Bác Hùng, xóm Bàu Sỏi - Một nhà giáo mẫn cán, một thi sĩ tài hoa

Bài viết về một nhà giáo, một thi sĩ thơ ca nổi tiếng của xóm Bàu Sỏi, Lệ Sơn do tác giả Nguyễn Thanh Lâm chấp bút.

Hình - Bác Hùng (còn gọi là Bác Mai), xóm Bàu Sỏi

 
Hồi nhỏ tôi hay vật nhau với anh Hùng con bác, nhưng lúc nào tôi cũng thua, người anh khỏe và cứng như khúc củi táu. Bác Mai hay làm thơ, thơ bác có nét hay riêng. Nhưng bác không chịu đăng ở tập Lệ sơn Xuân vọng vì một lí do tế nhị không tiện nêu ra đây. Đặc biệt là bác thương vợ lắm. Hồi bác gái mất, bác khóc ròng cả mấy tháng. Lưng còng xuống, người suy sụp hẳn đi. Đang nói chuyện, hễ nhắc đến bác gái là bác lại khóc như con trẻ. Những giọt nước mắt chảy trên đôi gò má nhăn nheo, đen xạm của người đàn ông 80 tuổi góa vợ, phải sống một mình làm chúng tôi cảm động. Tôi thấy ở bác một tình thương yêu vợ thật là sâu sắc và đáng trân trọng biết chừng nào.

Từ ngày bác gái mất, bác sống một mình. Ngôi nhà của bác ở sâu trong một khu vườn rộng. Cây cối um tùm rậm rạp tựa như rừng nguyên sinh. Bốn bề nương, tre mọc um tùm. Trong vườn, bồ kết, chuối sứ, chuối cau, chuối lào, chè, mít,cau, cam, ổi… mọc chen chúc.  Trước sân bác trồng cây cảnh nào lựu, hồng, si, mẫu đơn, hoa lan, hoa cúc… đặc biệt là khóm quỳnh xanh tốt được bác chăm sóc rất đặc biệt. Bác nhỏ nhẹ nói : “Tên bác gái cũng là Quỳnh con ạ”.  À, hóa ra bác rất yêu cây hoa quỳnh cũng là vì vậy.

Mùa hè vào khu nhà vườn của bác cảm thấy mát lạnh, có lẽ là mát nhất thôn Sỏi. Nắng thi thoảng mới lọt qua kẽ lá, nhìn lên thấy lộ ra những mảng trời xanh tựa như những con mắt đẹp. Bác Mai thuộc khá nhiều thơ, có 2 bài thơ, trong đó có một bài của Hồ Xuân Hương tôi nghe truyền miệng nhưng chưa được đọc ở sách nào cả (Hoặc do tôi chưa tìm thấy cũng nên) bác đọc cho chúng tôi nghe kèm theo sự tích của nó.

Bây giờ bác Mai không ở ngôi nhà đó nữa. Ở một mình quá buồn, bác đã vào Đà nẵng ở với con gái. Nhà bác bỏ không, cổng rào nè lại. Mỗi lần về quê, ghé qua nhìn vào nhà bác trống trải, thấy một nỗi buồn man mác trào dâng, khu vườn càng trở nên ảm đạm, lạnh lẽo làm sao, khu vườn mà  bác một mình sớm hôm đi về ở đó dáng cô đơn, buồn bã, liêu xiêu. Chúng tôi được bác kể cho nghe những câu chuyện thấm đẫm tình người ngay trên quê mình mà nếu không có người như bác kể lại thì tôi không bao giờ biết được. Chúc bác Mai mạnh khỏe và sớm trở lại quê nhà để được cùng bác uống rượu và bình thơ.


Video gặp gỡ Bác Mai vào một chiều cuối thu năm 2012

Bài 1. ĐÁNH CỜ NGƯỜI

Chàng và thiếp đêm khuya trằn trọc

Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người

Hẹn rằng đấu trí mà chơi

Cấm ngoại giới không ai được biết

Nào tướng sỹ bày ra cho hết

Trận này ta quyết chiến một phen

Quân thiếp trắng , quân chàng đen

Hai bên ra sức  chơi cho đỡ nứa

Mới vào cuộc chàng đòi nhảy ngựa

Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên

Hai xe hà chàng gác hai bên

Thiếp sợ bí thiếp liền gánh sỹ

Chàng lừa thiếp đang khi sơ ý

Đem tốt đầu dú dí vô cung

Thiếp đang mắc nước xe cùng

Nước pháo đổ đùng ra chiếu

Chàng bảo chịu thiếp rằng chưa chịu

Thua thì thua quyết níu lấy con

Khi vui nước nước non non

Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.


Bài 2. Nói về một chú bé người Cồn Vang rất thông minh. Chuyện rằng có cặp trai gái Bàu sỏi rất yêu nhau, buổi trưa rủ nhau xuống khu rừng Vườn Mộ Tổ tình tự. Không ngờ chú bé đi chăn trâu ngồi vắt vẻo trên ngọn cây thấy hết toàn cảnh. Xong việc vừa mới đi trong khu Mộ Tổ ra, đôi trai gái bị trương tuần bắt được,  giải về gặp lý trưởng. Chú bé cũng chạy theo xem. Lý trưởng tra hỏi hai người vào đó để làm gì?. Hai người không dám nói. Lý trưởng buộc tội họ vào ăn cắp đồ thờ tự ở Vườn Mộ Tổ. Khi đó chú bé mới xin thưa với lý trưởng là họ không ăn cắp, buộc tội thế oan cho họ. Lý trưởng quát :- Vậy mày biết gì, thấy gì thì nói ra đi. Không thì tao sai lính đánh toét đít. Chú bé lễ phép thưa , con thấy như sau:

Nam tự Đông vi lai

Nữ tự Đoài vi xứ

Nam xiết mộc vi sàng

Nữ cởi xiêm vi tịch

Nam quỳ như hổ phục

Nữ ngọa tựa long chầu

Kiến đắc bất kiên huyết

Tiền sơ sơ như hậu mật mật

Sự thật con xin tường .

Lý trưởng vuốt râu nghe, à à một lúc ra vẻ hiểu đầu đuôi câu chuyện rồi ra lệnh tha cho 2 người về. Đôi trai gái mừng lắm ôm hôn chú bé rồi  thưởng cho nó một chùm tắt đỏ mọng ngọt lừ. Nghe nói sau đó chú bé đỗ đạt làm quan to ở xứ người nhưng vẫn giàu lòng bao dung nhân ái, được dân vùng đó kính nể.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Lâm