Khảo cứu Họ Lê ở Thôn Phúc Tự, làng Lệ Sơn

Bài viết của tác giả Lê Ngọc Tĩnh về dòng họ Lê ở thôn Phúc Tự, làng Lệ Sơn
Thôn Phúc Tự có hơn 70 hộ gia đình sinh sống, có 2 họ chính là họ Lê và họ Lương, nhìn qua có vẻ đan xen với nhau nhưng chủ yếu ở tập trung thành 2 cụm chính. Phía giáp Bàu Sỏi là nhánh họ Lê. Phía giáp rào con là Nhánh họ Lương xen lẫn một vài hộ họ Trần, Nguyễn. Tính theo địa giới thì phía Tây Bắc lấy con Hói chia đôi thôn Hà Thâu với Phúc Tự, phía Đông Bắc giáp với rào con, phía Đông Nam lấy con mương thủy lợi sát vườn Phụ lão làm đường biên với Thôn Đình Miệu, và phía Tây Nam giáp với Bàu Sỏi. Họ lê ở Phúc Tự thuộc nhánh trưởng, con cháu trong xóm thuộc hậu duệ họ Lê đời 15 đến đời thứ 23.

Khác với các xóm khác, Phúc Tự vốn có một ngôi chùa cổ và tên xóm được đặt trùng với ngôi chùa này. Ngôi chùa tọa lạc trên một gò đất cao thoáng, quay mặt về hướng Tây Bắc nhìn xuống dòng Hói đang chảy ra rào con, phía trái chùa là một cái giếng nước xây bằng đá, trước đây cả xóm đều dùng để sinh hoạt hằng ngày. Tiếc rằng những năm chiến tranh ác liệt, ngôi chùa bị bom phá hủy, năm 1982 lại bị phá dỡ lấy đá xây trường học, còn các tượng Phật bị đem đi nấu lò vôi, hiện chỉ còn chiếc chuông đang còn lưu giữ ở UBND xã.

Phải nói rằng địa thế Phúc Tự trung tâm của Làng lại có địa thế đẹp nhất, người Phúc Tự lại sống hiền hòa và đùm bọc nhau. Trải qua bao thế hệ con cháu Phúc Tự đóng góp cho xã hội rất lớn, trong đó nhánh họ Lê thôn này cống hiến không phải là ít. Tính theo phả hệ anh em họ Lê trong thôn thuộc con ông Lê Phúc Thị  đời thứ 5 và tính theo đời thứ 6 thuộc nhánh ông  Lê Đình Thái. Thời kỳ nào cũng vậy con cháu họ Lê xóm này đều có người đỗ đạt và làm quan, chỉ tính ở thế kỷ XIX cho đến nay đã có rất nhiều người đức cao vọng trọng.

Thời phong kiến có các vị Lê Ngọc Uẩn, làm đến Bố chánh xứ,  hàm Tam phẩm (Tương đương với Chủ tịch tỉnh bây giờ) hậu duệ của ông hiện nay là Lê Trân, Lê Cương.  Cụ Lê Bính - Sung thị độc học sỹ (Tương đương Giám đốc Sở Giáo dục hiện nay) hậu duệ của ông có cụ Quýt thì cả làng ai cũng biết, cụ là người nổi tiếng thông thạo Nho-Y-Lý- Số, con cháu cụ hiện nay là  ông Lê Vũ ( bố của Lê Hồng Vệ)  thôn Phúc Tự. Cụ Lê Huy Tuân - Quan án sát tỉnh Quảng Nam, cụ Lê Huy Côn- Phụng nghi đại phu, hậu duệ của cụ là Bác sỹ Lê Điểu ở hố Mụ Cò. Cụ Lê Quốc Thước- Quan tri huyện Anh Sơn, hậu duệ là ông Lê Đạo-Lê Quyền.

Trong thế hệ sau này cháu chắt các cụ này lại nối tiếp truyền thống đó, lại có những người làm nên sự nghiệp lớn, chỉ trong xóm Phúc Tự nhỏ bé ấy cả 2 họ Lương và Lê có có nhiều người đỗ đạt và có địa vị uy tín trong xã hội. Riêng họ Lê thôn Phúc Tự đã có rất nhiều cử Nhân, Tiến sĩ cũng có, lực lượng vũ trang cũng nhiều, có một điều kỳ lạ đó là lại con cháu các cụ Tiền bối đó. Trước hết nói đến cụ Lê Bính, Hậu duệ cụ là ông Lê Vũ,  Lê Vũ có 4 con trai Đại tá Lê Hồng Văn , Trung tá Lê Hồng Vinh ,Cử nhân Nghệ thuật Lê Hồng Vệ, Cử nhân tài chính kế toán Lê Hồng Vượng . Cụ Lê Huy Tuân, hậu Duệ cụ có 2 Đại tá quân đội( Lê Ngư, Lê Ngọc) ...và nhiều cử nhân. Cụ Lê Quốc Thước, hậu duệ cụ có Lê Hạnh – Thượng tá quân đội, Lê Đồng Trung tá công an... Cụ Lê Ngọc Uẩn hậu duệ cụ có Lê Cương -Đại tá, Lê Sâm -Đại tá, Lê Tranh- Thượng tá, Lê Ngọc Thìn Thượng tá, Lê Ngọ -Trung tá, Lê Ngọc Huy- Tiến sĩ và rất nhiều cử nhân các ngành.

Con cháu trong thôn Phúc Tự nói chung, con cháu họ  Lê trong thôn nói riêng rất hiền lành, giản dị, ham học, không nghịch ngợm như trẻ các xóm khác, có lẽ cái tên Phúc Tự là đất Chùa Phúc là đặc trưng cơ bản của xóm này. Trong thôn Phúc Tự có 72 hộ thì chỉ có 27 hộ làm nông và bán nông ( một người làm cán bộ), còn lại là hộ hưu trí và cán bộ công chức, viên chức. Thời nào cũng thế, họ chỉ biết có 2 việc chính là bám lấy mảnh đất ông cha để canh tác, hai là khó đến mấy cũng không bỏ học. Ngay cả thời kỳ khó khăn nhất, ai cũng bôn ba Bắc-Nam buôn bán để sinh sống, kẻ lên núi tìm trầm, đãi vàng để đổi đời, nhưng con em Lệ sơn cũng như con em họ Lê ở Phúc Tự vẫn thờ ơ với kiểu làm giàu không có nền móng ấy, cố học để kiếm cái nghề lâu dài cho mình.

Chính lẽ ấy mà sau thời kỳ xóa bỏ cơ chế bao cấp, chuyển qua cơ chế thị trường, con em Phúc Tự vẫn tồn tại và khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội nhờ bản thân được trang bị kiến thức cơ bản.  Điều đó  minh chứng sự học của đất Lệ đã có nền móng từ thủa khai thiên lập địa rồi. Cùng với con cháu họ Lương, họ Trần họ Nguyễn trong thôn, con cháu họ Lê đang sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc, dù ở nơi đâu, làm gì họ luôn hướng về nơi chôn rau cắt rốn, mảnh đất và ông cha họ đã xây dựng nên, mảnh đất chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, rèn giũa họ có được nghị lực lớn như ngày hôm nay.

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Tĩnh