Ngôi Chùa Phúc Tự

Sau Giếng Chùa, thì công trình khôi phục Chùa Phúc Tự đã và đang được tiến hành khẩn trương, dự kiến hoàn thiện vào tháng 11 năm nay. Bài viết của tác giả Lê Ngọc Tỉnh sẽ cho bạn đọc thấy được ý nghĩa, niềm khát khao mong chờ của người dân trong việc phục dựng lại các công trình văn hóa gắn liền với tên tuổi của làng quê nổi tiếng văn vật của Quảng Bình xưa.
Những bài viết liên quan đến chùa Phúc Tự

Những hiện vật quý còn sót lại của chùa Phúc Tự - Làng Lệ .

Những đứa con xa quê ước một ngày trở lại
Đứng trên cầu ngắm dòng nước Linh Giang
Vẳng bên tai tiếng chuông chùa Phúc Tự
Ngân nga, sâu lắng lúc chiều tà.

Trong tâm khảm những người con đất lệ xa quê, cứ mỗi lần hồi ức về kỷ niệm cây đa, bến nước, sân đình thì đều nhắc đến ký ức ngôi chùa Phúc Tự, ben cạnh giếng Chùa đã  có vài trăm năm. Biết bao biến cố thăng trầm lịch sử, sau hoà bình lập lại, cách mạng văn hoá bài trừ mê tín dị đoan, vô tình cũng đã xóa đi những gì vốn có của ngôi chùa cổ kính này. Cộng với sự ác liệt của chiến tranh, bom Mỹ đã san phẳng ngôi chùa năm 1967.

Đất nước thống nhất, chiến tranh lùi xa, con người cũng dần dần ổn định cuộc sống, cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất người dân đất Lệ cũng không ngừng nâng cao, nhà xây tường cao, mái ngói đỏ tươi, ti vi xa máy gần như nhà nào cũng có. Vậy mà người dân đất Lệ nói chung, con em Phúc Tự nói riêng, vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó về tinh thần, vốn mang tính đặc trưng riêng của xứ Lệ. những người thuộc thế hệ 5x đã bước sang lứa tuổi 60 trở lên, họ vẫn đau đáu ước ao có lại ngôi chùa và mái đình làng ngày trước, với những kỷ niệm chứ chan , in sâu vào tâm khảm họ.

Nhưng ao ước đó vẫn chỉ là mơ ước, đã bao năm rồi đâu có dễ gì có được, biết bao người con đất Lệ cũng có hoài bão như vậy nhưng đều lực bất tòng tâm. Trong lúc tưởng chừng như vô vọng đó, có một người con Lệ Sơn đã làm thoả lòng cho dân làng, đó là anh Lương Ngọc Bính. Sinh ra trong một gia đình truyền thống nhà giáo, là một trí thức lại có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội và địa phương. cha là nhà giáo nhà thơ lương Ngọc Đệ, người mẹ giàu lòng nhân ái đã hun đúc, thôi thúc anh phải làm gì đó cho quê hương. Anh đã  phải chạy ngược , chạy xuôi, vận động một số tổ chức, các Mạnh thường quân chung tay phục hồi lại văn hoá của một làng từng được mệnh danh đứng đầu Bát danh hương đất Quảng.
 
Mấy ai  có được tấm lòng đầy nhiệt huyết vì quê hương như anh, làng Lệ Sơn được như hôm nay ai cũng phải thừa nhận sự cống hiến sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt thành với quê hương.  Bờ kè đầu làng, giúp cho Lệ Sơn hết xói lở, mất đất trong mùa mưa bão. Chiếc cầu bắc qua sông Gianh,nối 2 bờ sông, bớt tai nạn chết người khi hàng ngày con em phải qua sông đi học, bây giờ con em ở xa về, cứ băng băng qua cầu về đến cổng nhà mình. Cây đa đồng Chăm, kỷ niệm đẹp nhất của con em Lệ Sơn từ bao đời nay, trải qua hàng trăm năm bị bom mỹ tàn phá, bão tố gãy đổ và chết khô, bây giờ cũng được trồng lại  vươn cành toả bóng, đó là biểu tượng không thể thiếu của ngôi làng này. Giờ đây ngôi chùa Phúc Tự lại được hồi sinh, phần giếng chùa đã khôi phục hoàn chỉnh, phần nhà chùa đang thời kỳ thi công phần mái. Hi vọng đến tết Nguyên đán, người dân xứ Lệ sẽ được đến thăm động Chân Linh, vãn cảnh chùa trong dịp tết Bính Thân mà trong câu đối của Tác giả Đào Nguyên đã nhắc đến:

