Những công bố quan trọng rút ra nhờ tìm hiểu nội dung địa bạ Lệ Sơn Hạ

Những công bố quan trọng của nhóm thực hiện công trình Địa chí Làng Lệ Sơn về một số thông tin liên quan đến lịch sử hình thành địa danh Lệ Sơn Hạ
Bài viết liên quan đã đăng:
1. Một vài thông tin về tiến độ thực hiện Địa chí làng Lệ Sơn

 
MỘT SỐ THÔNG TIN QUAN TRỌNG RÚT RA NHỜ TÌM HIỂU NỘI DUNG ĐỊA BẠ LỆ SƠN HẠ

 1. Thông tin về thời gian

    Địa bạ Lệ Sơn Hạ Trang xã được lập vào “Gia Long thập tam niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhật” tức là ngày 20 tháng 12 năn 1814. Từ thông tin này chúng ta có cơ sở khoa học để kết luận làng Lệ Sơn Hạ đã tồn tại song song với Lệ Sơn Thượng ít nhất là 200 năm (bổ sung thêm phát hiện mới của tác giả Lê Hồng Vệ khi đưa ra mốc thời gian trên dưới 130 năm).

 2. Thông tin về tên Lệ Sơn Hạ

    Trang 4 Địa bạ có ghi tên xã trong câu được phiên âm “Quảng Trạch phủ, Bố Chính châu, Lệ Sơn Hạ Trang xã”. Đại diện cho Hội đồng kỳ hào xã gồm: Xã trưởng: Hà Đôn, Hương mục: Hà Kỳ Nghị; đồng Xã trưởng: Lê Kim Oanh cùng nhân dân chứng kiến. Trang 14 b ghi: Địa bạ được sao vào “Minh Mạng thập nhị niên, lục nguyệt, thập nhị nhật” tức là ngày 12 tháng 6 năm 1831. Trang 15 ghi: “Tự Đức nhị thập lục niên, bát nguyệt nhật tuân chuẩn tái sao lưu điển” Là được tái sao vào ngày 8 tháng 8 năm Tự Đức thứ 26 (1874). Ở trang 15 có dấu của Triều đình; Điều này chứng tỏ đây là một tài liệu có tư cách pháp lý để khẳng định sự tồn tại của 2 làng Lệ Sơn thượng hạ. Từ đó có thể khẳng định: số liệu thống kê các làng xã trong  Ô châu Cận lục của Dương Văn An là chính xác để loại trừ sự nghi ngờ như một số người đã từng đặt ra rằng “Ô châu cận lục được viết dựa trên sự ghi chép của hai nhân vật vô danh nên không đủ tin cậy”.    

  3. Thông tin về ranh giới làng Lệ Sơn hạ

    Trang 12b ghi: Nhất bản xã địa phận một khoảnh thượng đồng Cửa Đình, thượng đồng Bình Ơn, thượng đồng Cồn Trót, hạ đồng Trung Hạ... thượng đồng Cửa Kho, thượng đồng chú Tầm, thượng đồng Cồn Trôi... Đông cận bản châu tổng, Vịnh Giao xã (Lạc Giao), xã địa có đá làm phân giới. Tây cận bản châu tổng, Lệ Sơn Thượng xã, phân nhị xã tịnh lập mộc(lấy cây trồng làm mốc) và lấy Khe nhỏ làm giới hạn. Bắc cận bản châu tổng Lệ Sơn Thượng xã, địa phận nhị xã địa phi ấn dị mộc cùng khe nhỏ làm phân giới”.

    Qua đoạn văn trên chúng ta có thể hiểu sơ bộ rằng: Ranh giới của Lệ Sơn Hạ về phía Đông tiếp giáp xã Vịnh Giao (Lạc Giao về sau xã này bị sáp nhập vào Tiên Lễ Thượng) 2 xã lấy núi đá làm ranh giới. Về phía Tây giáp xã Lệ Sơn Thượng ranh giớ hai xã được trồng một cây  và một cái khe làm ranh giới. Phía bắc Lệ Sơn Hạ giáp Lệ Sơn Thượng xã cũng lấy cây và một khe nhỏ làm phân giới. Đoạn văn trên cho biết Lệ Sơn Hạ bao gồm cả Xóm Biền và Hạ Trang. Hơn nữa là thông tin Đồng Cồn Trôi thuộc Lệ Sơn Hạ cho phép chúng ta khẳng định Lệ Sơn Thượng và Lệ Sơn Hạ tách ra theo chiều Tây Bắc- Đông Nam. Thông tin này chứng minh luận điểm khác với Lê Hông Vệ khi cho rằng có khả năng là xẻ dọc theo chiều Bắc - Nam: Lệ Sơn Hạ gồm Hạ trang kéo lên phía tây gồm Hung Tắt, Hung Cày, Hung lụy, Hung Xoong ... )

