Kỷ niệm về Thầy Đang trong tôi

Những dòng hồi ký của Bác Lương Duy Thái về cố nhà Giáo Lê Văn Đang

Thầy Lê Văn Đang
Nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình


 
Đã mấy tuần nay vắng tin nhà
Chiều nay mở” Web” lại xót xa
Một cây cổ thụ vừa vắng bóng
Để bao thương nhớ cho quê nhà.

Tôi viết những dòng này không phải vì thầy Đang nguyên là phó Chủ tịch Tỉnh, là người có quan hệ họ hàng với gia đình tôi mà là vì cái “Tâm “ với một người ở thế hệ trước mà tôi luôn giữ những ấn tượng tốt đẹp - vì nhân cách, vì phong thái …toát ra. Không phải vì tôi đã ở thế hệ kế cận, muốn níu giữ những hoài niệm về con người, về làng quê mà mỗi chúng ta khi nghĩ đến đều “tặc lưỡi “ than phục. Không ! Không phải cái gì thuộc về quá khứ đều là tốt đẹp, đều là “tấm gương“ nhưng với thầy Đang  trong tôi còn đọng lại những ký ức sâu đậm mà cho đến tận bây giờ, khi đã chuẩn bị  “tiếp bước“ theo thầy tôi mới thốt ra như vậy !

Tôi còn nhớ khoảng năm 1957 - 1958 thầy Đang là giáo viên ở trường cấp 2 Đào Duy Từ - Đồng Hới; lúc này bố tôi cũng đang dạy ở đó. Phải nói ở thời điểm đó thì trường cấp 2 này là đỉnh điểm của tỉnh Quảng Bình; có lẽ cả tỉnh đây là trường cấp 2  đàng hoàng nhất, quy cũ nhất. Giáo viên của trường có thầy quê tận Nghệ An, Hà Tĩnh; có thầy quê tận Hải Dương, có thầy là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, học xong sư phạm thì về trường dạy . Đó là đội ngũ thầy giáo tâm huyết với nghề, mẫu mực trong sinh hoạt, tác phong; uyên bác trong tri thức mà mỗi “đứa“ học trò chúng  tôi vừa cảm thấy ngưỡng mộ, vừa nhìn thầy như nhìn thần tượng. Tôi không học với  thầy Đang nhưng vì thầy là người cung làng lại là người có quan hệ họ hàng nên tôi,  một đứa trẻ nhút nhát lại mặc cảm mình là người “mạn ngược“, vẫn không cảm thấy “sợ“, không cảm thấy cách xa như đối với một số thầy khác. Đến tận bây giờ trong ký  ức tôi vẫn mang máng nhớ hình dáng thầy : cao cao, gầy gầy, da trắng ; tác phong điềm đạm, chững chạc, có dáng dấp như một thầy giáo quê ra tỉnh mà tôi đã đọc trong các truyện của Nam Cao.

Tôi còn nhớ lúc này bố tôi đang cố chắt chiu để lấy tiền trả nợ ; ba bố con ăn cơm  tháng của bà Cúc người Huế nấu ở trụ sở ty Văn hóa Tỉnh nằm giữa đoạn đường nối cầu Mụ Kề và cửa Bắc thành Đồng Hới. Thầy Đang gia đình ở quê cũng không khá giả gì nên cũng ăn cơm tháng ở đây. Cơm tháng bà Cúc nấu khá ngon, mỗi tháng 18 đồng; ba bố con tôi ăn 2 suất. Mỗi khi đi ăn cơm chúng tôi đều gặp thầy; thầy gọi bố tôi bằng bác.

Có lần thầy đi sóng đôi với bố tôi rồi hai người nói với nhau chuyện gì đó mà bật chợt thầy nhìn sang tôi cười cười ; thấy thầy nhìn mình rồi cười cười tôi  cảm thấy ngường ngượng. Thầy đi nhanh rồi sóng đôi đi cùng, vừa đi vừa hỏi chuyện thân tình gây cho tôi ấn tượng thật gần gũi. Rồi có lần thầy về quê mấy hôm. Lúc vào thầy sang kể chuyện làng cho bố tôi nghe. Thầy ở chung với các thầy độc thân khác; bố tôi được trương ngăn cho một buồng nho nhỏ để ở cùng anh em tôi. Tôi thấy thầy có vẻ buồn buồn ,nói với bố tôi đồng làng bị hạn nặng, năm nay chắc đói to. Lúc ra về thầy biếu bố con tôi một bọc giấy báo vuông vức, bảo với anh em tôi  quà quê bây giờ chỉ có thứ này là đắc sách nhất. Đợi thầy về xong anh em tôi mở bọc giấy ra thì bên trong đựng toàn khoai gieo. Cả hai đứa tôi reo lên thích thú !

Nghe tin thầy mất ở cái tuổi 88 xưa nay cũng đã là quá hiếm, tôi ghi lại một vài  kỹ niệm khi được sống gần thầy cách nay đã mấy chục năm. Xin gửi đến gia quyến thầy lời chia buồn sâu sắc.

Hà nội, ngày 29 tháng 7 năm 2012                                         

Tác giả bài viết: Lương Duy Thái