Lê Khoa, một thiên tài thi ca đất Lệ

Đọc lại những bài thơ của cố nhà thơ Lê Khoa, một thiên tài thơ ca của Làng Lệ Sơn
Các bài viết cùng tác giả đã đăng:
1.Văn tế hồn liệt sỹ


Xin tạ lỗi với Người đã quá cố, khi viết ra những tâm sự này để chuyển đến độc giả của con em đất lệ đang sinh sống khắp mọi miền tổ quốc cũng như đang vật lộn với nắng gió quê nhà. Những ai sinh ra trên đất Lệ, trong thập kỷ 60 đến 70 của thế kỷ XX chắc ít nhiều đều viết đến hai nhân vật ứng khẩu thơ rất nhanh và sắc sảo, đó là Lê Khoa (cháu ông Thông Miện) sinh năm 1960 và Lê Cơ (không rõ năm sinh, Con ông Đào) cả hai đều ở thôn Xuân Tổng và cả hai đều trở thành người Thiên cổ.

Làng ta lắm nhân tài, nhất là thơ văn.Lê Khoa vốn rất thông minh, ai cũng biết, nhưng sự đời nhiều nỗi éo le, đẩy con người ta có tư tưởng tiêu cực và không ít người gắn cho biệt hiệu là “Khoa tàng”. Nhưng thơ của Lê  Khoa  nếu ai đã được nghe và đọc thì chắc sẽ nghĩ về anh theo một chiều hướng khác. Thường thường giới thi sĩ phải có cái gì đó khác mọi người chứ. Tài đối đáp có từ lúc cấp hai,  đánh con người ta bị người làng về méc lại ông nội, bị ông đuổi đánh, Lê Khoa nhảy qua hàng rào, thế là ông Thông Miện đành chịu, đứng bên hàng rào chỉ tay vào cháu và chửi: Đồ mất dạy…Lê Khoa ứng ngay:

 
Dẫu không dậy tiếng cũng lừng tên.
Bẻ gậy chống trời đã mấy phen.
Tiếc nỗi gươm mài chưa chọn đá,
Muôn đời chữ hận gối kề bên.

Những năm 1978-1979, trời hạn hán, phong trào thanh niên tổ chức tát nước cứu lúa, trong khi tát nước, thường thì mỗi cặp một nam, một nữ cùng tát với nhau, vừa  tâm sự cho đỡ mệt, Lê Khoa ứng ngay bài thơ Tát nước, có lẽ còn hay hơn nhiều so với bài Tát nước của nữ thi sĩ Hồ xuân Hương. Thơ của Bà tả cảnh tát nước nghiêng về nghệ thuật trào phúng nhiều hơn thực tế: Trời đang “Nắng cực” chửa mưa tè, rủ chị em ra tát nước khe, nếu nói đến khe thường mấy khi gần ruộng. Trong lúc đó Lê Khoa bám lấy người thực việc thực để ứng khẩu ngay: “Nắng cực” dân  tình khổ biết bao, rủ nhau anh chị xuống bờ ao. Bám lấy tình tiết trời nắng hạn, và ao thì bao giờ cũng liền ruộng, xuống ao lại có cả anh lẫn chị, ao vừa mát mẻ, tương phản với trời “nắng khổ”.Tưởng xuống bờ ao làm gì, ai dè: "Đôi chân chàng chạng tha hồ nhún, một mảnh khơi khơi thả cửa vào".

Đúng là tát nước thì chàng trai phải chạng chân ra mới tát được, con em LS ai cũng trải qua hoàn cảnh này rồi. Vừa tát vừa “cưa” giúp cho con người ta đỡ mệt, đạt năng suất cao, bốn mắt lại nhìn nhau liếc tình nữa chứ: Hạnh phúc bồi hồi theo nhịp thở, tương lai xán lạn ánh mắt trao. Dầm dề nước chảy, trời ơi sướng. Chỉ một lúc rồi, thoả ước ao. Bốn câu còn lại dành cho độc giả đánh giá vậy, nhiều lắm, còn nhiều lắm như Bài: Hai con chó yêu nhau. Trong lúc đi chặt củi Hung Tắt, gặp hai con chó yêu nhau giữa đường, trước sự thách đố của chúng bạn, thi sĩ Lê Khoa ứng ngay vần thơ vừa khôi hài, mang tính hiện thực, thói đời trớ trêu của con người, vừa cười ra nước mắt, nhưng có gì đó cũng chua cay lắm.

 
Mới trông qua tưởng là nó giận,
Nhưng ai ngờ nó vẫn thương nhau
Lưng quay, mặt ngoảnh hai đầu,
Lạ thay tình vẫn bắc cầu tương tư.
Tình của chó là như thế vậy,
Nghĩ con người mà thấy xót xa.
Ôm nhau chung thuỷ mặn mà,
Hễ quay lưng lại là tao với mày,
Ngu si xin vịnh mấy lời.

Thơ của Đăng Khoa khoảng trên dưới 40 bài, có nhiều bài nổi tiếng như Trèo eo, Cấy thảm, Lên trời, Văn tế Liệt sỹ…có lẽ số người ở thôn Phúc Tự còn nhớ nhiều, bởi thời gian ấy, hai vị này thường xuyên chơi thôn Phúc Tự. Có những bài rất hay, nghệ thuật đạt đến độ thăng hoa, nhưng hiềm nổi không hợp thời cuộc cho lắm, chỉ đọc mà nghe nhưng ai dám đăng lên báo được, đành rành đó là sự thực. có những bài rất mộc mạc mang hơi thở của người nông dân khi được mùa nhớ đến lúc thất bát, bài Cơm và sắn.
 
Cảnh đời khi sắn có khi cơm
Trưa luộc sắn rồi, tối nấu cơm.
Cơm hãy chuyên môn đừng luỵ sắn,
Sắn thời cam phận chẳng thèm cơm.
Mùa về bát đẫy cơm như sắn,
Giáp hạt vơi nồi sắn hoá cơm.
Chớ cậy cơm ngon khinh sắn dở.
Rủi thời sắn luộc quý hơn cơm.

Nếu không sống trong giai đoạn đất nước gặp khó khăn, thù trong giặc ngoài, không có tâm hồn thi sỹ thì làm sao có được những vẫn thơ hay đến thế, mang tính giáo dục rất cao. Một con người chưa lập gia đình mà nói lên được nỗi  đau thắt ruột của một người mẹ mất con  vì sự nghiệp bảo vệ tổ quốc trong bài Văn tế hồn Liệt sĩ; chưa được làm cha mà lại khơi được nỗi nhớ mong của một người cha khi phải sống xa con trong hoàn cảnh trớ trêu đó là cảnh ly hôn thể hiện trong bài:

                          CON ƠI  
             (Tặng cặp vợ chồng ly dị)

 
Non nửa đời cha phải chịu đắng cay,
Con một tuổi phải chia về bên ngoại.
Quê ngoại con là quê mẹ đấy,
Sao bây giờ cha bỗng thấy xa xôi.
Nhớ những ngày gió nỗi mưa rơi,
Nhớ những đêm mẹ hờn, con khóc.
Cha nâng niu chạy từng thìa sữa bột
Ấp ủ bên con hơi thở ấm trong lành.
Con đi rồi, cha thức với mênh mông.
Quờ cánh tay sang ôm giường chiếu rộng.
Võng cởi rồi, nhưng còn dây buộc võng,
Tiếng ..à..ơ.. vương vấn ở hai đầu.
Con xa tuần mà cha tưởng tháng lâu,
Con xa tháng tưởng năm dài đằng đẵng.
Ôi mái tóc con vàng như tơ nắng,
Đây môi con bập bẹ tiếng ầu ơ.
Con bỏ cha, về với mẹ với bà,
Tình quằn quạy lòng cha chia đôi ngả.
Nửa theo gió, nửa hờn căm khó tả,
Nửa muốn trao con hơi thở lời ru.
Uớc gì lòng con cũng biết phân chia,
Để thương cha để thương người buộc tệ.
Khổ một nỗi con còn thơ bé,
Có bao giờ con hiểu hết cha đâu?
Lúa khoai cha đã nên dòng sữa mẹ
Ai nên khôn chẳng một thời thơ bé,
Con lớn lên rồi con sẽ trách ai?

Thay cho lời kết phần này, xin trích dẫn câu thơ của Lê Cơ:

Thiên hạ họ bảo “Khoa Tàng”
Riêng Cơ Cơ nói cục vàng Lệ sơn.

Tác giả bài viết: Ngọc Long (Tổng hợp)