Bài thơ cuối cùng của nhà giáo Lê Ngọc Mân

Thầy Lê Ngọc Mân, những ngày cuối đời bị lâm bệnh nặng, đã viết bài thơ này gửi tặng thầy Trần Xuân Quế (Thượng Phủ) qua đường bưu điện vì cùng làng mà không đi đến được. Thầy vừa qua đời, xin giới thiệu bài thơ của Thầy để mọi người cùng đọc
GỬI BẠN

Chú ở đầu thôn, tôi ở cuối thôn
Nhớ nhau gửi đến cả tâm hồn
Trăm nghìn giai điệu, trăm thanh sắc
Cho vợi cơn sầu lúc sớm hôm

       Nhớ buổi cùng nhau băng lửa đạn
       Quản chi lên thác với xuống gềnh
       Tình đời như cả vườn xuân nở
       Vun vút thời gian đi quá nhanh

Nhớ bạn phương trời nhưng khó gặp
Ngày qua thấm thoắt lại qua ngày
Chốc đà mới đó mà nay đã
Ngoài 80 vời tựa cánh bay

       Tri âm hiếm quá tìm đâu dễ
       Đã mấy người chung một mối tình
       Đọc thơ mới biết lòng trắc ẩn
       Một ít sầu tư để lặng thinh

Bạn ơi quý hóa ngày đi tới
Còn có nhau đây với chút sầu
Xin gửi tấm lòng yêu quý đến
Tình say trên giấy một đôi câu

 
LÊ NGỌC MÂN- 2015

Lời bình của Lương Duy Cường (cựu học sinh của nhà giáo Lê Ngọc Mân)

“Tri âm hiếm quá tìm đâu dễ” là câu thơ đặc biệt gây ấn tượng cho tôi trong bài thơ GỬI BẠN mà thầy giáo Lê Ngọc Mân gửi cho người bạn tri âm Trần Xuân Quế. Vì tri âm nên tôi (tác giả - LDC) dành tâm huyết làm bài thơ cuối đời để gửi cho bạn, mượn “một đôi câu” trên giấy để gửi chút “tình say”, chút “tấm lòng yêu quý”.

Ở tuổi 80, trãi qua bao sóng gió cuộc đời, nhà giáo Lê Ngọc Mân đủ để cảm nhận và linh cảm được phận người đã “vời tựa cánh bay”. Cuộc đời chỉ hạnh phúc nhất khi sống lương thiện và ấm cúng trong tình cảm gia đình, bè bạn. Không có những thứ ấy, cuộc đời vô nghĩa.

Đời người thì lắm bạn nhưng “trên đời không mấy kẻ đồng tâm” hay tếu táo như cách ví von của nhà giáo Lê Ngọc Mân là “mấy người chung một mối tình”, đã từng sẻ chia nhau khi “cùng nhau băng lửa đạn”, “lên thác với xuống gềnh” thì dẫu có đôi khi giận hờn nhau cũng không thể là ly cách cái tình tri âm tri kỷ. Đấy mới là bạn. Mà bạn ơi, “tình đời như cả vườn xuân nở” mà “vun vút thời gian đi quá nhanh”, sao ta không dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời này, sao ta không trãi tấm lòng thành với cuộc đời vốn lắm nhiễu nhương của kiếp phù sinh?

“Chú ở đầu thôn, tôi ở cuối thôn” chỉ là một cách nói ước lệ của tác giả về một không gian cách trở. Cách trở có khi là về địa lý nhưng có khi là vì bạn và tôi chưa hiểu được nhau nên rất gần mà vẫn rất xa là vậy. Khi đã không sống vì nhau, không giành cho nhau những điều tốt đẹp nhất thì dẫu có chung vách cũng khó mà giữ được tình thân khi tối lửa tắt đèn.

Bài thơ ngắn của một nhà giáo yêu thơ mộc mạc như chính cuộc đời tác giả, không trau chuốt ngữ điệu, không hào nhoáng về ngôn từ, khôn ghô hào răn dạy nhưng vẫn đọng lại trong lòng tôi nhiều suy nghĩ. Đấy chính là cái hay của bài thơ.

(Viết nhân ngày Thầy mất)

Tác giả bài viết: Lương Duy Cường