Nhà báo Lương Duy Cường: Phần thưởng lớn nhất là được tự do cầm bút

Nhà báo Lương Duy Cường, người gắn bó với LLS ngay từ những ngày đầu thành lập. Nhân ngày 21/6 ngày báo chí cách mạng VN. LLS xin đăng tải 1 bài phỏng vấn nhà báo của tác giả Duy Khanh.
Sự nghiệp báo chí của anh như mặt nước sông Gianh, lúc phẳng lặng lúc gợn sóng lăn tăn. Làm báo tỉnh Bình Thuận lên đến thư ký tòa soạn, bỗng dưng suýt rẽ ngang làm giám đốc nông trường, rồi lại khăn gói vào Sài Gòn tiếp tục nghiệp báo ở Người Lao Động. Sau này anh làm trưởng ban công tác bạn đọc, có lúc làm cả trợ lý cho tổng biên tập rồi lại quay về với công việc của một biên tập viên.

PV: Anh hãy nói một chút về mình.

- Mình sinh ngày 2-9-1964 ở làng Lệ Sơn xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Cái làng nghèo vô địch nhưng đứng đầu trong nhóm “Bát đại danh hương” Sơn, Hà Thổ Cảnh… mà như nhà báo Binh Nguyên trong một phóng sự trên Báo Tuổi Trẻ chủ nhật có ghi nhận là cái làng có người đi làm giáo viên nhiều nhất nước và cũng là nơi đầu tiên của cả nước được công nhận xóa được nạn mù chữ ngay trong thời phong kiến. Vợ tôi là một cô giáo dạy văn cấp 3, có hai con trai ghiền đọc báo từ nhỏ nhưng bảo thi vào ngành báo chí thì lắc đầu liền không cần suy nghĩ. Sở thích của mình là được chu du khắp thiên hạ và lại quay về bù khú với những người bạn tâm giao. Công việc bây giờ của mình là một biên tập viên báo viết. Công việc của một biên tập viên thì chắc bạn đã rõ: nó giống như anh đầu bếp nấu nướng kiểu gì cũng khó làm vui lòng thiên hạ.

Anh yêu gì và ghét gì, sao vậy?

- Tôi yêu sự thẳng thắn vì sự thẳng thắn làm cho sự thật rất nhanh chóng được khẳng định. Tôi ghét xu nịnh vì đằng sau nó là sự xảo trá.

Những tác phẩm văn học mà anh thích?

- Tôi thích Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Alexeevich Ostrovsky (Nga). Nhân vật chính Paven Coocsaghin trong cuốn này đã nói một câu bất hủ: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”.

Sự kiện nào đẩy đưa anh vào nghề báo?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng tuyến lửa “chó ăn đá gà ăn sỏi” và nếu nhớ không nhầm thì khi vào đến Huế để học đại học mới biết người ta có bán báo và mình được mua báo để đọc, lại có cả báo hình. Còn suốt thời nhỏ chỉ biết nghe radio mà cũng không biết đấy là báo nói. Nhưng lúc nhỏ tôi thấy có những chú bộ đội không biết sợ B52 là gì, cứ vác máy ảnh xông ra giữa bom đạn để chụp đội tự vệ của mẹ tôi nhắm mắt nã 12 ly 7 lên trời đuổi máy bay Mỹ, rồi vài ba hôm các chú lại cho nghe bản tin phát trên đài thì tôi khoái lắm. Chúng tôi cứ lóc cóc chạy theo các chú dù lắm bận bị mẹ cho ăn no đòn. Lớn lên tôi mới biết các chú ấy là nhà báo, là phóng viên chiến trường. Hình ảnh các chú ấy cứ ám ảnh tôi và tôi mong có ngày mình cũng được đi như các chú ấy để viết bài ca ngợi quê hương tôi với những con người nghèo khó mà anh hùng như mẹ tôi.

Tại sao anh lại có quyết định vào Sài Gòn làm báo, trong khi với anh đây là vùng đất mới và gia đình, vợ con đang ổn định công tác, học tập tại Phan Thiết, Bình Thuận?

- Tôi từng làm báo suốt dọc từ Bình Trị Thiên trở vào nhưng cuối cùng quyết định ở lại với TP.HCM, vì chỉ ở đấy thì những gì gọi là chút khả năng thiên bẩm làm báo của tôi mới thực sự có đất dụng võ. Nếu được làm lại từ đầu tôi vẫn chọn TP.HCM dù việc làm báo ở đây, như bạn thấy đấy, nó khốc liệt vô cùng nhưng vinh quang không kém. Vả lại, tôi cần có một môi trường thỏa thích việc học hành, viết lách và cả… kiếm ra tiền nhờ viết lách. Nếu có tài làm báo thì vứt ra ngoài đảo vẫn sống khỏe với nhuận bút chứ cần gì Sài Gòn?

Được biết anh là nhà báo từ phóng viên đi lên đến thư ký tòa soạn rồi trở lại phóng viên và đi lên. Anh có những vui buồn gì không?

- Nhiều chuyện vui buồn kể sao xiết, nhưng kể một chuyện này cũng thấy vui nhé: Khi làm báo của thời bao cấp, viết báo không có nhuận bút, để có tiền đi cưới vợ tôi đã nghĩ ra cái trò ôm báo đến từng sạp hàng ở chợ Phan Thiết để bán thử. Hồi đó đang lúc huê hụi bể khắp nơi mà bà con tiểu thương lại khoái ba cái vụ này lắm. Thế là tôi bán có khi được cả ngàn tờ báo chỉ trong vòng chừng một tiếng đồng hồ. Lúc đầu có hơi mắc cỡ nhưng dần dần thấy “tiền vào như nước” thì tôi ngộ ra rằng đi viết báo và bán báo mình viết thì chẳng có gì phải xấu hổ. Đến lúc phát hiện ra tôi “tiền vô như nước” anh em họ học theo đến nỗi về nhà in chờ để giành nhau từng tờ báo, vui quá trời.

Còn chuyện này thì dân ở xã Suối Kiết (Tánh Linh, Bình Thuận) hẳn nhiều người chưa quên: Ấy là thời kỳ 1991-1992, tôi nằm vùng thâm nhập ga Suối Kiết để viết phóng sự điều tra Sân ga - Chợ gỗ, nói về việc buôn lậu gỗ qua đường sắt. Tôi lân la ở đó suốt một tuần thì bị lộ. Giữa một buổi trưa nắng như lửa đốt, nhóm lâm tặc chặn tôi lại giữa sân ga. Tôi hồn xiêu phách lạc vì ga này nằm giữa rừng không mông quạnh chẳng biết cầu cứu ai. Sau khi gầm gừ với tôi một hồi, một tên bụng bự như heo, chỉ mặc độc cái quần xà lỏn, hơi thở nồng nặc mùi rượu, tay cầm theo con dao gọt trái cây của Thái Lan, xông đến gí tay vào mặt tôi: “Bọn tao lấy của rừng việc đếch gì tới bọn mày. Mày biết máu màu gì không”. Hắn vừa nói vừa rạch một đường ngọt xớt vào cái bụng bự chảng đầy râu của hắn. Tức thì một khúc ruột lòi ra. Hắn nhăn nhở cười còn tôi thì hồn vía lên trời. Rồi tôi cũng được tống khứ ra khỏi sân ga sau khi nhận đủ thứ lời đe dọa. Hóa ra chúng biết quá rõ về nơi ăn ở sinh hoạt của gia đình tôi. Ba ngày sau, bưu điện chuyển đến cho tôi một bức thư, mở ra chỉ vỏn vẹn có một lưỡi dao lam. Khiếp quá, tôi bèn nói khéo để vợ con tôi chịu bỏ nhà vào tá túc trong khu tập thể trường nơi vợ tôi dạy học.

Anh thân tình với những nhà báo dạng nào?

- Tôi thân tình và luôn kính trọng những đồng nghiệp mà khi viết báo thì quên chuyện tiền còn khi kiếm tiền thì quên chuyện báo.

Anh nghĩ về nghề báo như thế nào?

- Với tôi, nghề báo như một nghiệp chướng và là một thứ để mà thờ phụng. Giá mà có tiền để viết báo chỉ vì mình muốn viết chứ không lăn tăn chuyện nhuận bút nhuận biếc thì thú vị vô cùng.

Anh ấn tượng nhất là nhà báo nào và tờ báo nào? Vì sao? Anh cho một số ví dụ.

- Tôi ấn tượng nhất là ông Lý Sinh Sự (Lao Động) và anh Võ Đắc Danh (trước ở NLĐ với tôi). Ông Sự viết báo cà rỡn mà máu lửa, đọc khơi khơi mà thâm thúy, trí tuệ. Anh Danh thì nghèo rớt lại bệnh tật suốt đời thế mà cứ dấn thân và dấn thân. Tôi gọi họ là những “vĩ nhân nông dân” của nghề báo. Họ không đao to búa lớn mà nhìn cách họ làm báo và đọc những bài báo của họ là mình kính nể ngay.

Anh cho biết cụ thể công việc hiện nay của anh?

- Công việc hiện nay của tôi là một biên tập viên thời sự. Nhiều người bảo đó là công việc khổ cực nhất của nghề báo. Công việc cứ như một anh đầu bếp, xào nấu giỏi kiểu gì cũng vẫn bị thực khách chê ỏng chê ẹo. Công việc của mỗi ca trực là làm sao để xử lý tốt nhất thông tin từ các nguồn để ngày mai, khi phát hành rồi thì có càng ít càng tốt số độc giả phản hồi mắng vốn là tốn tiền mua phải hàng dỏm. Mà họ mắng cho cũng còn may chứ im lặng và tẩy chay tờ báo thì… đói.

 

Tác giả bài viết: Duy Khanh