Lê Huệ - Môt vị Quan thanh liêm, một danh Thần trung nghĩa

Dù chỉ vẻn vẹn 5 năm làm quan nhưng Cố Lê Huệ đã tạc nên một “bức tượng đài lý tưởng về người công bộc của nhân dân thời phong kiến”. Lê Huệ xứng danh là người anh hùng - danh thần trung nghĩa trong xã hội cũ. Sự hy sinh vì nghĩa của Lê Huệ đã góp phần hun đúc nên truyền thống cao đẹp của con người Lệ Sơn. Cố Lê Huệ mãi mãi là tấm gương bất khuất, kiên trung tuyệt vời cho các thế hệ con em Lệ Sơn học tập.
Bài viết cùng tác giả đã đăng:
1. Lê Di - Một danh nhân người Lệ Sơn được cấp 8 sắc phong và cũng là nhân vật được chép vào Nhất thống chí và Chính biên liệt truyện của triều Nguyễn (Phần 1)

2. Lê Di - Một danh nhân người Lệ Sơn được cấp 8 sắc phong và cũng là nhân vật được chép vào Nhất thống chí và Chính biên liệt truyện của triều Nguyễn (Phần 2)
 
LÊ HUỆ - NGƯỜI XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN VINH LÀ MỘT DANH THẦN TRUNG NGHĨA

      Cố Lê Huệ còn có tên Lê Thời Huệ, là bậc tiền bối đời thứ 11 của họ Lê ở Lệ Sơn. Cố Lê Huệ là hậu duệ trong chi cố Lê Hùm - con trai thứ sáu của Ngài Lê Văn Hành - vị Tiền hiền khai canh làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Mặc dù chỉ là một làng quê ở miền trung du giao thông  cách trở nhưng Lệ Sơn là sớm nổi tiếng là một làng hiếu học. Dưới triều Nguyễn, hầu như khoa nào cũng có người Lệ Sơn đi thi.

Nhưng phải đến khoa thứ ba (năm 1819), Phan Nhật Thạnh và Lê Huệ mới là những người đem vinh quang về cho Lệ Sơn. Hai ông lần lượt thi đỗ thứ tư và thứ năm trên tổng số 17 cử nhân ở trường thi Trực lệ (Thừa Thiên). Lê Huệ trở thành một trong hai vị Đồng khai khoa cho làng Lệ Sơn trên con đường cử nghiệp thời Nguyễn.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện tập IV của triều Nguyễn chép: “Lê Huệ người huyện Minh Chính, tỉnh Quảng Bình, đỗ Hương tiến (Cử nhân) năm Kỷ Mão Gia Long thứ 18 (1819). Hồi đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820) được bổ làm Tri huyện Thụy Anh (nay là huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình). Huệ ở đây chăm việc nuôi dân, cốt trừ bỏ hoạn nạn cho dân. Mùa xuân năm thứ 5 (1824), Huệ nhân đi đốc thuế trong huyện, đến ấp Trà Khúc bổng do thám ra đảng cướp đang âm mưu đoạt lại thuế. Đồng đảng cướp kéo đến như ong. Mọi người toan đưa Huệ tránh đi nhưng Huệ không động cựa, rồi mang đinh tráng ra sức chống cự, bèn bị giặc hại. Khi giặc chực đâm Huệ thì bị người tùy lệ của Huệ là Bùi Văn Giảng 4 lần lấy thân che đỡ cho Huệ, giặc bèn giết cả. Con ngựa của Huệ cưỡi, giặc bức bách đem cưỡi, nó không chịu đi, giặc đánh bị thương ở lưng. Ngựa liền trốn đi sau lại trở về chỗ Huệ chết, phục đất mà kêu rồi mấy ngày sau cũng chết. Người ta lấy làm cảm động sự trung nghĩa đó. Việc tâu lên vua lấy làm khen ngợi, truy tặng là Đồng Tri phủ. Quan huyện sau nhớ đến sự oanh liệt dựng đền thờ. Tự Đức năm thứ 11 liệt thờ vào Trung nghĩa từ”[1; 383-384].

        Sách Đại Nam nhất thống chí tập II, trong phần nhân vật chí cũng dành một đoạn để chép về cố Lê Huệ như sau:

      “Lê Huệ người huyện Minh Chính, đỗ Hương Cống khoa Kỷ Mão đời Gia Long, làm Tri huyện Thụy Anh, năm Minh Mệnh thứ 5 đi đốc thuế ở xã Trà Khúc, bắt được một tên cướp, bọn cướp xông đến bao vây, Huệ đốc suất thuộc binh chống cự, vì không đủ sức nên bị cướp bắt, Huệ mắng chửi bọn cướp  không chịu khuất phục, bị giết, tặng Đồng Tri phủ, năm Tự Đức thứ 11 (1858) liệt thờ ở đền trung nghĩa” [2; 77].

       Những đoạn tư liệu ít ỏi nói trên cũng gúp chúng ta thấy được phần nào nhân cách can trường bất khuất của cố Lê Huệ. Tấm gương anh dũng kiên cường bất khuất; sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ chính nghĩa của cố Lê Huệ thật là hiếm có. Tư liệu còn cho chúng ta thấy rằng Lê Huệ cũng là một vị quan thanh liêm, mẫn cán với công việc, sẵn sàng đấu tranh loại trừ cái ác để bảo vệ nhân dân. Việc người tùy lệ 4 lần xã thân đỡ ngọn giáo của bọn cướp che chở cho Lê Huệ càng làm ngời lên tình nghĩa giữa hai người. Hành động xã thân để bảo vệ chủ của người lính lệ chứng tỏ anh lính này đã coi Lê Huệ như cha mình. Phải chăng trong thời gian cùng phục vụ triều đình Lê Huệ đã giành cho người lính của mình sự thương yêu, lòng nhân ái vô bờ thì mới khiến cho kẻ bề tôi cảm phục đến mức không ngần ngại xả thân cứu chủ. Hình ảnh con ngựa tìm tới mộ Lê Huệ phục đất kêu rồi chết theo chỉ có thể giải thích rằng thường ngày Lê Huệ cũng đã giành cho con vật đó một tình thương bao la.  

        Dù chỉ vẻn vẹn 5 năm làm quan nhưng Cố Lê Huệ đã tạc nên một “bức tượng đài lý tưởng về người công bộc của nhân dân thời phong kiến”. Lê Huệ xứng danh là người anh hùng - danh thần trung nghĩa trong xã hội cũ. Sự hy sinh vì nghĩa của Lê Huệ đã góp phần hun đúc nên truyền thống cao đẹp của con người Lệ Sơn. Cố Lê Huệ mãi mãi là tấm gương bất khuất, kiên trung tuyệt vời cho các thế hệ con em Lệ Sơn học tập.

Tài liệu tham khảo
  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện tập IV (bản dịch Viện Sử học), NXB Thuận Hóa, Huế, 1993
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập II (bản dịch Viện Sử học) NXB Khoa học Xã hội, HN, 1970
  3. Ban Lễ nghi Lê tộc đại tôn Lệ Sơn, Gia phả Lê tộc đại tôn (bản dịch năm 1971)

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại (Tiêu đề do BBT đặt)