Bài thơ Tiếng Lệ Sơn

Giới thiệu bài thơ đầy chất quê của tác giả Lê Ngọc gửi tặng bà con Lệ Sơn, đặc biệt là con em Lệ Sơn đã xa quê lâu năm, ít được tiếp xúc, sử dụng ngôn ngữ địa phương
Lời tác giả: Gần 600 năm thành lập làng Lệ Sơn, những tập quán và giọng nói còn lưu giữ lại các từ cổ, phải chăng đó là đặc trưng riêng mà Lệ Sơn mới có, ngoài yếu tố khí hậu, nước uống… tiếng nói có chệch đi nhưng từ ngữ giữ lại vẫn còn nhiều như: Cân=gân; Can=gan; Trượng=Dượng…; những âm ngữ này đều có nguồn gốc từ Hán, có lẽ do thời đầu thành lập làng, các ông tổ của làng ta toàn là người có học, có phẩm vị, nên khi dùng từ hay dùng từ hán nhiều, lâu dần thành quen, dùng mãi và trở thành thứ tiếng Lệ Sơn trong lúc đó các vùng lân cận lại không thường dùng như người làng ta. Để ôn lại những từ đặc Lệ Sơn, những người xa quê lập nghiệp, tiếp xúc đủ thứ tiếng, chủ yếu là dùng từ phổ thông, lâu lâu mới nghe lại được tiếng quê hương qua các cuộc điện thoại.  Lê Ngọc xin góp vui cùng bà con bài thơ với tiêu đề Tiếng Lệ Sơn.

TIẾNG LỆ SƠN

Lấy chồng em phải theo chồng
Về quê thăm mẹ mà lòng lo lo.
Mẹ chồng hỏi doọc không con
 Con ra múc nác tắm cho mát lòng. 
Gàu múc nước bảo cái đài 
Quét sân thì bảo ra ngoài quét cươi 
Ngò chộ là thấy chàng ơi 
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em 
Muốn gì  thì bảo là sèm 
Bảo  đưa cái đọi thì đem bát vào 
Mua cá quả bảo cá tràu 
Vo troốc là bảo gội đầu nghe em…
Lấy máy lả dóm bếp lên
Lấy tịa đợng trớng mang lên Bọ dùng
Bựa ni không điện túi thui
Xuột kêu chít chít, mọi bay vò vò
 
Em người Bắc giọng êm êm 
Nghe con dâu mới, người xem chật nhà 
Răng xưa sang dởi dà xoa 
Dà  O-Dượng dốt con ga trong truồng 
Miệng em há hốc  mà thương 
Thương em một lại trăm lần thương quê 
Gió Lào xao xác bờ tre 
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Thương quê anh đỗi nhọc nhằn 
Nên em yêu lắm con người Lệ Sơn

Tác giả bài viết: Lê Ngọc