Giá trị tâm linh ẩn chứa sức mạnh vô tận từ cội nguồn

Giá trị tâm linh ẩn chứa trong sức mạnh của cội nguồn là chủ đề về một bài viết hàm chứa nhiều triết lý khoa học trong kiếp sống con người của tác giả Thái Việt
Lời tác giả: Với việc báo làng phát động nhiều hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó có hoạt động hướng bà con về họ tổ, về quê hương. Thái Việt xin gửi tới bà con bài viết hàm chứa nhiều triết lý khoa học trong kiếp sống của mỗi một con người có liên quan đến cội nguồn. Cảm ơn báo làng đã tạo ra sân chơi bổ ích và định hướng nhiều giá trị tốt đẹp đến với mỗi gia đình Lệ Sơn trên khắp mọi miền đất nước.

Cội nguồn là nơi thiêng liêng nhất trong mỗi con người, nơi khởi nguồn sinh ra ta và nuôi dưỡng chính bản thân mình, tạo nên sự trưởng thành trong mỗi kiếp sống. Cội nguồn gần gũi nhất là quê hương, nơi có gia đình, ông bà tổ tiên, cha mẹ, họ hàng. Nơi chúng ta được ra đời và lớn lên, già và trở về cõi sáng. Cội nguồn là mạch máu chảy xuyên suốt từ đời này qua đời khác. Mỗi một thành viên trong dòng họ là một điểm nối trong dòng chảy vô tận giữa các thế hệ, tạo nên mạch sống không ngừng nghỉ. Từ cội nguồn ta mới trả lời được câu hỏi: Ta là ai? Ta ra đời từ đâu? Và sau ta sẽ còn lại là cái gì? Chính những câu hỏi này với sự suy ngẫm nghiêm túc sẽ giúp mỗi một con người ý thức được trách nhiệm của bản thân mình để từ đó cố gắng rèn luyện nên cái tâm cái đức của mình làm sâu bền thêm gốc rễ.

Ngày nay dưới áp lực dồn dập của đời sống khiến nhiều giá trị của con người thay đổi. Nhiều gia đình sau vài thế hệ lưu lạc, dần dần quên mất quê hương, gốc gác, tổ tiên ông bà, chính quả báo đó khiến nhiều gia đình, dòng họ bị mai một, ốm yếu, vất vưởng giữa chốn cõi thiêng mà không sao tìm lại được chính mình. Cội nguồn được khoa học xem là năng lượng bí ẩn, là chỗ dựa tin cậy, gần gũi nhất, từng giây từng phút nâng đỡ con người vượt qua đau khổ, tiếp nguồn sinh lực đuổi hết bệnh tật. Con người nếu thiếu năng lượng này dần trở thành những người con bất hiếu, và có kiếp vận đau khổ trầm luân.

 

Ảnh minh họa

Từ xa xưa, coi trọng cội nguồn của mình đã trở thành đạo lý của người Việt Nam và đạo lý đó đã vượt qua khỏi không gian gia đình để vươn tới đỉnh cao của nó là hướng về cội nguồn của dòng họ, của dân tộc. Nhớ về cội nguồn, ghi nhớ công lao của tiên tổ đối với con cháu đã trở thành một đạo lý của người Việt Nam nói chung, đã trở thành "luật đời” đối với mỗi thành viên trong gia đình người Việt. Hầu như trong tâm thức của con người Việt Nam, trong cuộc sống hàng ngày và trong mỗi một thành quả lao động của chúng ta đều có công lao và sự chở che của những bậc tiền nhân đã khuất, ngay trong lễ nhập trạch (về nhà mới), trước bàn thờ tổ tiên, gia chủ thường khấn: "Con được nhập điền nương bóng cảnh đây, nhất tâm vợ chồng con xin hôm nay thỉnh mời gia tiên Cửu huyền Thất tổ cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá đệ huynh, cô dì tỉ muội và thân phụ thân mẫu họ… về đây. Con mời tộc gia về thăm cửa thăm nhà yêu ngôi chính vị….”.

Với những điều tốt đẹp đó, mỗi một gia đình nên có vai trò định hướng cho thế hệ sau. Bổn phận thiêng liêng của người làm cha mẹ là giáo dục cho con cái biết cội nguồn của mình, để có đời sống hạnh phúc. Một gia đình có nền móng cội nguồn, thì con cái luôn hiếu thảo, phát tài và thành đạt vinh hiển.

Những nén hương thơm phảng phất tỏa ra giữa chốn linh thiêng của dòng họ sẽ đưa con người trở về với cội nguồn, về với đạo lý "công cha nghĩa mẹ” để rồi giúp ta tĩnh tâm mà nghĩ đến điều thiện và vươn tới cái thiện, cái vĩnh hằng như ánh sáng bao la của vũ trụ này.

Tác giả bài viết: Thái Việt