Phạm Thị Hy

Giới thiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người Lệ Sơn Phạm Thị Hy
Lời BBT: Chuyên mục Người Lệ Sơn xin giới thiệu chân dung Mẹ Phạm Thị Hy, một người Mẹ Lệ Sơn bình dị nhưng hình ảnh về đức hy sinh cao cả của Mẹ mãi là hương trầm, tỏa hương thơm ngát. Câu chuyện về Mẹ là một bản trường ca đầy nước mắt, Mẹ đã biến nỗi đau thành ý chí căm thù, sống kiên cường bất khuất, suốt một cuộc đời trung thành với cách mạng. Mẹ nay không còn nữa, nhưng những thành tích anh hùng của mẹ Phạm Thị Hy vẫn còn sống mãi với bà con quê hương Làng Lệ Sơn.
 

Mẹ sinh ra và lớn lên bên bờ sông Gianh hiền hoà, thơ mộng. Cũng như bao cô gái làng khác, Mẹ chăm chỉ, hiền lành, nết na. Ngày Mẹ cưới chồng không có gì hơn chẽn cau tươi với bát nước chè xanh. Về nhà chồng, Mẹ sống chan hoà tình làng nghĩa xóm. Ngày ấy, trước Cách mạng Tháng tám  quê Mẹ nghèo  lắm,  những mùa giáp hạt đến người ta phi vào rừng đào củ mài,  lên Cao Mại, Minh Hoá và có khi sang cả Lào mua sắn, khoai trừ bữa. Trong một lần trên đường sang Lào tìm cái ăn cho cả nhà, Mẹ đã chuyển dạ sinh ra đứa con trai. Vài năm sau chồng mẹ đã lâm bệnh nặng và qua đời. Khi đó Mẹ còn trẻ lắm, chỉ mới ngoài hai mươi, nhiều người sau đó tìm đến với Mẹ muốn cùng đi thêm bước nữa nhưng Mẹ đã khéo léo  từ chối. Thương con Mẹ muốn ở vậy một mình nuôi con khôn lớn.

Những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, Mẹ cùng bà con quê hương hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh, tham gia vào đoàn quân khởi nghĩa với cuốc, xẻng, gậy gộc lên cướp chính quyền ở xã rồi ỏ huyện tháng lợi. Những năm kháng chiến chống Pháp, quê Mẹ ở trong vùng ranh giới giữa vùng chiến khu Tuyên Hoá và vùng tạm bị chiếm Qung Trạch nên là điểm nóng với các cuộc càn quét của địch lên chiến khu. Mẹ đã tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc cùng bà con vót chông, đào hầm,  rào làng chiến đấu và đã nhiều lần ngăn cản bước tiến của địch lên vùng tự do, bảo vệ các cơ quan kháng chiến của tỉnh Quảng Bình. Lúc đó đứa con trai duy nhất của mẹ- anh Nguyễn Tấn- đã tròn mười tám tuổi, anh xin Mẹ cho anh tham gia nhập ngũ trong đợt tổng động viên thanh niên lên đường. Mặc dù Đảng và Nhà nước có chính sách ưu tiên cho những gia đình chỉ có con duy nhất  nhưng Mẹ vẫn đồng ý và động viên  anh lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Anh Tấn đi rồi, mái nhà Mẹ  không đơn chiếc mà lại rộn ràng tiếng cười nói của bộ đội và dân quân bởi nơi đây trở thành điểm tập kết chuẩn bị cho lực lượng ta tiến xuống giải phóng các vùng tạm chiếm. Mẹ hăng hái cùng chị em phụ nữ gói mắm đùm cơm cho bộ đội tiến xuống giải phóng đồn Tiên Lệ, đồn Chợ Cà, đồn Minh Lệ của thực dân Pháp.

Rồi một hôm anh Tấn đột ngột về thăm Mẹ. Anh về giữa đêm khuya của một ngày cuối năm. Đơn vị anh có lệnh chuyển quân từ mặt trận Lào sang chiến trường phía Nam nên anh xin phép cấp trên ghé qua nhà thăm Mẹ. Anh về vội vã trong chốt lát rồi ra đi không đủ cho Mẹ ấm lòng. Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng Mẹ được thấy mặt đứa con duy nhất thân yêu của Mẹ. Anh ra đi, chiến đấu và đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Trị - Thiên vào đông xuân 1953-1954. Ngày nhận được giấy báo tử, Mẹ đau thương đến lặng người nhưng Mẹ không khóc. Mẹ biết không chỉ mình con Mẹ mà còn nhiều thanh niên trai làng khác còn phải lên đường vì quê hương chưa giải phóng.

Một trong những câu chuyện thể hiện tấm lòng vị tha bao la của Mẹ anh hùng là hành động nhường cơm cho tù binh Mỹ. Vào những ngày cuối năm 1970, lực lượng dân quân xã Văn Hoá bắt được một số lính Mỹ nhảy dù xuống vùng núi thuộc phía đông huyện Tuyên Hoá. Mẹ đã nấu cơm và lấy chăn nhà mình trùm ấm cho tù binh Mỹ. Mẹ nói “ Dù là kẻ thù nhưng họ cũng là con người”.

Ngày đất nước thống nhất Mẹ không còn nữa, những thành tích yêu nước của Mẹ được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt nam anh hùng. Chiều nay chúng tôi về thăm Mẹ, nhìn ngôi mộ Mẹ vừa được quét vôi trắng, nằm nghiêm trang trong nghĩa trang liệt sỹ xã Văn Hoá mà biết ơn và cảm phục vô cùng đức hy sinh cao cả của Mẹ Việt Nam anh hùng.

Tác giả bài viết: Lê Anh Tuân