Trần Thị Tình

Giới thiệu một gia đình hiếu học của Làng Lệ Sơn, gia đình chị Trần Thị Tình, thôn Hà Thâu

Lời dẫn BBT: Có một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực đã chịu khó, chắt chiu sớm hôm để nuôi con ăn học nên người. Đó là gia đình chị Trần Thị Tình, một gia đình điển hình cho phong trào gia đình hiếu học ở Làng Lệ Sơn. Bài viết dưới đây của cô giáo Nguyễn Thị Kim An sẽ cho chúng ta thấy rõ điều đó.


Ai có dịp về thăm Lệ Sơn quê tôi mới hiểu hết đất hiếu học từ xưa đến nay. Một miền quê thuần nông nhưng rất đổi hiếu học. Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, đến xã nhà hiếu học trỗi dậy trên miền đất Quảng Bình.

Điển hình hiếu học của xã nhà thì không sao kể xiết, đó là gia đình Thầy Tâm, Thầy Ý, Thầy duyệt, Thầy Thịnh, Thầy Đệ, Thầy Thạch, Thầy Mân, Thầy Lim, Thầy Biền, Thầy lạc, Thầy Đoàn, Cô An, Thầy Hải Tâm, Cô Trúc, Thầy Xuân Quế...Là những gia đình Thầy Cô đã trãi qua 1 hoặc 2 cuộc chiến tranh, nay có Thầy Cô đã qua đời hoặc đã trở về sinh hoạt với hội cựu giáo chức xã Văn Hoá. Đến nhưng gia đình thuần nông, một nắng hai sương, chắt chiu hôm sớm để nuôi con ăn học thành tài đã trỡ thành gia đình hiếu học của Tỉnh nhà như gia đình cụ Lê Vũ, Cao Xuân Thảo, cụ Nguyễn Đang, chị Trần Thị Tình, Chị Nguyễn Thị Thảo...

Một điển hình nay còn để lại trong tôi sự trân trọng thương cả, và mến phục nhất mà tôi luôn lấy đó làm bài học để nhắc nhở giáo dục con cháu cũng như chị em lối xóm đó là gia đình hiếu học TRẦN THỊ TÌNH thôn Hà Thâu, xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá tỉnh Quảng Bình.

Hoàn cảnh nhắc đến ai cũng quá thương cảm; chồng chị là một giáo viên tiểu học đã từng làm quản lý các trường, song một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mệnh của anh - Bệnh ung thư gan. Đã điều trị nhiều bệnh viện nhưng không qua khỏi. Lúc anh lâm bệnh một mình chị nuôi 5 đứa con ăn học, lấy gì để thuốc thang cho chồng, nên chị đã nhờ đến lòng hảo tâm của đồng nghiệp huyện nhà hỗ trợ cho anh điều trị song đều bó tay. Chồng chị qua đời khi chị mới 42 tuổi, nợ nần chồng chất, 5 đứa con, 3 gái, 2 trai chăm ngoan học giỏi.

Ngoài những buổi đi học các cháu chăm lo chuyện đồng áng giúp mẹ, bao nhiêu năm chạy chữa cho chồng nay chị bị suy kiệt về thể lực, tụt huyết áp, người gầy yếu xanh xao, nhưng chị phải cố gắng nuôi con ăn học. Khi chồng mất, đứa con lớn mới học lớp 9, đứa thứ 2 lớp 7, đứa thứ 3 học lớp 3, và cặp sinh đôi học mẫu giáo. Suốt 8 năm tôi chủ nhiệm hai cháu Lê Thị Thu Hoài từ lớp 6 đến lớp 9, đến cháu Lê Đức Anh, Rất hiểu hoàn cảnh của 2 em, tôi động viên giúp đỡ coi 2 em như con của mình. Ngoài buổi học ở trường các em giúp mẹ cắt cỏ hái rau, làm ruộng, cháu nhỏ trông nhà.

Có lần cháu Đức Anh thổ lộ với tôi: Cô An ơi mẹ em vất vả quá có lẽ em phải nghỉ học thôi, vả lại em không có tiền nộp học phí...Thương em ngoan học giỏi, tôi giỗ dành em: Đức Anh ạ, thương mẹ em đền ơn mẹ là chịu khó cố gắng học tập, còn học phí cô sẽ nộp cho em, sau này nếu có điều kiện em gửi lại cô, không có thì cô giúp em, em đừng ngại. Từ đó Đức Anh nhận ra và chăm học hơn và càng gần gủi tôi hơn. Thấy các em làm việc suốt ngày giúp mẹ nhưng lúc nào cũng thuộc bài và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp, tổng kết cuối năm em nào cũng đạt kết quả cao trong học tập... Đức Anh bảo vì thương mẹ, để Ba an tâm dưới suối vàng các em đã thức khuya dậy sớm, Đức Anh và Hoài khi chăn bò mang sách theo học, chúng lấy kết quả học tập để động viên mẹ. Vì thương mẹ, chị gái đầu học xong lớp 12 đã vào Sài Gòn làm ăn, hỗ trợ mẹ nuôi các em ăn học tiếp. Cháu Hoài học xong lớp 12 cũng ở nhà vừa ôn thi vừa giúp mẹ công việc đồng áng. Năm học 2006-2007 Hoài đậu sư phạm Văn Đại học Quảng Bình.Năm học 2007-2008 Đức Anh thi đậu Đại học An ninh nhân dân, Hai anh em sinh đôi là Pháp và Mỹ đã lên học cấp 3, cả 2 học kỳ vừa qua đều đạt học sinh Tiên tiến.

Thật khó lòng quên được một gia đình quá neo đơn, vất vả, buồn khổ lại vượt lên số phận để nuôi dạy các con nên người. Ở Hà Thâu thôn tôi, cả xã Văn Hoá quê tôi ai cung tấm tắc khên các cháu con chị TÌNH vừa ngoan vừa giỏi, thật đúng là một gia đình hiếu học mà khuyến học tỉnh Quảng Bình khen tặng.

Thật vậy, một gia đình điển hình như bao gia đình hiếu học khác của một làng quê. Mong rằng các bậc làm cha, làm mẹ và học sinh phát huy để đất văn Hoá quê nhà ngày càng sáng mãi.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Kim An