Hoàng Sâm - một vị tướng tài năng

Tư liệu về Thiếu tướng Hoàng Sâm của Bộ tư lệnh quân khu 4. Bài viết của tác giả Lê Việt Bình
Có một dòng họ trong Bát đại tính của làng Lệ Sơn, ngôi làng nổi danh văn vật đất Quảng Bình từ hàng trăm năm trước nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Dòng họ mà cụ Tổ là Thầy đồ Trần Cảnh Huống, Hậu duệ của danh tướng Trần Nguyên Hãn và đồng chí Hoàng Sâm - người Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - vị tướng nhiều tài năng, huyền thoại.

Đồng chí Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông nội là Trần Hách sinh được hai người con trai: Trần Ngổng và Trần Hạc. Ông Trần Ngổng có 3 người con là: Trần Văn Kỳ (Hoàng Sâm), Trần Khôi và Trần Khoa. Cả ba người con của ông Trần Ngổng đều trở thành những cán bộ ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong đó, có vị tướng tài ba Hoàng Sâm.

 
Đồng chí Hoàng Sâm (bên trái) và đồng chí Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc năm 1947. Ảnh: tư liệu
Năm 1927, khi mới 12 tuổi, đồng chí đã theo bố, mẹ sang sinh sống ở Thái Lan. Khi đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Châu Âu về Thái Lan hoạt động lấy tên là Thầu Chín. Qua hoạt động, thấy bé Kỳ còn ít tuổi nhưng sáng dạ, nhanh nhẹn nên Người đã chọn làm liên lạc viên. Hơn một năm, Trần Văn Kỳ theo Thầu Chín đi khắp các tỉnh trên đất Thái, vừa làm, vừa học và tham gia rải truyền đơn, vận động bà con Việt kiều tham gia phong trào yêu nước. Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Thái Lan đi Trung Quốc để tổ chức Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam, Trần Văn Kỳ ở lại tiếp tục học văn hóa. Đến năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản, rồi sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách địa điểm liên lạc, in, phát truyền đơn. Bị mật thám bắt giam và trục xuất khỏi đất Thái nhưng Trần Văn Kỳ không trở về quê hương Quảng Bình theo lệnh trục xuất mà tìm đường trốn sang Trung Quốc. Ở nhà, bọn mật thám đã bắt và thủ tiêu bố của đồng chí. Mùa thu năm 1940, Trần Văn Kỳ cùng một số đồng chí sang Tĩnh Tây tìm bắt liên lạc với cấp trên đã tranh thủ học ở trường quân sự của Trương Bội Công. Tại đây, các đồng chí Cao Bằng đã bắt liên lạc được với trên và cũng tại đây Trần Văn Kỳ gặp lại Thầu Chín (Nguyễn Ái Quốc) và được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm.

Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó (Cao Bằng) lãnh đạo cách mạng. Tháng 5 năm ấy, Hoàng Sâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng đầy nguy hiểm do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao là đón các đại biểu về dự Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp tại Khuổi Nậm. Cuối năm 1941, Đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập ở Pác Bó gồm 12 người do đồng chí Lê Thiết Hùng làm Đội trưởng, đồng chí Lê Quảng Ba làm Chính trị viên và Đội phó là đồng chí Hoàng Sâm (nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang sau này).

Hoàng Sâm còn có bí danh là Trần Sơn Hùng nổi tiếng cả vùng Cao Bằng là người gan dạ, bắn súng bằng hai tay, có biệt tài phi ngựa và thông thạo tiếng Trung. Bọn trùm phỉ nghe danh cũng phải kiêng nể nhưng lại muốn thi gan, đọ tài. Trùm phỉ Lý Xíu đã mời ông Trần (Hoàng Sâm), ông Lê (Lê Quảng Ba) lên Lũng Nặm nơi sào huyệt của chúng để uống rượu thi bắn súng, không được đem theo quân cơ. Hai ông nhận lời và cưỡi ngựa vào tận sào huyệt bọn phỉ. Quả như lời đồn, gan và tài của ông Trần có một không hai - oai phong cả vùng Cao Bằng.

Nhờ những hành động kiên quyết, khôn khéo và bằng tài năng của mình, Hoàng Sâm đã hạn chế được sự phá phách của thổ phỉ, nhân dân tin tưởng vào cách mạng, các Hội cứu quốc theo Việt Minh ngày càng phát triển. Chính vì vậy mà uy tín của đồng chí với đông đảo đồng bào dân tộc ở đây rất lớn và mãi còn in đậm trong tiềm thức của người dân Tây Bắc. Từ giữa năm 1943, Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức bảo vệ các tổ xung phong Nam tiến, chỉ huy đội vũ trang "hộ lương, diệt ác" trừng trị bọn việt gian phản động và các nhóm quân Pháp đang gây tội ác ở Nguyên Bình, Ngân Sơn.

Để sẵn sàng chuẩn bị lực lượng vũ trang cách mạng cho tổng khởi nghĩa, theo Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Sam Cao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) được sự ủy nhiệm của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt nam ngày nay. Đội có 34 người, họ là những chiến sĩ ưu tú, dũng cảm, kiên cường được lựa chọn từ các đội du kích Cao- Bắc- Lạng và một số đồng chí đi học nước ngoài về. Trong 34 cán bộ, chiến sĩ của đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên đó, có 3 người con Quảng Bình. Và một trong 3 người Quảng Bình được chỉ định làm đội trưởng - đó là đồng chí Hoàng Sâm, sau này là Thiếu tướng Hoàng Sâm.

Vừa tuyên truyền xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, vừa đánh giặc, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày càng phát triển lớn mạnh không ngừng. Một tuần sau khi thành lập, đồng chí Hoàng Sâm đã chỉ huy đánh thắng 2 trận đầu vang dội: Phai Khắt và Nà Ngần, tiếp đến chỉ huy đánh trận Đồng Mu. Đội mở rộng thành Đại đội. Một thời gian sau, Đại đội phát triển thành Chi đội (tương đương Tiểu đoàn), đồng chí Hoàng Sâm làm Chi đội trưởng. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, đồng chí tham gia xây dựng và bảo vệ khu giải phóng, chỉ huy đánh quân Nhật ở Thái Nguyên. Đánh thắng quân Nhật, Chi đội trưởng Hoàng Sâm được lệnh của đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Chi đội của mình tiến về Vĩnh Yên diệt bọn Việt Nam Quốc dân Đảng phản động Đỗ Đình Đạo. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Trung ương Đảng, Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa một số đơn vị quân đội và nhiều cán bộ lên Tây Bắc xây dựng chính quyền cách mạng và đánh địch. Năm 1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập do đồng chí Hoàng Sâm trực tiếp làm Chỉ huy trưởng. Sau đó, đồng chí Hoàng Sâm còn làm Khu trưởng Chiến khu II, rồi Chiến khu III. Các đơn vị vũ trang tuyên truyền Tây tiến đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì vậy, đã có nhiều câu chuyện như huyền thoại về tài năng quân sự của đồng chí Hoàng Sâm được bộ đội Tây tiến và bà con các dân tộc Tây Bắc khâm phục, truyền tụng.

Ngày 1 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm cấp tướng đợt đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 11 người thì có 2 người quê ở Quảng Bình là đồng chí Võ Nguyên Giáp được nhận cấp hàm Đại tướng và đồng chí Hoàng Sâm được nhận cấp hàm Thiếu tướng. Sau này, đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, là phái viên của Bộ tham gia chiến dịch với các Đại đoàn 312, 304 và mặt trận Trung Lào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí tiếp quản Hải Phòng, rồi làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Tư lệnh Quân khu III. Từ năm 1962, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm chuyên gia quân sự cho nước bạn Lào với bí danh Chăn-đi cùng tướng Lê Chưởng. Với phẩm chất, đạo đức cách mạng được Trung ương Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, cùng những đóng góp tích cực, hiệu quả trong thời gian làm chuyên gia quân sự, Thiếu tướng Hoàng Sâm được các đồng chí lãnh đạo nước Bạn hết sức tin cậy và kính trọng.

Hoàn thành nhiệm vụ về nước chưa được bao lâu, đồng chí được cử làm Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên, một chiến trường cực kì nóng bỏng và ác liệt. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Hoàng Sâm tiếp tục ra trận và đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Trị - Thiên vào cái năm Mậu Thân bi tráng ấy (ngày 15-12-1968) khi vừa tròn 53 tuổi. Bạn bè, đồng đội thương tiếc đồng chí vô hạn, một vị tướng tài, một vị chỉ huy mưu trí, dũng cảm và hết lòng thương yêu bộ đội. Đất nước ghi ơn làng Lệ Sơn đã sinh ra và dâng hiến cho quân đội một vị tướng can trường. Cả cuộc đời đi theo cách mạng, từ lúc biết làm giao liên đến khi trở thành tướng lĩnh, đồng chí Hoàng Sâm đã có 41 năm liên tục công tác và chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí được Đảng và Quân đội trao cho nhiều trọng trách trong lực lượng vũ trang. Năm 1999, Thiếu tướng Hoàng Sâm được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên của đồng chí được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt cho một con đường ở phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy - Hà Nội.

Hoàng Sâm là vị tướng tài ba, người học trò được Bác Hồ tin cậy và quí trọng, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin yêu. Qua hoạt động cách mạng, qua khổ luyện và những năm tháng lăn lộn, đổ máu trên nhiều chiến trường mới trở thành một cán bộ văn, võ song toàn. Cuộc đời và những đức tính bình dị, sống có nghĩa có tình, thương yêu bộ đội của đồng chí Hoàng Sâm được cán bộ, chiến sĩ tin yêu, nhân dân mến phục. Tài thao lược, giỏi đối ngoại, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, tất cả vì nghĩa lớn, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc. Đúng như lời đồng chí đã nói với cộng sự: "Khi gặp sự đen tối phải dám vượt qua với tinh thần mạnh bạo và dũng cảm. Có vậy mới chiến thắng!".
 

Tác giả bài viết: Lê Việt Bình