Tết quê trong tôi - Ngày ấy và bây giờ

Ở đó, có Mạ. có Ba có có tình quê ấm áp, có tình cảm chân thành, ở đó, mùa xuân về thật ý nghĩa. Năm nay, tôi lại háo hức, lại mong chờ, lại đếm ngược thời gian như ngày còn thơ bé mong sao thời gian trôi thật nhanh bởi tết này tôi được về quê ăn tết.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi với biết bao vất vả, toan tính, giật mình nhẩm tính thấm thoắt vậy mà con đã ra quê Lệ yêu dấu 20 năm, thời gian đó đồng nghĩa với 20 cái tết đã trôi qua nhưng con chỉ được một lần về quê ăn tết. vẫn biết “Quê hương là chùm khế ngọt” nhưng thường ngày có lẽ mãi lo công việc, cuộc sống nên ít ai có thời gian để nghĩ về những cái tết ở quê hương nhưng càng gần đến tết và đặc biệt trong dịp tết là những đứa con xa quê nhớ về quê hương, xóm làng, nhớ gia đình, bạn bè da diết. Ký ức ngày xưa lại ùa về rõ mồn một.

Quê mình ngày xưa nghèo lắm, rau cháo bữa đói bữa no, chỉ mong đến dịp tết để được ăn một bữa thật no, thật ngon, nhưng có lẽ mong nhất là được khoác lên mình bộ cánh mới để đi chơi cùng bè bạn. Tết quê ngày đó không như bây giờ ở thành thị, chỉ cần đi siêu thị (hay chỉ một bữa chợ) là coi như đã sắm được hòm hòm đủ các loại. Nhưng cũng vì thế mà tết cũng dần mất đi ý nghĩa của nó. Nhớ ngày xưa, gần tết cả gia đình chuẩn bị trong một tâm trạng hoan hỉ. Ba vào rú tìm những cây củi to và chắc về để nấu bánh chưng, Mạ chuẩn bị nếp, thịt, mua áo quần mới cho chị em chúng tôi; các chị chuẩn bị trang trí, giặt giũ đồ đạc trong nhà chuẩn bị đón năm mới. Còn tôi, là một “chuyên gia” chăn bò có thâm niên 10 năm tuổi nghề thì năm nào cũng vậy, nhà chỉ có một con bò thôi nhưng đến khoảng 20 (âm lịch)  là tôi đã chuẩn bị thức ăn cho bò, cỏ, rau khoai chất cả đống cứ như bò cũng biết ăn tết vậy. Càng gần đến tết, không khí trong làng nhộn nhịp hẳn lên. Các mệ ngồi đâu cũng bàn chuyện giá cả, các ông thì trao đổi chuyện mấy sào ruộng làm sao để cấy xong trước tết. Nhà tôi gần đường cái nên thỉnh thoảng nghe tiếng chào hỏi nhau “con về rồi à, bữa ni làm việc ở mô vv…,” , làm tôi càng sốt suột đếm ngược mong ngày các chị của mình về, mong ngày tết đến.

 

Mong tết là thế nhưng không năm nào tôi thức được đến giao thừa để đón tết chờ mãi rồi ngủ ngoặt ngoẹo lúc nào không hay, chỉ khi tiếng pháo giao thừa rộn rã các chị mới vào đánh thức các em dậy. Nhà nghèo nên năm nào Mạ cũng chỉ mua vài phong pháo Bình Đà cho gọi là có. Nhưng chắc là do anh trai suốt ngày ngồi hong pháo nên năm nào pháo nổ cũng to làm Bác hàng xóm phải “ganh tị”. Đã thành thói quen, sáng mồng một trẻ em cả làng kéo về chợ, trên nét mặt ai cũng rạng rỡ, hân hoan, cuốn hút theo những trò chơi như đánh vòng, đánh xu…quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Ba ngày tết  nhưng thi thoảng mới tạt về nhà ăn vội vàng rồi lại đi ngay. Trong nhà, lúc nào cũng có các bác, các chú đến chơi. Li rượu, miếng trầu, đĩa mứt gừng cay xé lưỡi mà chị gái tự làm mang về nhưng rộn rã tiếng mời chào, tiếng chúc phúc năm mới.

Tết sao mà trôi nhanh thế, vèo một cái đã đến mồng ba, lúc đó trong lòng buồn chi lạ, giống như vừa mới mất một thứ gì đó thật lớn lao… tết quê là vậy, giản dị thế thôi nhưng sao mà thật ý nghĩa.

 

Cũng là tết, nhưng ở thành thị hình như tất cả đều đã bị thương mại hóa. Người lớn không còn tất bật chuẩn bị như ngày nào, trẻ em cũng không mong ngóng bởi ngày thường chúng đã được ăn ngon, mặc đẹp, có chăng chúng mong tết để được nhận những phong bao lì xì. Bởi vậy, mỗi người con xa quê đều mong ước được đón tết ở quê. Ở đó, có Mạ. có Ba có có tình quê ấm áp, có tình cảm chân thành, ở đó, mùa xuân về thật ý nghĩa. Năm nay,  tôi lại háo hức, lại mong chờ, lại đếm ngược thời gian như ngày còn thơ bé mong sao thời gian trôi thật nhanh bởi  tết này tôi được về quê ăn tết.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Công