 
Vui xuân cùng bè bạn viếng động Chân Linh
Đón tết với cháu con thăm chùa Phúc Tự

Hay câu đối của ông Lê Doạn thôn Phúc Tự:

Núi Vải tiềm tàng đầy quả ngọt
Vườn Chùa ấp ủ đủ hoa thơm

Rồi đây, những người con phương xa khi trở về quê hương viếng thăm chùa Phúc Tự, sẽ sung sướng biết bao, nhưng không phải ai cũng hiểu được những hi sinh thầm lặng và công lao của anh và gia đình anh đã đóng góp tâm sức và vật lực đã tạo lại ngôi chùa này cho quê hương. Thay mặt những người  đang sống và công tác  phương xa và có cùng suy nghĩ, xin một lần nữa cảm ơn anh và gia đình, người mẹ đáng kính đã hun đúc nên tâm hồn anh về những đóng góp lớn lao cho quê hương.

Chùa Phúc Tự nằm đắc địa trên cồn đất cao hơn hói ( Hà Thâu) khoảng 4 mét, trước đây hói luôn có nước chảy từ nguồn nuốc ngầm trong dãy đá vôi ra, nối ra sông Gianh, chia ranh giới 4 thôn Bàu Sỏi với Thượng Phủ, Phúc Tự với Hà Thâu.  Đứng trên nền chùa nhìn sang  khoảng đất bên kia là nhà thờ ông Tổ họ Lê người khai lập xứ Còn vang, dưới chân ngôi chùa phía trái là giếng chùa cũng đã đã tu tạo lại  trên nền cũ nguyên bản nhưng to hơn, đẹp hơn giếng cũ. Hi vọng sau khi hoàn thành công trình chùa Phúc Tự, bộ mặt của làng Lệ Sơn sẽ thay đổi rất nhiều,  theo tâm linh thì con người sẽ sống hoà thuận hơn, con em đất Lệ sẽ có người đỗ đạt cao hơn, nhiều hơn thế hệ trước, bởi đã có sự thông thiên, liên hệ, giao thoa hài hoà giữa trời đất, thần tiên và con người mà ta hay nói là Thiên thời, địa lợi và nhân hoà.

Kỳ vọng rồi đây ngôi đình làng ta lại được tôn tạo lại trên nền cũ vốn có của nó, chúng ta có quyền hi vọng sẽ có một cơ hội nữa lại được chiêm ngưỡng  ngôi đình  làng như bài viết cuả Lê Hồng Vệ trên báo làng: Tiếng vọng mái đình xưa, mà vết tích còn lưu lại trên 2 cột cổng trước cửa đình với 2 câu đối của Hậu duệ đời thứ 12 cụ tổ Lê Văn Hành là Quan Đốc học Lê Bính - người chủ trì việc trùng tu đình làng đầu thế kỷ XX.

 
KHÍ TÁC SƠN HÀ CÔNG MINH CHÍNH TRỰC NHI NHẤT .
(Núi sông hun đúc nên con người nơi đây cái khí chất công minh chính trực được xếp hàng đầu)

ĐỨC HỢP THƯỢNG HẠ CAO MINH BÁC HẬU VÔ CƯƠNG .
 (Từ quan, viên, chức dịch đến đinh tráng, lão hạng; từ trên xuống dưới đồng lòng hòa hợp thì sáng suốt, uyên bác vô biên).

Những hình ảnh thi công Chùa Phúc Tự với kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng
 


 


 


 


 


 


 


 


 


 

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Tỉnh