Vài nét chấm phá về tài nguyên, sản vật, cảnh quan làng Lệ Sơn

Bài viết được trích từ cuốn Địa chí Làng Lệ Sơn của tác giả Lê Trọng Đại
1 Tài nguyên thiên nhiên
1.1 Tài nguyên rừng
Rừng Lệ Sơn trước đây có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với rất nhiều loài động, thực vật (ngày nay số lượng giống loài còn lại không nhiều). Rừng, núi của Lệ Sơn có đủ các loại động, thực vật quí hiếm.

 

 
Thú rừng Lệ Sơn có hổ, báo, lợn rừng, khỉ, vượn, sơn dương, gấu, trâu rừng, bò tót, cầy hương, sóc, nhím...
Chim trời có nhiều loài quí hiếm như công, trĩ, khướu, diều hâu, cò, gà lôi, vịt trời, sáo ngà, sáo sậu, bìm bịp, cu gáy, cu ngói, cu xanh, cu dôộc, cu kỳ, gõ kiến, chào mào, bồ chao, chìa vôi, quốc, cà cưỡng, chim khách, vàng anh, chim chích, quạ, diều hâu...
Lệ Sơn còn có nhiều loài bò sát như: rùa, trăn, tắc kè, kỳ đà, kỳ nhông, các loài rắn... Ngoài ra ở Lệ Sơn còn có một số loài lưỡng cư như cóc, nhái, ếch, chàng hương...

Rừng Lệ Sơn trước đây thuộc loại rừng rậm nhiệt đới có thảm thực vật rất phong phú với nhiều loài từ gỗ quí như mun, đinh, lim, sến, táu, vàng tâm, dẻ đỏ, trầm hương...đến các loại thân leo, thân thảo như song mây, lá nón, chuối rừng, phong lan... Rừng Lệ Sơn xưa nổi tiếng với nhiều loài hoa thơm, quả ngọt, nhiều sản vật quí như dâu rừng, dâu da, thị, sim, hạt dẻ, sung mòi, mít nài, mạt cưa, dầu huyết... Sách Ô châu cận lục ở mục Tổng luận về sản vật đầu nguồn Dương Văn An viết: “Mít nài châu Bố Chính, chỉ ăn hạt, hạt càng nhỏ càng ngon. Mật ong xuất xứ từ các nguồn ở Khang Lộc và châu Bố Chính đều lấy từ bọng ong, bọng càng to thì càng ngon”.
Do khai thác bừa bãi trong một thời gian khá dài nên nguồn gen động, thực vật của rừng Lệ Sơn cũng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay nhiều loài động vật quí hiếm của rừng Lệ Sơn đã bị tuyệt chủng như hổ, báo, bò tót, trâu rừng... Theo số liệu điều tra của chính quyền địa phương (tính đến ngày 01/01/ 2013) rừng Lệ Sơn hiện nay có tổng diện tích là 1.027,5 ha. 

1.2 Tài nguyên nước
Lệ Sơn có nguồn tài nguyên nước tương đối phong phú gồm: nước sông Gianh, nước ngầm, nước mưa, nước khe suối, ao hồ và đầm phá. Mặt nước sông Gianh, ao hồ đầm phá và ruộng sâu là những môi trường thuận lợi có thể nuôi trồng thủy sản; đặc biệt là nuôi cá lồng, cá hồ và kết hợp trồng lúa với nuôi cá trên các ruộng sâu. Nguồn nước mưa và nước các khe suối tự chảy có thể đảm bảo cho địa phương xây dựng các hồ chứa dự trữ để bơm nước chống hạn cho lúa vụ Đông Xuân. Nguồn nước ngầm khá dồi dào đủ cung cấp cho sinh hoạt của con người, vật nuôi, cây trồng và phục sản xuất công nghiệp ở Hạ Trang.

 

1.2.1 Sông Gianh
Sông Gianh còn có tên Đại Linh giang; sông “bắt nguồn từ núi Phucopi ở tọa độ 1704920 vĩ  độ Bắc và 105041’30” kinh độ Đông, ở độ cao 1.350m, là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Bình, sông có chiều dài 158km, chảy qua làng Lệ Sơn dài khoảng 7km. Chiều rộng bình quân lưu vực 38,8km, chiều dài lưu vực 121km, lưu vực sông rộng 4.680km2, bao gồm hầu hết diện tích các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và một phần của huyện Bố Trạch... Lòng sông không đều, thượng nguồn hẹp, càng về xuôi càng rộng. Phần thượng nguồn do dòng sông có nhiều đoạn uốn khúc nên bờ lồi, bờ lở, phần hạ lưu có những cồn nổi ở giữa lòng sông (cồn Vượn, cồn Sẻ)”[1].


 

 

Sông Gianh là hợp lưu của 4 nguồn sau: nguồn Nậy, nguồn Trổ, nguồn Nan và nguồn Son. “Nguồn Nậy là nguồn chính của sông Gianh phát nguyên từ sườn đông của dãy Giăng Màn gần núi Phucopi. Không kể các suối nhỏ từ Bãi Dinh về đến xã Thanh Hóa sông chảy theo hướng nam - bắc; từ Thanh Hóa ra biển, sông chảy theo hướng một hướng duy nhất là tây bắc - đông nam. Nguồn Son đến từ các núi Mang Khê, Ba Trinh (khu vực núi Phong Nha - Kẻ Bàng) chảy ngầm trong núi đá vôi một đoạn rồi thoát ra ngoài ở Sơn Trạch chảy về hướng đông bắc đến Minh Lệ thì nhập với nguồn Nan và hợp lưu với nguồn Nậy ở Cửa Hai (La Hà) rồi đổ ra biển qua cửa Gianh. Nguồn Nan phát nguyên từ vùng núi Minh Hóa chảy về phía đông nam gần song song và cách nguồn Nậy một dãy núi, qua Cao Mại, Thọ Linh rồi đổ về nguồn Nậy ở Minh Lệ. Nguồn Trỗ phát nguyên từ núi rừng Hà Tĩnh chảy theo hướng Bắc Nam, luồn qua các xã Ngư Hóa, Phong Hóa, Mai Hóa rồi đổ vào nguồn Nậy ở khu vực ranh giới hai xã Mai Hóa và Phong Hóa.

Sông Gianh đoạn chảy qua Lệ Sơn thường được dân làng gọi là Rào Nậy. Bờ sông từ xóm Thượng Phủ xuống do phù sa bồi đắp thường xuyên đã hình thành nên một doi cát chạy dài xuống tận xóm Trung Làng. Doi cát chia sông ra thành hai phần, phần nằm giữa khu dân cư từ Thượng Phủ đến Trung Làng và doi cát được gọi là Rào Con. Cùng với thời gian lũ lụt bồi lấp dần mà Rào Con bây giờ chỉ còn một đoạn ngắn từ thôn Phúc Tự xuống thôn Trung Làng. Thấy được tác hại xói lở của lũ lụt các thế hệ tiền nhân Lệ Sơn đã từng xây dọc theo bờ Rào Con  và rào Nậy một số đoạn kè để bảo vệ. Tuy nhiên do không đủ kinh phí để xây hoàn chỉnh nên cùng với thời gian các đoạn kè này đã bị hư hỏng nhiều chỗ đã bị xói lỡ sâu vào phía trong kè. Hiện nay được sự đầu tư của nhà nước, dự án bờ kè của Lệ Sơn đã được triển khai với qui mô khá hoàn chỉnh, khoa học và vẫn đang trong giai đoạn thi công. Do đó khi dự án hoàn thành chắc rằng tình trạng xói lở đáng báo động ở Lệ Sơn hàng chục năm qua sẽ đi đến hồi kết.    
     
1.1.2 Khe suối và nước ngầm
+ Khe suối
Lệ Sơn có các mạch nước tự nhiên chảy từ núi ra tạo nên các khe như: khe Môn, khe Ngang, khe Trầm Lốt và Rào Nước Mội.   
Riêng khe Trống là không có mạch nước tự chảy thường xuyên. Nước khe Trống chỉ chảy vào mùa mưa lũ khi nước chảy thường tạo nên âm thanh “thùng, thùng” như tiếng trống nên mới được đặt tên là khe Trống.
Rào Nước Mội, là một con suối có nguồn nước chảy ra từ núi Thần Vì; nước suối trong sạch, mát lạnh, nhiệt độ nước về mùa hè vào khoảng 18-20 độ C. Là một con suối nhỏ, song Rào Nước Mội có nguồn nước ngọt tự chảy quanh năm không bao giờ cạn. Nước chảy từ trong vách đá ra một cái hang nhỏ chỉ rộng vừa đủ một người tắm. Khi nước qua khỏi hang đá thì chảy ra một cánh đồng có tên gọi là Nác Sôống (Sinh Thủy) tạo thành một cái đầm khá rộng. Đầm này từng là nơi sinh sống của các loài thủy sản nước ngọt.

     1.3 Tài nguyên Khoáng sản     
Lệ Sơn giàu tài nguyên rừng và đặc sản vườn nhưng lại nghèo khoáng sản thiên nhiên. Theo số liệu điều tra được sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình công bố năm 2012 thì Lệ Sơn chỉ có 3 loại khoáng sản chính gồm: đá vôi, sét gạch ngói và cát cuội sỏi sông Gianh.
Đá vôi của Lệ Sơn có tổng diện tích 464,25 ha; vì đá có chất lượng khác nhau nên mặc dù được xếp vào nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng nhưng đá vôi Lệ Sơn được phân thành 2 loại: Đá vôi xi măng Hạ Trang, đá vôi vật liệu xây dựng thông thường ở lèn Bạch Mã và lèn Vụng.
Về khoáng sản vật liệu xây dựng Lệ Sơn còn có cát, cuội, sỏi sông Gianh. Mỏ cát cuội sỏi này được lũ lụt bồi đắp thêm hàng năm. Nhóm khoáng sản nữa là sét gạch ngói Hạ Trang nhưng trữ lượng không lớn, chất lượng trung bình.

2. Sản vật, cây trồng
Lệ Sơn vốn nổi tiếng với nhiều loại sản vật, cây trồng khác nhau. Lệ Sơn xưa có nhiều sản vật ở khe suối, đầm phá và ruộng sâu; ở những nơi đó trước đây có nhiều loại thủy sản nước ngọt như ốc bươu, ốc ná, ốc vặn, lươn, ếch, cua đá, cua đồng, tôm cọng, tép; đáng kể hơn nữa là các loài cá như cá chưng, cá chép, cá mương, cá loi, cá chuối, cá rô, cá mái, cá cờ, cá lúi, cá trê, cà nhét, cá thát lát...với số lượng lớn, giàu chất đạm, chất béo là những món ăn ngon và bổ. Sản vật ở sông Gianh đoạn chảy qua Lệ Sơn trước đây cũng rất phong phú. Về cá có các loại như cá vược, cá rĩ, cá hanh, cá chình, cá đối, cá ngạnh, cá buôi, cá bống...ngon nổi tiếng; tôm, cua ở đây thịt trắng thơm mà nhiều chất béo và chất đạm. Đặc biệt có 3 loài thủy sản của sông Gianh mà xưa nay người Lệ Sơn thường dùng để chế biến nhiều món ăn đặc sản nhưng lại rất bình dân, vì hầu như mọi gia đình ở Lệ Sơn đều có trong bữa ăn hàng ngày đó là chắt chắt, hến và ốc gạo.    

Bên cạnh nghề trồng lúa nước, thì người Lệ Sơn cũng là những nhà làm vườn giàu kinh nghiệm. Vườn cây ăn quả của người Lệ Sơn không chỉ là mang lại nguồn thu nhập quan trọng mà vườn còn tô điểm thêm cảnh quan và làm trong lành môi trường sống của xóm làng. Vườn gắn bó mật thiết với con người ở đây đến lạ lùng. Vườn ở Lệ Sơn có nhiều loại cây được di thực từ nhiều nơi đến từ xưa. 

Hoa quả Lệ Sơn xưa nổi tiếng với vải, thị, mít, cam, quít, hồng, nhãn, chuối, cau, mơ, lựu...Ngay từ giữa thế kỷ XVI, cây trái sản vật Lệ Sơn đã được Dương Văn An ca ngợi “quả vải đỏ, dáng như ngậm ngọc, đã là giống quí ở ngự viên” hay “vải Lệ Sơn nhả ngọc, phun châu”. “Buồng cau trông như ngọc kết... quả thị tỏa mùi thơm vô tận...Quýt từng hàng kết quả, tôi tớ cả đàn. Trái cam vàng đựng trên mâm quả, dâu thắm chất giỏ đầy. Này vừng, này đậu, này thứ mạch hương, giống sắn, giống khoai khác nào tử quyết. Ngoài ra thổ sản thường dùng kể sao cho xiết”. Trong tập san Quảng Bình quê tôi do Hội đồng châu tại Sài Gòn xuất bản năm 1974, nhà nghiên cứu Mai Đình Lê Tộ viết:

“Vải Lệ Sơn nổi tiếng từ ngàn xưa. Nổi tiếng về hương và sắc. Tựa vải dày mà hột nhỏ. Lá xanh thẫm ngả màu đen. Đích thị là giống rất quí mà ngày nay ở Huế có nhiều nơi trồng được. Chúng ta không lạ gì nếu ngày xưa Quảng Bình phải tiến vải Lệ Sơn vào triều. Giống vải này còn có một cái tên khác: vải Trạng Nguyên, gọi tắt là vải Trạng. Hình như gốc ở vùng Hoa Nam, nhất là ở Huệ Châu. Không biết giống đó được đưa đến Lệ Sơn vào thời nào nhưng chắc đã lâu lắm. Có lẽ ngày xưa có một khoa bảng người Lệ Sơn được đi sang xứ Tàu, nhân đi qua Hoa Nam mà dấu được ít hột vải đem về trồng chăng?”. Ngày nay giống vải đó đã bị thoái hóa nên không còn được trồng phổ biến ở Lệ Sơn nữa. Thảng hoặc vài ba nhà còn trồng nhưng chất lượng quả vải Lệ Sơn hiện giờ đã giảm sút nhiều nên không còn xứng là vải tiến vua như trước đây nữa.

 3. Cảnh quan
   3.1. Núi
Lệ Sơn có hệ thống núi non đồ sộ, nhất là núi đá vôi (người Lệ Sơn vẫn quen gọi là lèn). Dãy núi quan trọng nhất đi vào sử sách, thơ ca, huyền thoại và cổ tích là núi Lệ Sơn hay lèn Đứt Chân. Núi này là một bộ phận của núi đá vôi kéo dài từ Đức Hóa xuống, bao gồm 5 khối có chiều dài khoảng 16 km. Khối núi ở Lệ Sơn trùng điệp có vô số đỉnh cao thấp, lớn nhỏ không sao đếm xuể nên người Lệ Sơn cho rằng núi có tới 99 đỉnh (chóp) nhiều đỉnh đã được các bậc văn nho đặt cho những cái tên rất thanh nhã như Thanh Tuyền, Vũ Tọa, Thần Vì, Họa Các... Với chiều dài trên 5 km, núi Lệ Sơn chạy suốt từ Tây Bắc tới Đông Nam án ngữ phía Nam khu vực cư trú của làng tạo nên bức bình phong hùng vĩ che chắn cho làng. Sách Đại Nam nhất thống chí miêu tả “núi Lệ Sơn: ở cách huyện Minh Chính, 10 dặm về phía Tây Nam, núi đá trùng điệp, vách đá cheo leo, chân núi có khe thông với sông cái; núi có nhiều trâu rừng”.

Núi Lệ Sơn gắn với nhiều truyền thuyết, huyền thoại, cổ tích và thi ca tạo nên sắc màu lung linh, huyền ảo mà hấp dẫn lạ thường. Các văn nho xưa bằng các truyền thuyết như: lèn Đứt Chân, động Chân Linh; sự tích hoa vạn thọ; huyền thoại về Chân Linh tiên nữ đã khoác thêm cho núi cái v đẹp của Đào Nguyên tiên cảnh; các thi sỹ lại điểm xuyến thêm vô số thi phẩm, thổi vào cảnh vật nơi đây cái hồn làm cho núi non càng sinh động, trữ tình, đầy lãng mạn và quyến rũ.    

    Do những biến đổi địa chất và quá trình phong hóa mà trong lòng núi Lệ Sơn đã hình thành nên nhiều hang động kỳ vĩ là những danh thắng và di tích lịch sử - văn hóa như động Chân Linh, hang Mụ Chằn, hang Oong...  

3.1.1 Động Chân Linh
Động Chân Linh là một danh thắng nổi tiếng ở phía Tây làng Lệ Sơn.  Động nằm trong lòng núi đá vôi có tên là lèn Đứt Chân. Lèn Đứt Chân ngày nay chứa hầm đường sắt có tên là hầm Lệ Sơn; nơi đây được đánh dấu bằng sự phân giới giữa thôn Kinh Châu (thuộc xã Châu Hóa) với làng Lệ Sơn (Văn Hóa). Núi đá vôi chứa động này nhô ra khỏi mặt nước sông Gianh. Động có vẻ đẹp kỳ vĩ gắn với nhiều sự tích và huyền thoại; là một điểm nhấn có sức thu hút đặc biệt đối với tao nhân mặc khách đến với Lệ Sơn thuở xưa.

 

 
Việc cửa động bị lấp là một tổn thất đáng tiếc đối với làng Lệ Sơn nói riêng và Quảng Bình nói chung. Bởi vì theo như các sách cổ miêu tả thì cảnh vật ở động Chân Linh đẹp không kém động Phong Nha ở Bố Trạch.

3.1.2. Hang
            Chạy dọc phía nam khu dân cư Lệ Sơn là dãy núi đá vôi sừng sững được hình thành từ rất lâu đời, do chịu tác động của nước mưa có lẫn nhiều axít mà lòng núi bị bào mòn tạo thành các hang động. Núi của Lệ Sơn có vô số hang động và cho đến ngày nay nhiều hang động vẫn chưa được thám hiểm. Trên dãy Thần Vì có nhiều hang nổi tiếng, từ Tây Bắc xuống Đông Nam lần lượt có các hang: hang Mụ Trằn, hang Ông Đờng, hang Ông Đội, hang Ông Bộ Thảo; hang Ông Thắng, hang Mệ Tứ, hang Buồng, hang Dơi, hang Oong; đó là 9 hang động khá rộng.

  + Hang Mụ Trằn là một hang nhỏ cũng ở trên dãy núi đá vôi đoạn đầu làng Lệ Sơn. Hang này gắn với sự tích Hoa vạn thọ là một tác phẩm văn học dân gian đặc sắc của Lệ Sơn lý giải sự hình thành sông, núi nơi đây.

 + Hang Oong là một di tích lịch sử cách mạng ở Lệ Sơn. Hang có diện tích khá lớn với ba buồng đủ chứa một khoa Ngoại của Bệnh viện quân y Đoàn 559. Hang nằm trên dãy núi đá vôi Lệ Sơn thuôc khu vực phía Bắc khu tái định cư của xóm Hạ Trang; cửa hang quay về phía Nam. Trong những năm 1972 - 1973, hang Oong được Bệnh viện quân y 559, chọn làm nơi đặt khoa Ngoại với 60 giường bệnh để chữa trị cho bộ đội, thanh niên xung phong và cả nhân dân địa phương. Hang có ánh sáng từ ngoài chiếu vào, xung quanh cây cối um tùm, dưới chân hang có khe nước trong lành là môi trường tốt cho việc chữa trị và hồi phục sức khỏe của thương bệnh binh. Nhờ môi trường đó một phần mà nhiều cán bộ chiến sỹ quân đội bị thương hoặc bị bệnh được điều trị ở hang Oong thì sức khỏe nhanh chóng hồi phục.

Link xem bài Hang Oong: http://langleson.net/index.php/vi/news/Tuyen-dung/Hang-Oong-mot-thang-canh-thien-nhien-doc-dao-cua-Lang-Le-Son-1243/
 

[1] Nguyễn Xuân Tuyến, Nguyễn Đức Lý, Sđd, tr 62
 

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại