Thư của Mạ

Bài viết "Thư của Mạ" được trích trong truyện "Hoài niệm mẹ" do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành của tác giả Lương Duy Thắng
Lời tác giả: Nhân mùa vu lan báo hiếu, kính viếng hương hồn mạ tôi và bài viết này thay cho một bông hồng trắng cài lên ngực áo cho những ai không còn mẹ trên đời.

 Vào những năm giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt (khoảng 1967- 1972), quê tôi, một tỉnh ở miền Trung khu IV cũ, là mảnh đất hứng chịu nhiều thiên tai và bom đạn nhất cả nước. " Khổ đau không của riêng ai", nhưng hơn hết vẫn là những người phụ nữ. Những năm tháng đó, họ vừa là cha, vừa là mẹ nuôi dạy con cái, vừa bám ruộng đồng sản xuất và chiến đấu thay cho chồng, con đang ở chiến trường. Cũng như bao người đàn bà quê tôi lúc đó, mạ tôi cũng khổ cực trăm bề.

Ba tôi công tác xa nhà. Nhà tôi lần lượt tiễn anh trai rồi đến em gái tôi vào chiến trường. Tình thương yêu của mạ dành cho những người con đang đối mặt với mủi tên hòn đạn là những giây phút thẫn thờ khi nghe tin chiến sự, là những lời cầu nguyện cho người đi xa bình an vô sự. Còn đối với tôi, tình cảm đó có khác hơn, vì không phải lo lắng đến sự sống chết, nhưng nó có một cái gì đó thật đặc biệt mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in.

Hồi đó, sinh viên chúng tôi được nhà nước bao cấp hoàn toàn (học bổng 18.000 đồng một tháng), nhưng cũng thiếu thốn lắm vì không có tiền tiêu vặt. Một ly trà nóng, một thanh kẹo lạc bán ở chợ quê nơi sơ tán, cũng đi vào giấc mơ của lũ sinh viên bọn tôi. Mùa thi, học khuya, đêm lạnh, mắt hoa, bụng đói cồn cào là tình cảnh thường xuyên. Cũng như nhiều sinh viên khác, tôi viết thư về nhà xin tiền để ôn thi. Sau mấy ngày thấp thỏm chờ đợi, tôi cũng nhận được thư của ba tôi. Mừng vui, háo hức, nhưng sau đó là sự thất vọng dâng tràn khi đọc những dòng "lên lớp" của ông. Nào là "con được nhà nước nuôi ăn học…", nào là "quê ta khó khăn đói kém…", nào là "các anh em con và bạn bè cùng trang lứa đang ở chiến trường…con nên tự khắc phục"…Biết rằng ba nói đúng, tôi thoáng ân hận, nhưng cũng hơi buồn. Đến lúc không còn hy vọng gì sẽ nhận được tiền nữa thì bất chợt vài ngày sau, tôi nhận được giấy báo lĩnh tiền của bưu điện, mà người gửi lại là mạ tôi.

Qua khỏi phút giây ngỡ ngàng, mừng rỡ, tôi chợt chạnh lòng. Đối với gia đình tôi, đây là một số tiền lớn, có lẽ mạ đã dành dụm từng trăm một từ tiền bán buồng cau, nải chuối, từ con gà, rổ khoai…để có tiền gửi cho tôi. Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả là nét chữ lạ mà lần đầu tôi bắt gặp, những con chữ to, rời rạc, run rẩy của những người vừa qua lớp i, t. Có lẽ mạ đã hết sức cố gắng để viết ra những dòng nhắn gửi này trong phần dành để viết thư của giấy báo: "Mạ gửi cho con 8.000 đồng. Lo mà học con nhé!" " Ơi, mạ ơi!".

Tôi kêu lên vì cảm động. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ mạ tôi là người đàn bà quê lam lũ, sống cho chồng, cho con chứ đâu ngờ mạ cũng biết chữ, tôi chưa baogiờ thấy mạ đọc hay viết bất kỳ cái gì (mạ đâu có lúc nào rảnh rỗi). Thư của mạ chỉ hai dòng ngắn ngủi, chữ của mạ không đẹp nhưng tấm lòng của mạ thì vô cùng.

Lời nhắn gửi của mạ "Lo mà học con nhé" là động lực cho tôi suốt những năm tháng sinh viên và cho đến tận bây giờ, những khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống.

(Truyện đã in trong " Hoài niệm mẹ" Nhà xuất bản Trẻ, T.P Hồ Chí Minh – Năm 2005
)

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng