Một số kết quả nghiên cứu về tên làng và kết cấu làng Lệ Sơn xưa cùng những điều cần tiếp tục giải mã

Công bố một số kết quả nghiên cứu về tên làng và kết cấu làng Lệ Sơn xưa cùng những điều cần tiếp tục giải mã để làm rõ hơn về lịch sử văn hóa làng của tác giả Lê Trọng Đại, trưởng Ban biên soạn Địa chí làng Lệ Sơn
Qua một quá trình nghiên cứu, cho tới thời điểm hiện tại (tháng 3/2012) chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn rằng tên làng Lệ Sơn đã có từ trước năm 1553.  Với cứ liệu này chúng ta có thể khẳng định giả thuyết có tính thuyết phục là” tên làng sớm nhất có thể đã được đặt ở cuối thế kỷ XV ;như gia phả các họ ghi lại.

Cuối thế kỷ XV là thời điểm mà về cơ bản việc khai canh, lập ấp đã hoàn thành; làng xóm đã có một diện tích đất cư trú và đất canh tác tương đối lớn, và đặc biệt là đã có số dân khá đông; đủ để nhà nước công nhận là Lệ Sơn là đơn vị làng chứ không gọi là thôn, xóm hay ấp, trại, phường (những đơn vị cư trú nhỏ hơn đơn vị làng). Kết luận này phù hợp với cứ liệu gia phả Lê tộc đại tôn và nội dung bài luyện Quan lớn Bản cảnh Thành hoàng Lệ Sơn (được cậu Cả Hăng viết 1902). Bài luyện cho biết công lao của Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Huy Tưởng là:

                “...Đặt xã hiệu chiếu khai điền thổ,
                  Tính mẫu sào lập sổ tiến dâng...”[1]

       Đến giữa thế kỷ XVI, Lệ Sơn đã tách thành 2 làng. Đây là một thông tin chính xác vì qua tra cứu từ tác phẩm “Ô châu Cận lục” của Tiến sỹ Dương Văn An (viết từ năm 1553 đến 1555) mà chúng tôi phát hiện được. Mặt khác xuất xứ của cuốn “Ô châu cận lục” theo Dương Văn An là “từ hai bản ghi chép về phủ Tân Bình Phủ Triệu Phong trước đó của hai nho sinh đồng hương với ông. Năm 1553, nhân về quê cư tang, Dương Văn An gặp được bản thảo, liền khảo cứu thêm trong sử sách chỗ rườm rà thì bỏ bớt, chỗ sơ sài thì bổ sung, mà đặt tên mới là Ô châu cận lục”[2]. Trong “Ô châu cận lục” ở quyển 3, môn Bản đồ, châu Bố Chính được Dương Văn An thống kê có 69 làng trong đó có 2 làng Lệ Sơn là “Lệ Sơn Thượng” và “Lệ Sơn Hạ” [3].

      Ô Châu cận lục là sách được viết bằng chữ Nôm. Chúng ta đều biết rằng chữ Nôm cũng là một loại văn tự tượng hình vì nó được cha ông ta sáng tạo ra từ chữ Hán cỗ. Chữ  [    ] Sơn thể hiện nghĩa là núi; còn chữ Lệ [   ] thì đúng là Lệ vải chứ không phải Lệ là nước mắt. Trong Ô châu cận lục chữ Lệ được viết bằng 1 bộ thảo (cỏ) ở trên và 3 bộ đao ở dưới nhìn kĩ chữ Lệ đó có hình một chùm vải. Giáo sư Lương Duy Thứ cũng dịch chữ Lệ này là vải. Qua một số sắc phong của Vương triều Nguyễn như sắc phong cho Bà tiên nữ động Chân Linh (có ghi động Chân Linh ở đầu xã Lệ Sơn Thượng);  hay sắc phong cho Quan Lê Duy Di ở Hà Thâu cũng có ghi quê quán ngài ở xã “Lệ Sơn Thượng”. Trong tác phẩm “ Quốc triều Hương khoa lục” phần quê quán của Cố Lương Duy Chí (Tri phủ Vĩnh Tường nhà ở thôn Phúc Tự nay là nhà thờ chi họ Lương Duy) cũng  ghi là xã Lệ Sơn Thượng. Từ các cứ liệu đó có thể xác định phạm vị địa giới chắc chắn của làng Lệ Sơn Thượng xưa là từ động Chân Linh xuống ít nhất cũng hết thôn Xuân Tổng. Còn Lệ Sơn Hạ phải chăng chỉ có vùng đất Hạ Trang (hay Vang Hạ) ngày nay ? Điều này thì  xem ra thì không được hợp lí. Bỡì vì Hạ Trang diện tích không lớn, đất cư trú và dân cư lại quá ít chưa thật sự tương xứng với cư dân của một làng xưa (làng trước đây ít ra cũng phải có tối thiểu 50 -70 hộ).

      Chúng tôi đã tìm ra cách để xác định ranh giới Lệ Sơn Hạ xưa nhưng cái khó là chưa tìm ra được một sắc phong hay tài liệu nào ghi tên một người ở Văn Hóa có kèm theo quê quán là làng (xã) Lệ Sơn Hạ cả. Thông tin tên làng Lệ Sơn Hạ chúng tôi đã tìm hiểu ở một số cụ cao niên trong làng song cũng không ai khẳng định chắc chắn cả. Chỉ có một giả thuyết cho rằng sở dĩ có 2 làng là do mâu thuẫn giữa các xóm trên với xóm Hạ Trang mà bà con Hạ Trang đã dỡ 2 vài gỗ mà họ đóng góp để dựng đình làng về lập đình mới ở mái Đình Thánh rồi tách Hạ Trang ra thành lập làng mới có tên Lệ Sơn Hạ. Điều này cho đné lúc này chưa có đủ cơ sở để kiểm chứng. Bởi vì tên làng Lệ Sơn Hạ đã có từ đầu thế kỷ XVI, trong khi câu chuyện về việc dở đình làng hình như chỉ mới xảy ra khoảng cuối thế kỷ XIX hay đầu thế kỷ XX mà thôi.

      Việc hoạch định ranh giới cũ của 2 làng Lệ Sơn (Thượng và Hạ) đang là một khó khăn của nhóm biên soạn địa chí. Với những thông tin này chúng tôi muốn bạn Hồng Lê hãy cùng tham gia vào việc trao đổi để giải mã nốt phần còn lại của tên làng và địa giới làng. Làm được công việc này sẽ giúp chúng tôi dựng lại chính xác bức tranh kết cấu làng trước đây. Kết cấu của làng Lệ Sơn xưa bao gồm các thôn, xóm rồi lại còn có cả trang, ấp, phường nữa. Sở dĩ có phường vì trong Quốc triều Hương khoa lục đã chép rõ là “Phan Nhật Thạnh người phường Di Loan, xã Lệ Sơn châu Bố Chánh ngoại” [4]
        
Phường Di Loan là một địa danh hơi lạ và chúng tôi vẫn chưa xác định được đó là khu vực nào của Lệ Sơn cả. Tên phường Di Loan này lại trùng với tên làng Di Loan ở Quảng Tùng (Quảng Trạch) nên liệu Cao Toàn Dục có chép nhầm hay không?
       
Những thông tin này là kết quả nghiên cứu khá công phu của chúng tôi xin cung cấp để trao đổi với cư dân báo làng mong mọi người cùng tham gia giải mã thêm. Tác giả bài viết kỳ vọng  vào sự giúp đỡ của bà con. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của mọi người!

Chú thích:

[1]  Nhiều tác giả, Lệ sơn xuân vọng, UBND xã Văn Hóa XB, 4/1999, tr.11.
[2] Dương Văn An, Ô châu cận lục, NXB Thuận Hóa, 2001 tr. 5
[3] Dương Văn An, Ô châu cận lục, NXB Thuận Hóa, 2001 tr. 47
[4] Cao toàn Dục, Quốc triều Hương khoa lục, NXB TP Hồ Chí Minh, 1993, tr.110

Tác giả bài viết: Lê Trọng Đại