Dòng họ Trần làng Lệ Sơn trong ngày chạp cuối năm

Một ngày nắng ấm hiếm hoi giữa mùa đông giá lạnh, mấy anh chị em họ Trần chúng tôi như thường lệ lại trở về trên đất mẹ Lệ Sơn để tham dự ngày chạp họ ( 2/12 âm lịch).
Bài cùng tác giả đã đăng:
1. Ba tôi
2. Ký ức Mảnh hồn quê
3. Một câu chuyện có thật đầy cay đắng: Giọt máu rơi
4. Trồng hoa, một mô hình cải thiện kinh tế gia đình và làm đẹp cho xã hội
5. Tôi gặp em như vạn vật bừng tỉnh sau cơn mưa hạ vắng
6.Lệ Sơn ơi cứ xanh đẹp mãi tình yêu này

    Từ 7 giờ sáng, trên con đường rợp bóng tre xanh, các cụ râu tóc bạc phơ, các anh trung niên, những người trẻ truổi trong dòng họ Trần đã về tề tựu đông đủ bên miếu đường để chuẩn bị cho nghi lễ cúng  tiên sinh Trần Cảnh Huống và các bậc tiền bối. Các mẹ, các chị dậy từ sáng sớm tất bật chuẩn bị mâm cỗ cho lễ cúng thật trang trọng, linh nghiêm.
 

Ảnh, cổng vào miếu đường họ Trần
 
Miếu họ Trần thờ ba vị:

- Tiên sinh Trần Cảnh Huống. Ông là người thầy dạy học, người khai trí mở tài, người đặt nền móng cho truyền thống hiếu học của xã nhà.

- Trần Đại Lang tên thật là Trần cảnh Hựu, người khai canh lập ấp, là vị nhân thần, là Đoan Túc Tôn Thần. Ông được phụng thờ theo thứ tự hàng đầu trong văn thơ nhà nước.

- Đức ông Câu Kê Trần Duy Văn là tướng công Tôn Hầu- Người coi sóc tất thảy mọi việc trong làng - Là vị Nhân thần “ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần” và là “ Đoan Túc Tôn Thần” được đặc biệt phụng thờ theo thứ tự hàng đầu trong văn thư Nhà nước.

Ba đời người liên tiếp trong một dòng tộc vừa khai trí mở tài, đặt nền móng cho truyền thống hiếu học của xã nhà, vừa khai canh lập ấp vừa là hai vị nhân thần “ Coi sóc tất thảy mọi việc trong làng” và được đặc biệt phụng thờ theo thứ tự hàng đầu trong văn thư nhà nước.

Ngưỡng mộ tôn thờ công đức ba vị tiền bối, hậu duệ các đời sau lập đền thờ, tu trang đền thờ để báo đáp công ơn.

 

Ảnh Ban chủ tế buổi lễ
 
    Con cháu dòng tộc họ Trần ở Lệ Sơn hiện nay là đời thứ ba mươi, đích tôn thờ trọng là Trần Đức Phương( Hiện đang công tác tại ban kiểm tra tỉnh ủy, tỉnh Quảng Bình).

Miếu họ Trần( Lùm họ Trần):
Mộ tiên sinh Trần Cảnh Huống được an táng tại miếu và lập miếu thờ trong một khuôn viên của chiều dài 70m, chiều rộng 25m. Xung quanh khuôn viên được tre và cây cổ thụ bao bọc tạo thành một lùm cây có lịch sử trên 500 năm. Trong khuôn viên các miếu được thiết kế theo kiểu kiến trúc ngủ lầu. Miếu hậu cao 6m,rộng 3,5m, dài 6m.Trong đó, được xây nhiều ban, đặt nhiều vò hương thờ Thỉ tổ Trần Cảnh Hựu.Ban thứ ba đặt vò hương thờ đức ông Câu Kê Trần Duy Văn và các bậc tiếp theo là vò hương thờ bậc tiên tổ.

 

Ảnh con cháu về dự chạp Họ
 
Tả - hữu hành lang thờ các vị bá quan và các hậu thần đi du quan viễn cảnh. Miếu tiền(Bái Đường) để tế lễ, hội họp.Xung quanh miếu là các ngôi mộ của các bậc tiền bối. Tất cả được trang trí tứ linh, tứ quý tinh xảo.
 

 
Ngoài khuôn viên cách 50m, có cụp mực( Phía hửu). Có cụp son ( phía tả). Cách 100m( Đằng trước) có khay đĩa mực đen, mực đỏ còn lưu giữ đến ngày nay.

Phía trong tường hậu, ngay chỗ đặt vò hương thờ Tiên sinh Trần Cảnh Huống khắc ghi câu đối :

 
Hồng Đức Khai canh Tổ
Duy Tân Dực Bảo Thần

 
Để nói rõ miếu thờ họ Trần có từ thuở triều đại vua Lê Thánh Tông, hiệu Hồng Đức( 1470 - 1497). Đến đời vua Duy Tân được phong làm thần.
Hai bên Tả - Hữu hành lang khắc ghi câu đối vịnh cảnh:

 
Mạch Tiếp Thần Sơn Cơ Xỉ Cựu
Án Thừa linh Thủy Hộ Châu Tân

 
 Ý nói: Miếu thờ được xây dựng trên dãi đất chạy dài từ núi Thần Sơn, đó là cơ xỉ của ông cha.Đằng sau miếu có núi cao. Đằng trước miếu có sông rộng, uốn lượn phun ngọc nhả vàng cho vùng đất “Sơn thủy hữu tình”.
Hai bên cánh cửa lọng đình khắc ghi câu đối:

 
Tam Chi Huyết Thống Lưu Trường Đại
Nhất bản Tồn Dư Ngũ Bách Niên

 
  Ý nói: Dòng tộc Trần ở Bắc Ô Châu có ba chi: Chi Lệ sơn là chi cả. Chi Phù Hóa là chi em. Chi Tiền Lang là chi ông chú. Cả ba chi đều là dòng dõi huyết thống con một cha Trần Cảnh Nông đã hơn 500 năm tồn dư “ Lưu trường đại”
 

 
    Hơn 500 năm qua con cháu hậu duệ Tiên sinh Trần Cảnh Huống đã không phụ lòng các bậc tiên tổ, mà luôn tri ân tri đức, phụng ân phụng nghĩa phát huy truyền thống dòng tộc. Trong chiến tranh , con cháu họ Trần cùng cả nước “ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nổi bật có thiếu tướng Trần Kì ( Hoàng Sâm), Đại tá Trần Thân, trung úy phi công Trần Phương …

Miếu đường của con cháu họ Trần đang lưu giữ, tôn trang, tôn tạo hàng năm để tỏ lòng hiếu đạo “ Cây có gốc, nước có nguồn” một ý niệm muôn đời thiêng liêng bất diệt.

 

 
    Hôm nay, trong tiết trời đông lạnh, được chứng kiến các cụ già, các bậc con cháu dòng tộc họ Trần về tề tựu đông vui ấm tình dòng họ bên miếu đường, có cả những tấm lòng vàng luôn hướng về dòng tộc mặc dù ở xa quê hương nhưng hằng năm vẫn gửi tiền về để hương khói cho dòng tộc như ông Trần Văn Mai , ông Trần  văn Hùng ở Thanh Hóa ( Có nguồn gốc từ thôn Thượng Phủ) .Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, trước vong linh của các bậc tiên tổ, tôi càng cảm nhận được tấm lòng quý báu của mọi người trong dòng tộc mình khi hướng về nguồn cội.Ngoài sự có mặt của con cháu xa gần làng Lệ Sơn, lễ cúng các bậc tiền bối còn có sự hiện diện của chi nhánh họ Trần từ Nghệ An vào, nhánh họ Trần làng Phù Hóa và nhánh họ Trần làng Tiền Lang sang.Tất cả đều được hội tụ bởi một tấm lòng hướng đạo.
 
 
 Miếu thờ dòng tộc họ Trần là một nét  văn hóa tâm linh của người Lệ Sơn đã góp phần duy trì bảo tồn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, ban chấp hành Trần Tộc đang có kế hoạch xây bia tưởng niệm các liệt sĩ trong dòng tộc họ Trần và đổ bê tông đường vào miếu thờ. Vì vậy , BCH họ Trần vận động con cháu trong dòng tộc ở khắp mọi miền đất nước cùng chung tay góp sức nhằm hoàn thành kế hoạch nói trên. (Mỗi người đóng góp từ 100 000đ trở lên).

 
Xin thay mặt BCH họ Trần kính thông báo.
 
( Bài viết có sử dụng tư liệu của Ban chấp hành Trần Tộc Đại Tôn)

Tác giả bài viết: Trần Thị Minh Khanh