi rộp là 6 tay lúa, người khỏe cũng chỉ gánh được 4 rộp là cùng. Riêng chú ấy gánh 8 rộp, hai bó lúa của chú ấy to kinh khủng. Không đòn xóc nào chịu nổi. Chú ấy chặt một khúc tre đực, vót nhọn 2 đầu, xọc mạnh vào 2 bó lúa rồi cho lên vai gánh đi băng băng, nhẹ hều.

Hồi mạ còn trẻ, thấy chú ấy bắt một con trăn to ở Hang Thâu bên Hòn Lèn Bảng (lúc đó Ông Cai Vịnh làm rể bên Tiến hóa). Mẹ tôi nói hồi đó Lèn Bảng rất nhiều thú rừng, nhất là khỉ vàng cộc đuôi, trăn, gấu... Một mình chú ấy vật lộn với con trăn một buổi trong hang. Sau nó mệt quá, bị ông lôi ra, lấy dây buộc vào một cái cọc ở đám ruộng gần đó cho mọi người đến xem, con trăn to như cây chuối hột, dài 5,6 mét, dãy dụa, quần nát cả một vùng cỏ, ai nhìn cũng kinh khiếp. Ông Cai Vịnh, cởi trần đứng bên cạnh, chẳng khác gì cảnh Thạch Sanh giết Mãng xà cứu Công chúa dưới hang sâu.



Anh Châu, chắt ông Cai Vịnh kể tiếp:- Nghe ba tôi kể lại, thì có lần cô con gái riêng của người vợ đầu của ông Cai đi làm ruộng gần Lèn Bảng, bị gấu vồ. Chị ấy bị gấu cào, cấu khắp người chờ chết, nhưng cũng khôn là giấu mặt vào vách đá, nên không bị nó móc mắt. Thấy chị ấy nằm im thì con gấu bỏ đi. Con gấu vừa bỏ đi thì ông Cai Vịnh vào. Sẵn rựa ông chặt một đoạn tre đánh nhau với nó gần một buổi , sau con gấu cũng mệt định bỏ đi, nhưng bị ông Cai cầm cây tre vót nhọn, đâm cho một nhát chết luôn, thế là cứ thế ông vác xác con gấu đi về nhà.

Thầy giáo Trần Xuân Quế gọi ông Vịnh bằng chú, kể tiếp :- Chú ấy khỏe kinh khủng, có lần sau lụt, nhà quan có cái cối đá bị ngập bùn không làm sao bẩy lên được, quan treo thưởng cho vui, ai nhấc được cái cối đá đó lên sẽ được quan thưởng cho mấy quan tiền. Mọi người đều thử sức nhưng không ai làm nổi. Đến lượt, Ông Cai lại đứng cạnh cái cối đá, dạng chân, bặm môi, trợn mắt, hét một tiếng rồi nhấc bỗng cái cối đá gần 2 tạ sang chỗ khác, thế là ông thắng cuộc trước con mắt khiếp hãi của mọi người.

Lại có lần, cũng sau lụt, có nhiều nhà bị lún, sụt cần phải nhấc lên, kê táng lại cho bằng phẳng. Họ buộc khung tre ngang dọc để nhiều người ghé vai cùng khiêng. Riêng ông Cai gánh một vài đầu nhà khỏe re, còn ở vài giữa và vài đầu kia, mỗi vài 6 ông lực lưỡng chung nhau gánh mà còn nặng vãi.

 

Ảnh gia đình thầy Trần Xuân Quế, thôn Thượng Phủ

Ở Thượng phủ, mùa nắng dân hay đem phơi những nôống lúa ngoài bãi cát, ông Cai mỗi lần đi phơi lúa, đội 10 cái nôống trên đầu đi nhẹ nhàng. Người thường chỉ đội 2 nôống là đã vẹo cổ rồi.

Có lần chú ấy gọi tôi đi vớt củi lụt. Tôi đang thanh niên, mà cầm chèo được khoảng 1 tiếng là mệt bở hơi tai. Chú ấy cầm chèo cả buổi, vớt củi, buộc, kéo giữa dòng nước chảy xiết mà không thấy mệt gì cả. Chú ấy còn nạy, bát, chèo ngược dòng nước lũ mới kinh. Chịu chú ấy thật, thầy Quế nói với giọng thán phục.

Hồi ấy anh em ông Cai Vịnh, ông Kiểm Tuệ, ông Bộ Thảo là những thương gia có tiếng giàu có của Thượng phủ. Họ có một đội thuyền, mỗi người có một thuyền riêng, mua hàng hóa khắp vùng, chèo ngược lên Khe Nét, rồi bốc lên goòng ra Vinh, Thanh hóa buôn bán, giàu có lắm. Nghe nói năm 1945, ông Kiểm Tuệ ủng hộ cách mạng cả mấy chục lạng vàng, được xã cho rước kiệu từ Đình làng Lệ sơn về tận nhà. Về sau cải cách, của cải bị mất hết nên họ không còn đi buôn nữa, gia cảnh cũng sa sút dần.

Ngày nay, con cháu vùng Lê lợi Thượng phủ vẫn làm ăn năng động. Có anh Vĩnh con ông Vĩnh, là con cháu hậu duệ Ông Cai, làm ăn cũng khá giả. Còn cái "gen" mạnh khỏe của ông Cai di truyền lại cho con cháu, thì có cháu Hải, cháu Sơn ở Xuân Tổng, cháu Thường, cháu Cường ở Lê lợi... đều có thân hình chắc khỏe, có sức, cũng gánh được hàng tạ, nhưng đều thua xa ông Cai Vịnh.

Ông Cai Vịnh đã mất lâu rồi, nhưng tôi cứ nhớ mãi dáng hình to khỏe nhanh nhẹn, khuôn mặt vui vẻ và nụ cười nhân hậu của ông, tự hào dòng họ mình có một người để lại nhiều huyền thoại về sức khỏe và tiếng thơm cho đời. Đôi khi nhìn lứa thanh niên bây giờ dặt dẹo, ốm yếu, hoặc bản thân mình những lúc đau ốm ... tôi lại thèm muốn sức khỏe và nghĩ đến Ông Cai Vịnh, một huyền thoại về sức mạnh của người Thượng phủ.

Bàu sỏi - Tháng 4 năm 2014

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Lâm