4. Một số thông tin về ruộng đất và địa danh của Lệ Sơn Hạ 

+  Sơ bộ dịch một số trang cho chúng ta những thông tin:

- Trang 1a, mở đầu bằng câu “Bản xã công tư điền thổ 103 mẫu 1 sào 14 thước 5 tấc. Trong đó thực trưng 100 mẫu 5 sào 13 thước 5 tấc;  đất hoang 2 mẫu, 6 sào, 5 tấc từ năm Nhâm Thân mới và sổ. Công điền (ruộng công) 11 mẫu 1 sào 4 thước 9 tấc”

- Trang 1b ghi: tư điền (ruộng tư) 89 mẫu, 4 sào, 8 thước, 6 tấc... Tư thổ trạch (đất vườn của tư nhân) 62 mẫu vô thuế lệ (miễn nộp thuế). Đất mộ địa 2 mẫu không nộp thuế. Từ 2 thông tin trên chúng ta có thể hiểu là Lệ Sơn hạ trang xã có tổng diện tích trên 153 mẫu. Thông tin  này cho biết phần lớn ruộng đất nằm trong tay tư nhân và diện tích của Lệ Sơn Hạ Trạng chí bằng ½ diện tích Lê Sơn Thượng (Lê Sơn thương có 220 mẫu ruộng đất công tư các hạng, 121 mẫu đất vườn).

- Trang 4 có câu: Ở hạ đồng Cửa Làng xứ, phía Nam giáp đồng Lèn Con một khoảnh 1 mẫu 14 thước dành làm chùa mảnh này thu thuế Tùng điền; phía Đông giáp ruộng ông Hà Kỳ Nghị; phía Tây giáp ruộng ông Lê Bính. Như vậy Lệ Sơn Hạ có đất làm chùa khá rộng và chùa được xây dựng ở gần Lèn Con.

+ Thông tin về các địa danh ở Lệ Sơn Hạ có tên các cánh đồng: Cữa Làng, Cồn Trôi, Rộc Chùa, Bình Ơn, Cồn Trót, Cữa Đình, Cữa Kho, Cữa Khe, Trằm, Chú Tầm, Hang Oong, Miếu Lội, Trung Hạ, Cửa Hung (Có thể là Hung Tắt diện tích 35 mẫu), Lò Vôi, Đồng Hồ (khác đồng hồ ở Lệ Sơn thượng...)

  5. Một số thông tin cho biết cấu trúc và văn hóa của Lệ Sơn Hạ

Ở Lệ Sơn Hạ trước đây có 2 họ lớn thay nhau làm chức dịch của Lệ Sơn Hạ là họ Hà và họ Lê. Hai họ này làm Xã trưởng, đồng Xã trưởng, Hương mục,... hai họ này cũng sở hữu nhiều ruộng đất tư ở Lệ Sơn Hạ. Cuối thế kỷ XIX , tên gọi Lệ Sơn Hạ xã thay đổi từ Lệ Sơn Hạ Trang xã đổi thành Lệ Sơn Hạ Thôn, tới đầu thế kỷ XX, bị hạ từ Thôn xuống Ấp có tên gọi mới là:“Giao Sơn ấp”. Có 4 cố thay nhau làm Lý trưởng của Giao Sơn ấp gồm: Lê Tiềm, Lê Triết, Lê Trác, Lê Tuấn.
   
Ở Lệ Sơn Hạ trước đây có chùa, miếu và còn có một khoảnh khá rộng làm thị xứ 21 mẫu. Đất vườn 62 mẫu. chứng tỏ vườn khá rộng ./.

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại