Bài học về giải phóng mặt bằng ở một công trình trọng điểm trên địa bàn xã Văn Hóa

Cầu và đường về xã Văn Hoá (Tuyên Hoá) là công trình trọng điểm của tỉnh. Được khởi công từ tháng 1-2011, theo kế hoạch sẽ hoàn thành cuối năm 2012. Nhưng đến nay công trình mới chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Nguyên nhân chính là việc giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài...
Có lẽ cũng cần có cái nhìn tổng quan về công trình trọng điểm này. Tổng mức đầu tư công trình là 478,4 tỷ đồng. Nhưng do những biến động về giá cả, điều chỉnh một số chi tiết hạng mục công trình, đơn giá nhân công thay đổi..., tổng mức đầu tư cho công trình sẽ tăng thêm khá nhiều. Đây là công trình không thuần tuý là cầu vượt sông Gianh để nối đôi bờ, mà nó còn có trọng trách tạo cú hích cho phát triển công nghiệp vùng phía tây sông Gianh mà cụ thể là phục vụ Nhà máy xi măng Văn Hoá cũng được khởi công trong dịp này.

Vì vậy công trình khá phức tạp, nhiều hạng mục trải ra trên địa bàn rất rộng, gồm cầu vượt sông Gianh (dài 755 mét); cầu vượt đường sắt bắc- nam (dài 277 mét); đường nối hai đầu cầu (dài 2922 mét); tổng chiều dài công trình là 3.955 mét. Công trình lại liên quan đến hai huyện Tuyên Hoá và Quảng Trạch. Bởi vậy không chỉ khó khăn trong thi công, phát sinh bổ sung hạng mục công trình và những vấn đề liên quan đến biến động kinh tế, giá cả mà việc giải phóng mặt bằng là vô cùng phức tạp.

Ở phía đầu cầu thuộc địa phận huyện Quảng Trạch, việc giải phóng mặt bằng phục vụ cho gói thầu số 2 (thi công 1/2 cầu vượt sông Gianh và nút giao thông tiếp xúc với quốc lộ 12A, do Công ty CP công trình Đường Sắt thi công), Hội đồng GPMB huyện Quảng Trạch đã thực hiện hai lần chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng 2 lần cho đơn vị thi công (lần 2 từ tháng 9-2011). Đơn vị thi công đã thực hiện hoàn thành 92,5% khối lượng công việc từ... rất lâu.

Các nhịp cầu chờ dầm cả một năm trời vì chưa có mặt bằng thi công dầm.
Các nhịp cầu chờ dầm cả một năm trời vì chưa có mặt bằng thi công dầm.

Tuy nhiên đến nay (29-11-2012) vẫn còn vướng 3 hộ dân ở mố cầu M1 chưa giải phóng mặt bằng. Theo thông tin từ xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch, 3 hộ dân này đã nhận tiền đền bù và hứa (có cam kết bằng văn bản) ngày 30-11-2012 sẽ di chuyển để tạo mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Khi có được thông tin này, đại diện đơn vị thi công đã hứa với lãnh đạo tỉnh là 3 tháng sau sẽ hoàn thành khối lượng công việc còn lại của gói thầu.

Ở phía huyện Tuyên Hoá, tính đến cuối tháng 11-2012, Hội đồng GPMB huyện đã tổ chức 9 đợt chi trả với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng cho 208 hộ dân. Trong đó hộ phải di chuyển chỗ ở 21 hộ/33 hộ, số hộ có vật kiến trúc, mồ mả cần di chuyển 37/37 hộ, số hộ thu hồi đất nông nghiệp 149/151 hộ.

Trên cơ sở mặt bằng đã được bàn giao các đơn vị thi công đã thực hiện đến 29-11-2012 như sau: gói thầu số 2 (1/2 cầu vượt sông Gianh, phần đường và nút giao thông về xã Văn Hoá, do liên danh Công ty CP XDCT 525 và Công ty CP Đạt Phương thi công đạt 67,9% khối lượng công việc. Đây là gói thầu được coi là khó khăn nhất trong việc GPMB, đến nay còn 12 hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù. Đơn vị thi công đã ăn chực nằm chờ ở đây cả một năm trời với đủ các loại phương tiện máy móc phục vụ thi công nhưng vẫn chưa có mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP XDCT 525 tại Quảng Bình, gói thầu còn 5 nhịp chưa có dầm để lao (do chưa có mặt bằng để đúc dầm Super T) và 5 trụ cầu (từ trụ T18 đến T22) chưa có mặt bằng thi công. Nếu ngay tại thời điểm này có mặt bằng để thi công thì cũng phải mất 6 tháng sau mới xong.

Tại gói thầu số 3 (cầu vượt đường sắt bắc - nam) mới thi công được 35% khối lượng công việc, nhưng việc giải phóng mặt bằng ở đây đã hoàn tất, công việc đã "lập trình" sẵn và sẽ hoàn thành trong 6 tháng tới. Gói thầu số 4 đường về xã Văn Hoá do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công còn vướng 4 vị trí đất nông nghiệp mà các hộ dân tự nhận là chính chủ, những chỗ bị vướng lại xen kẽ nhau nên việc thi công không liền mạch, đến nay mới thi công được 26% khối lượng công việc. Gói thầu này nếu có mặt bằng thi công ngay sẽ cũng mất rất nhiều thời gian để nền đường lún theo thiết kế mới đổ nhựa được.

Tóm lại ở Văn Hoá hiện còn 16 hộ gia đình chưa nhận tiền đền bù, nhưng trọng tâm là 12 hộ nhà dân phải di dời nhà ở nhưng chưa chịu di dời. Những gia đình khác chỉ liên quan đến đất sản xuất hoặc là tranh chấp nội bộ mà theo bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá là có thể giải quyết được. Yêu sách của 12 hộ dân này là tập trung 3 vấn đề: Giá nền tại khu TĐC được hỗ trợ 20 triệu là quá ít, cần được nâng lên; định giá từ năm 2011 đến nay đã qua gần một năm vì vậy cũng cần điều chỉnh theo giá năm 2012; thứ ba là vì sao lại có 2 chính sách đền bù chênh lệnh nhau quá lớn trên cùng một địa bàn...

Nắm bắt tình hình khó khăn trong GPMB ở công trình này nên trong suốt thời gian thi công UBND tỉnh, các ngành liên quan đã có nhiều chuyến kiểm tra để chỉ đạo đẩy nhanh GPMB. Tuy nhiên, tình hình GPMB chuyển biến chậm và kéo theo việc chậm tiến độ công trình đã rõ mười mươi, ít nhất là 6 tháng so với kế hoạch. Không chỉ các đơn vị thi công đã bị hao tổn rất lớn mà một số dự án đang triển khai trên địa bàn cũng đang lúng túng trong thực hiện kế hoạch và nói rộng ra xã hội đang bị thiệt hại không nhỏ.

Gói thầu số 4 đang thi công dang dở do dân chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Gói thầu số 4 đang thi công dang dở do dân chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Nguyên nhân của tình hình trên là gì? Đây là vấn đề nghiêm túc cần được rút ra để làm bài học cho những công trình khác. Theo bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá, có 4 nguyên nhân chính làm tiến độ GPMB chậm. Đó là triển khai khu tái định cư (KTĐC) qua quá nhiều thủ tục nên rất chậm. Thứ hai, trên địa bàn có 2 dự án mà chính sách đền bù lại khác nhau quá lớn nên dân đòi hỏi, yêu sách. Một mặt dân yêu sách quá đáng, trong khi đó hệ thống chính trị của xã hoạt động không đều tay, hiệu quả thấp. Một vấn đề nữa là các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều kiểu khác nhau trên cùng một văn bản, nhất là chính sách bồi thường tái định cư...

Về việc tạo mặt bằng sạch mới triển khai thi công là vấn đề không mới, tuy nhiên trong thực tế có khi phải vừa GPMB vừa thi công. Nhưng với công trình này, liên quan đến nhiều hộ dân, tại một vùng dân cư sinh sống lâu đời thì nên phải tuân thủ nguyên tắc trên, là GPMB xong mới thi công, chí ít là phải xây dựng được KTĐC, người dân cam kết di dời... mới triển khai dự án. Trong khi đó chúng ta triển khai xây dựng KTĐC quá chậm, mãi đến tháng 10-2012 mới xong, việc thi công cần mặt bằng từ trước đó cả một năm trời. Khi dự án đã triển khai "hòm hòm" mà dân yêu sách thì chỉ có nước "dự án chạy theo yêu sách của dân", chính quyền đã nắm "đầu lưỡi" như lời bà Tiến! Đây là bài học cho chúng ta.

Thứ hai, việc tuyên truyền chưa thấu đáo. Thực tế trên địa bàn có 2 dự án mà mục đích sử dụng khác nhau nên chính sách đền bù khác nhau, đó là chính sách chung, ai cũng phải chấp nhận như vậy. Vâng, vấn đề này thì cán bộ rất rõ nhưng để người dân thấu hiểu đòi hỏi phải tuyên truyền rất kỹ. Vì không tuyên truyền kỹ mà có lẽ cán bộ địa phương cũng chưa "thấm" nên cứ luôn nêu vấn đề này lên như là một nguyên nhân dẫn đến dân yêu sách, đành rằng thực tế nó như thế.

Về quản lý đất đai trên địa bàn, theo chúng tôi, đây cũng là bài học chung. Có một số diện tích đất khi đền bù chưa xác định được quyền sở hữu (quy chủ đất đền bù), lúc thì đó là đất thôn, lúc đất xã, lúc đất hộ gia đình. Có nghĩa là chưa có các văn bản chặt chẽ về quản lý đất đai nên mới có chuyện như vậy. Đây là việc rất quan trọng vì chủ sở hữu khác nhau mức đền bù sẽ chênh lệch nhau khá lớn.

Bài học nữa là trên địa bàn xã Văn Hoá trong một thời gian ngắn triển khai đến những 6 dự án lớn. Theo ông Nguyễn Tiến Hạnh, Chủ tịch UBND xã Văn Hoá, việc đền bù liên quan đến hơn 1.000 hộ gia đình. Phải nói rằng đây là gánh nặng "bất thường" đối với chính quyền địa phương nên dễ xẩy ra những sai sót, khó quán xuyến một cách chặt chẽ...

Trong chuyến đi kiểm tra tại công trình này vào ngày 29-11-2012 của UBND tỉnh do đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, những vấn đề trên cơ bản đã được giải quyết. Nhưng cũng mới là giữa chính quyền với... chính quyền. Từ chính quyền về dân cũng có thể là có khó khăn khác nảy sinh...
Nhưng, đến một "ngưỡng" nào đó, nếu dân yêu sách quá đáng thì cần phải áp dụng các biện pháp mạnh mà chính quyền có sẵn trong tay, vì quyền lợi chung cả cộng đồng!

Tác giả bài viết: Văn Hoàng - Báo Quảng Bình