Nhiều sai phạm trong thu hồi, giải phóng mặt bằng (Theo báo thanh tra điện tử)

(Thanh tra)- Muốn được UBND xã Văn Hoá nhận được tiền tỷ từ hàng trăm ha đất của dân đúng với Luật Đất đai, UBND huyện Tuyên Hoá đã “hợp thức hóa” đất được giao 50 năm thành đất công ích của xã qua Quyết định 2542/QĐ-UBND như thế nào?
Kỳ II:Quyền lợi chính đáng của dân bị “làm xiếc”?

Trong Quyết định 2542/QĐ-UBND ban hành ngày 2/12/2009 của UBND huyện Tuyên Hóa ghi rõ: “Điều chỉnh Quyết định giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất lâm nghiệp”; nhưng nội dung của quyết định này lại ghi: “Có 10 hộ được giao đất với diện tích 40ha đất trống đồi núi trọc tại khoảnh 10 Tiểu khu 198 xã Văn Hoá, không có giá trị thực hiện về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bởi diện tích trên là đất nông nghiệp đã được UBND xã  giao cho Hội làm vườn trồng cây lâm nghiệp, cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi tại Biên bản giao đất ngày 11/7/1998, đến nay đang có giá trị thực hiện”.

Trả lời với PV Báo Thanh tra, bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá, kiêm Trưởng ban Giải phóng mặt bằng (GPMB) cho rằng: Biên bản giao đất sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm do UBND xã Văn Hoá ban hành ngày 11/7/1998 không đúng thẩm quyền để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp và ông Thịnh không được nhận tiền đền bù vì diện tích đất của ông Thịnh đã được bàn giao cho người khác”.

Tuy nhiên, trong Biên bản cuộc họp về việc “Bàn giải quyết những vướng mắc trong công tác trích đo địa chính khu đất xây dựng Nhà máy sản xuất Clinker của Cty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam, tại xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình” diễn ra vào ngày 29/7/2009, tại Văn phòng Sở Tài Nguyên và Môi trường do ông Nguyễn Xuân Tuyến (Giám đốc Sở) và ông Phan Công Khánh (Văn phòng UBND tỉnh) chủ trì cuộc họp lại ghi: “UBND xã Văn Hoá có Tờ trình đề nghị UBND huyện ra quyết định thu hồi lại quyết định đã giao cho 10 hộ trước đây chưa đúng quy định. Thực hiện phương án này thì theo quy định tại Điều 17, Điều 32 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ, Hội nghị thống nhất đề nghị UBND tỉnh xem xét để hỗ trợ 100% cho UBND xã về đất và hỗ trợ về tài sản trên đất cho các hộ”.
 
Bà Nguyễn Thị Tiến- Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá, kiêm Chủ tịch Hội đồng
giải phóng mặt bằng cho rằng: Đất của 10 hộ dân Hội làm vườn là đất công ích

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi bà Phùng Thị Loan, Trưởng Văn phòng Luật sư An Hưng (số 1, ngõ 4, phố Giang Văn Minh, Kim Mã, Hà Nội) cho rằng: “UBND huyện Tuyên Hoá ra Quyết định 2542/QĐ-UBND thu hồi đất của 10 hộ dân Hội làm vườn để tạo điều kiện cho UBND xã Văn Hoá nhận tiền đền bù là không đúng với Luật Đất đai, vì đất của họ là đất được giao 50 năm, khi Nhà nước thu hồi thì phải được đền bù tài sản trên đất và tiền đất chứ không được đền bù về đất”.

Bà Loan giải thích: Tại Điều 17, chương II bồi thường về đất của Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ra ngày 3/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có nói rõ: “Xử lý các trường hợp tổ chức bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường: Tổ chức bị thu hồi đất mà không được bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này; nếu phải di dời đến cơ sở mới thì được hỗ trợ bằng tiền theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức hỗ trợ tối đa không quá mức bồi thường đất bị thu hồi do tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chi trả”.

Tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này có ghi: “Tổ chức được Nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền sử dụng đất bằng tiền có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi”.

Như vậy, theo bà Phùng Thị Loan, việc UBND xã Văn Hoá và huyện Tuyên Hoá dựa vào Điều 17 của Nghị định 197/2004/NĐ-CP để lấy tiền đền bù từ đất của dân là sai.

 
Biên bản giao đất cho 10 hộ dân Hội làm vườn với thời hạn 50 năm.

Bên cạnh đó, Hội đồng GPMB huyện Tuyên Hoá còn cho rằng: “Năm 2001 vì hoàn cảnh gia đình sức khoẻ yếu nên ông Lê Đức Thịnh bàn giao đất cho em rể Trần Văn Sửu, cho nên ông Thịnh không có cơ sở để đòi lại đất”. Tuy nhiên, ông Thịnh lại khẳng định: “Vấn đề mà Hội đồng GPMB huyện Tuyên Hoá đưa ra không có một văn bản pháp lý nào có cơ sở để chứng minh là tôi giao đất cho em rể Trần Văn Sửu. Trên thực tế, chính huyện Tuyên Hoá cũng công nhận Biên bản giao đất ngày 11/7/1998 đến nay vẫn có giá trị”.

Trong Bản báo cáo số 12/BC-UBND ngày 7/7/2010 của UBND huyện Tuyên Hoá giải trình: Căn cứ vào khoản 1, Điều 6, Nghị định số 163/1999/NĐ-CP quy định về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp: “Hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất lâm nghiệp theo Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ được tiếp tục sử dụng ổn định, lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. UBND xã Văn Hoá căn cứ vào quỹ đất lâm nghiệp của xã, căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp đã trình lên UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 287 hộ gia đình, trong đó có 10 hộ gia đình đang trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi, tại Thung Cày theo Biên bản giao đất sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm ngày 11/7/1998”. Như vậy, theo báo cáo của UBND huyện Tuyên Hoá thì đất của 10 hộ dân Hội làm vườn được cấp đúng trình tự và đúng thẩm quyền.

Qua xác minh chúng tôi được biết, hiện nay chưa có một văn bản nào thay thế cho Biên bản giao đất ngày 11/7/1998 và cũng chưa có một quyết định hợp pháp nào về việc thu hồi đất đúng với Luật Đất đai đối với diện tích đất được giao 50 năm của 10 hộ dân Hội làm vườn trước Quyết định 2545/QĐ-UBND về thu hồi đất để xây dựng Nhà máy sản xuất Clinker của UBND tỉnh Quảng Bình.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình giải quyết thấu tình, đạt lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hàng trăm hộ dân và ông Lê Đức Thịnh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao Cường - http://thanhtra.com.vn