Sau bão giông, những mầm xanh quê hương đã nhú

Trong tháng ngày cận năm. Tôi lại về bên quê hương với bao điều sau biến động của Ông Trời giận dữ, dù trời không mưa cũng chả nắng, nhưng vẫn âm u buồn như chính lòng người thổn thức. Sự sống nơi đây đã đâm chồi. Những giá trị chân chất, chân thực và sự thủy chung vẫn đọng lại tất cả. Sau bão giông, cây cỏ lại lên xanh, hoa thắm lại nở. Những ngọn gió nhẹ đầu đông xào xạc như chính những tâm hồn nhạy cảm khi được nhảy chân sáo về với quê hương.



 
Sau một trận lụt, mọi thứ đều bị đẩy lùi về biển,  khúc sông có bãi cát đầu làng là nơi có nhiều kỷ niệm cho các lứa đôi nắm tay nhau vào những mùa trăng. Với những đụn cát sạch, những cây xanh nở hoa ngang đầu người, giờ đã bị hoang hóa và trong cả ký ức. Mới đây thôi, tất cả đã bị cuốn đi.....thật tiếc nuối.


 
Trời không nắng, vẫn âm u như mang nhiều nổi buồn của lòng người vậy. Vẫn làng mạc, vẫn cây vườn, vẫn nhà cửa, và vẫn các công trình như trường học, y tế, và mọi hoạt động khác. Nhưng sao thấy trống vắng và u buồn.


 
Đúng vào ngày nghỉ chủ nhật, nên trường lớp đóng cửa, sắp đến ngày 20/11 rồi nhưng vắng lặng không lời.
"Cho con về thuở ấy xa xăm
Hứng cùng Thầy, hoa phấn nơi bục giảng
Bon chen trường đời ngược xuôi năm tháng
Có mấy học trò nhớ lời giảng ngày xưa"


Lòng tôi cứ nao nao như chính sự xa cách của bao người Thầy đi xa, bao thế hệ giáo viên và các bạn. Con em quê hương thành đạt cũng từ đây mà ra, sao lại nỡ...


 
Sau sáu tuần trải qua những gì đã chứng kiến, xóm làng vẫn đây, những cây xanh của lá vườn đã hồi sinh trở lại, nhưng cuộc sống khốn khó của bà con "vẫn chung thủy" như dãy núi xứ Lệ, sừng sững bất biến soi vào dòng sông quanh năm chảy về biển.


 
Cái cơ sở hạ tầng này liệu đủ sức mạnh, để thay đổi bộ mặt của đời sống bà con. Câu hỏi bỏ ngõ...nhưng dù sao, các Mẹ từ nay đi chợ không còn được đi chân đất nữa.
Cũng từ đây, xóm làng vui hơn xen lẫn sự khiếp vía của con trẻ, và cả những chú cá dưới ao bị khuấy động khi một số thanh niên có xe, thích "thể hiện bản lĩnh công thức 1" bay thẳng xuống làm mất đi sự bình yên vốn có.....


Lớp tập huấn phòng ngừa thảm họa tại văn phòng Trường THCS Văn Hóa ngày 16/11/2013
 
Các lớp tập huấn vẫn thường xuyên về với làng xã. Vẫn kiểm tra, vẫn thu hoạch, vẫn nâng cao trình độ và những hiểu biết để phòng ngừa thảm họa. Nhưng nhìn vào lớp tập huấn, có lẽ lý thuyết còn nặng vì "sức cánh mạnh tay" chỉ chiếm 1,18%. Tin rằng: lớp sẽ mở rộng đầu mối để mọi người trong cộng đồng được tiếp thu hết cả hai vấn đề.
Hơn lúc nào hết, những rủi ro của thiên nhiên càng ngày càng khó lường, nên những lúc và những đợt như thế này dù muộn vẫn mong muốn được nhân rộng.


 
Đại diện cho tổ chức của hội chữ thập đỏ của tỉnh nhà. Ông Hoàng Đức Thanh. Trưởng phòng công tác xã hội đang truyền đạt lại kiến thức phòng ngừa thảm họa cho các trường, Giáo viên và học sinh trên địa bàn (đây là đợt thứ hai, vì ở đời người ta thường lý luận rằng: "Không có thiên tai, thì lấy gì để phòng ngừa". Thật thú vị)


 
Đây là chương trình trọng điểm của tổ chức hội chữ thập đỏ Hà Lan phối hợp với Ngân hàng Habubank thực hiện. Song song với truyền đạt kỹ năng phòng ngừa. Tổ chức trên đã trao tặng cho xã 5 thuyền để cứu hộ cứu nạn. Hoạt động này là việc làm thiết thực và mang lại nhiều niềm tin yêu của cộng đồng.


 
Với bản năng bao đời sống chung bão lụt, "Trông trời, trông đất, trông mây". Những luống cày đã xới lên vào thời điểm để tái sản xuất, đã làm cho cuộc sống tại quê nhà......chuyển động


 
Những cây ngắn ngày dễ làm dễ đầu tư và ...dễ ăn. Sẽ nuôi sống cho bà con vào những ngày giáp hạt. Đây cũng là chất liệu chính làm nên bài ca, mà cố nhạc sĩ Hoàng Vân đã tặng cho Quảng Bình để ai đi xa cũng tự hào và nhớ đến.


 
Trồng bất cứ nơi nào có thể, có đất là cứ trồng, không có củ thì lấy lá và ngược lại. Đều sớm mang lại lợi ích thiết thực, mà không phải trông chờ hay xin xỏ để đánh mất đi bản lĩnh vốn có. Một đức tính quân tử của người Lệ sơn được hun đúc nên từ những thứ văn minh vật chất từ đây.


 
Cây đổ, quả vẫn lớn lên trong sự vun trồng của đất. Vài con cá khô, vài quả chuối và ít khế. Lá lốt tươi non là những thứ dễ nhìn thấy sau lũ lụt. Quả thực, Ông Trời cũng không lấy hết cả, vẫn tâm lý và vẫn thử thách lòng dạ con người.


 
Tất cả khó khăn cũng sẽ qua đi, hết bão tố cây chồi lại mọc lên, cuộc sống con người vẫn kiên trường lớn lên để con cái được đi ra mở mày mở mặt. Một sự nghịch lý thật tự nhiên và thật đắng cay.



 
Vì ngày mai và cả ước mơ. Những giá trị chân chất, chân thực và sự thủy chung vẫn đọng lại tất cả. Sau bão giông, cây cỏ lại lên xanh, hoa thắm lại nở. Những ngọn gió nhẹ đầu đông xào xạc như chính những tâm hồn nhạy cảm khi được mỗi dịp trở về với Mẹ, với quê hương.

                                                                                 Hà Nội 17/11/2013



 

Tác giả bài viết: Lê Hồng Vệ