Thư giãn cuối tuần: Phiếm đàm nông dân và cán bộ

Câu chuyện mang tính chất thư giãn của tác giả Đoàn Nhật Tiên về quan điểm làm "cán bộ và nông dân" của người dân Lệ Sơn nói riêng và cả nước nói chung
Ở cái làng Lệ Sơn của mình, ai ai cũng muốn con làm cán bộ. Vì sao người người, nhà nhà muốn con mình sau này sẽ là cán bộ mà không phải là nông dân? Vậy thì cán bộ và nông dân khác nhau ở điểm nào? Chúng tôi đưa ra vài so sánh để mọi người có thể biết được sự khác nhau cơ bản ấy:
 

Ảnh minh họa

 

- Nông dân thường ngủ sớm và dậy rất sớm. Tại vì ngủ trễ nên cán bộ dậy cũng rất trễ.

- Nông dân thường đi làm sớm, về rất muộn. Cán bộ đi làm muộn và về rất sớm.

- Nông dân thường mắng con trâu. Cán bộ thường mắng dân.

- Bạn nhà nông là con trâu. Bạn cán bộ là cán bộ.

- Áo quần nông dân thường nhăn trong khi mặt hay cười. Áo quần cán bộ thẳng, mặt lại hay nhăn.

- Nông dân yêu ruộng đồng. Cán bộ yêu nhiều thứ.

- Nông dân “lên chức” tức có cháu. Cán bộ lên chức tức sắp giàu.

- Vợ nông dân thường ra đồng. Vợ cán bộ thường đứng ngóng ở “cửa sau”.

- Vợ nông dân hỏi: “Chừng nào gặt?”. Vợ cán bộ hỏi: “Lương đâu?”.

- Mặt nông dân đen vì nắng. Mặt cán bộ đỏ vì bia.

- Đầu cơ nghiệp của nhà nông là con trâu, của cán bộ là con dấu.

- Thấy phong bì, nông dân biết có thư. Thấy phong bì, cán bộ nghĩ thứ khác.

- Nông dân than mệt mỏi. Cán bộ than nhức đầu.

- Nông dân sợ trời bão. Cán bộ sợ “trời không thương”.

- Nông dân thường khoe quen với cán bộ này cán bộ nọ, chả khi nào cán bộ khoe quen nông dân nọ, nông dân kia.

- Có cán bộ lấy bằng giả “đi cày” ở công sở nhưng chẳng có nông dân nào dùng trâu giả để cày ruộng.

Tác giả bài viết: Đoàn Nhật Tiên