“Yêu sách của dân” và miệng lưỡi của Quan.

Phản hồi về bài viết "Bài học về giải phóng mặt bằng ở một công trình trọng điểm rên địa bàn xã Văn Hóa" của tác giả Lương Duy Toản
Bài viết liên quan đã đăng:
1. Bài học về giải phóng mặt bằng ở một công trình trọng điểm trên địa bàn xã Văn Hóa


 “Yêu sách của dân” và miệng lưỡi của Quan.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của Ban biên tập)

Nhìn về quê hương Lệ Sơn, tôi hiểu vì sao là thế hệ “trí thức” tiếp nối của Lệ Sơn vẫn coi chuyện làm quan là con đường của lựa chọn. Làm doanh nhân vất vả và mất nhiều thời gian quá… Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một  quan, dù  đó là ông Quan làng hay bà Quan huyện. Khác với tư duy của các dân tộc Âu Mỹ mà tôi được biết, lương của Ông quan làng bà Quan huyện lấy từ tiền thuế của dân thì dân là người chủ, trả lương cho anh chị để được anh chị phuc vụ.

Mấy ngày nay, trên trang báo làng đăng lại bài “Giải phóng mặt bằng và bài học của chúng ta...” của tác giả Văn Hoàng đăng trên báo Quảng Bình. Vì yêu quê hương và thương người thân nên dân Lệ Kiều nhảy vào bình luận comment rầm rầm. Ý kiến thì rất nhiều nhưng tập trung chủ yếu là không đồng ý với ý kiến tác giả bài báo khi kêu gọi dùng bạo lực để giải quyết vấn đề và bà PCT Tiến thì "Không thông minh" khi dùng từ ”Yêu sách” để nói về yêu cầu của người dân với chính quyền.

Theo tôi, các ý kiến của mọi người đưa ra chưa đúng hoàn toàn. Bà Tiến là "người rất thông minh" mà bằng chứng là nghe tin Bà là một người mà khi trẻ học hành cũng được nhưng bà ta đã chọn con đường làm quan và đang được làm quan. Thay vì làm một doanh nhân để đem lại công ăn việc làm cho nhiều người. Là một nhà kỹ nghệ để làm ra sản phẩm cho xã hội bà Quan Huyện này đã chọn con đường ít chông gai nhất nhưng giá trị mà bà tạo ra cho mình và gia đình mình không phải là nhỏ. Nói những gì mà mình nghĩ cũng là một giá trị mà không ai cũng có thể có được !

Từ khi học môn văn trong trường học cấp 2, Bà giáo của tôi có cắt nghĩa cho tôi rằng “Yêu sách” có nghĩa là "Đòi hỏi, bắt buộc phải đáp ứng điều gì", vì nghĩ là mình có quyền được hưởng. Xa quê hương, tôi không biết thực hư của câu chuyện về đền bù giải toả ở quê nhà. Người dân có được quyền yêu cầu các ”đầy tớ” làm những việc mà mình mong muốn và pháp luật yêu cầu hay không. Nhưng trong chuyện này tôi nghĩ bà PCT dùng từ này khi nói về những yêu cầu của người dân với chính quyền khi mất đất mất nhà, ruộng vườn cha ông để lại là cũng có ý đúng. Đáng lẽ ra, mọi người với văn hoá và truyền thống của mình nên co rúm lại như một con sâu thay vì không chịu di dời và còn đòi hỏi quyền lợi nữa chứ. Quan là cha là Mẹ, con cãi cha mẹ là con hư mà. Dân ngoan Quan thương ! dù là quan cách mạng.

Dân Lệ Kiều ở mọi nơi trong những ngày qua gọi điện gửi mail cho nhau ầm ầm nhằm tìm hiểu thông tin về phóng viên Văn Hoàng. Câu hỏi thì có nhiều nhưng tựu trung chủ yếu là Văn Hoàng là con cháu Cụ nào ? Già hay trẻ khi dám đề xuất chính quyền “đến một ngưỡng nào đó, nếu dân yêu sách quá đáng thì cần phải áp dụng các biện pháp mạnh mà chính quyền có sẵn trong tay”.Theo sự tưởng tượng của tôi, Văn Hoàng là một Ông già, là phóng viên chiến trường từ thời chống Mỹ nên trong dòng văn và suy nghĩ của anh ta vẫn còn mùi bom đạn mặc dù quê hương đã từ lâu im tiếng súng. Có người còn đặt câu hỏi Văn Hoàng là Thủ Tướng hay sao mà dám ra lệnh...! theo mình các Bác đừng quá bức xúc, Văn Hoàng là dân Văn chương nên rất thương người. Vì thương các quan hàng Tỉnh hàng Huyện,  Xuân Thu Nhị Kỳ lặn lội cưỡi xe con về làng quê Lệ Sơn mấy lần một năm mà mãi 12 hộ dân vẫn không chịu nghe lời nên có vài lời búc xúc thôi. Còn dân Không nghe, Quan phải sai lính đánh, truyền thống xưa nay là vậy mà.! mà chưa đánh được thì doạ nạt cho đễ chứng tỏ quyền uy.

Cách đây mấy năm, dân Lệ Sơn tôi không ít người không hài lòng về những dự án xi măng, xây cầu khi họ nghĩ rằng ngôi làng nhỏ của chúng ta sẽ không bình yên như nó đã vốn có. Nỗi lo lắng đó bây giời đã trở thành hiện hữu. Mong rằng, súng không nổ và máu người không đổ. Văn Giang,Tiên Lãng là bài học mà Quan bà Nguyễn Thị Tiến, phóng viên ”diều hâu” Văn Hoàng nên nhìn lại.

Mong lắm thay !
 

Tác giả bài viết: Lương Duy Toản