Thú rừng ở Lệ Sơn, câu chuyện của ngày hôm qua

Do đặc điểm địa lý, địa hình mà đời sống cư dân Lệ sơn luôn gắn liền với cả ruộng đồng, rú rừng, núi non, sông nước…Có lẽ bởi vậy mà tâm hồn của con người Lệ sơn rất phong phú, khá phóng khoáng và có phần mang đậm chất thượng võ của người miền ngược. Đặc biệt 2 xóm Bàu sỏi và Hạ trang. Đó là 2 xóm núi , thôn xóm nằm ngay chân núi, bìa rừng. Cuộc sống con người nơi đây đã bao đời gắn liền với núi rừng . Ngoài việc đồng áng, họ còn vào rú, lèn, hung chặt củi, trồng tre, làm rẫy, mở trang trại trồng các loại cây, nuôi trâu bò mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như : (Hung cày, hung Mít , Hung Lụy, hung Xoong, Sụ nghệ…. đặc biệt là việc săn, bẫy thú rừng, vừa đậm chất thi ca huyền thoại vừa mang đậm tinh thần thường võ của người dân miền sơn cước.
Trước đây thú rừng còn nhiều lắm: Gấu, vượn, khỉ, sơn dương, hổ báo, chồn hương, sóc nhím, cu xanh, mèng kèng (theo cách gọi của người Lệ sơn), ton, gà rừng, gà lôi, chim trĩ, công vẹt, nhiều vô kể. Nghe các cụ kể lại thì cọp còn ra bìa làng bắt heo thường xuyên. Đến thế hệ chúng tôi (U60) còn thấy cả cọp, gấu khỉ sơn dương…còn được chứng kiến và tham gia những cuộc đi săn đầy ngoạn mục hồi hộp, rất hấp dẫn thú vị, đầy mạo hiểm. Nhờ đó, tâm hồn được nuôi dưỡng một phần tinh thần thượng võ của ông cha để lại.
 

 
Nay thì nói điều đó cứ như chuyện cổ tích mặc dù nó xảy ra cách đây chưa lâu. Điều đó cũng cho chúng ta thấy tốc độ tàn phá thiên nhiên của con người thật khủng khiếp. Nên nhớ rằng thiên nhiên tạo hóa làm nên sản phẩm, sản vật đó phải mất hàng triệu triệu năm, nhưng hủy hoại thì con người chỉ làm (có thể nói không ngoa ) là trong nháy mắt. Nhất là với công cụ hiện đại lúc nào cũng có sẵn trong tay. Đây là điều báo động đỏ, không chỉ với môi trường thiên nhiên ở Lệ sơn mà còn trên phạm vi cả nước.

 

 
Có lần theo ông nội đi khẩn hoang ở Hung tắt, tôi nhìn thấy cảnh tượng hùng vĩ đập vào mắt. Giữa cánh đồng Hạ trang lúa vừa gặt còn trơ rơm rạ, một con cọp rất to lớn nặng ước chừng 2 tạ đang vươn người hùng dũng như sắp vồ mồi. Bộ lông vàng tươi với những vằn vện trên người, miệng nhe nanh nhọn hoắt, hai chân xòe ra đầy những móng vuốt sắc lẻm. Ông tôi bảo Dân Hạ trang mới săn được nó mấy hôm trước. Họ đã làm thịt và nhồi rơm trưng ra đây để mọi người cùng xem.
 

 
Con cọp này “to gan” lắm nên phải trả giá. Nó dám mò ra tận làng , nhảy vào khu trại chuồng bò ,vả chết một con bò mộng, cắn vào cổ , nhảy qua hàng rào cao hơn 2 mét ,tha một mạch vào rừng cạnh lèn Khum để ăn thịt. Ăn không hết , nó giấu lại một nửa vào trong bụi rậm chờ hôm sau đến ăn tiếp. Dân Hạ trang thấy mất bò biết bị cọp bắt, đi tìm thấy nửa con bò nằm đó liền tổ chức làm bẫy tìm cách bắt cọp. Các vị cao niên đây mưu trí đã làm bẫy chắc chắn, đặt bẫy và ngụy trang vô cùng khéo léo, tinh xảo, khiến cọp ta không thể nào phát hiện ra.

Hôm sau khi đã bị cơn đói hành hạ, cọp quay lại nơi giấu thức ăn. Mặc dù rất cảnh giác và ranh ma, nhưng cọp ta đâu có khôn hơn các cụ Phụ lão Hạ trang được. Anh chàng lập tức dính bẫy, ra sức giãy dụa gào thét vang vọng cả núi rừng khiến cho chim chóc và các loài muông thú cũng hoảng sợ di tản hết. Cái chết đến gần, bản năng sinh tồn trỗi dậy, cọp ta quần thảo phá nát cả một khoảnh rừng, cây cỏ đổ rạp nhàu nát. Nó cắn nát bất cứ thứ gì trong bán kính ước chừng 3mét quanh sợi dây pháo sáng ngày càng thắt chặt một chân của nó.( Một loai dây cáp thép Mỹ dùng trong dù pháo sáng, nhỏ cỡ 3,4 li nhưng rất dẻo và bền). Khi các cụ vào đến nơi nó rất hung hãn và nguy hiểm, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra nếu, nhỡ may sợi dây bị đứt hoặc cần bẫy có vấn đề…Nhưng con người những thợ săn lão luyện ở Hạ trang đã tính chuyện hạ gục cọp.

Những ngọn lao sắc ngọt được những tay thợ săn khỏe nhất phóng vào mình cọp rất chính xác ,dần dần cọp đuối sức gục xuống .Người dân trói lại , khiêng về và tổ chức ăn mừng . Họ làm thịt cọp rồi chia đều cho mọi nhà như một chiến lợi phẩm đặc biệt, riêng bộ xương được nấu cao, đem biếu cho các vị cao niên ngâm rượu uống chữa bệnh xương khớp rất tuyệt vời. Ông tôi cũng được người bạn già ở Hạ trang biếu cho một miếng.


Nghe nói từ đó trở đi không con cọp nào dám bén mảng đến để bắt trộm trâu bò của dân Hạ trang nữa. Còn hình ảnh bộ da cọp nhồi rơm như một chiến tích, một chiến lợi phẩm của cuộc đi săn đầy oanh liệt- hiện rõ trong ký ức của tôi với sự cảm phục tinh thần bất khuất, mưu trí, dũng cảm của người dân xóm núi Hạ trang, là một niềm tự hào về những người con, những thợ săn dũng mãnh và đầy tinh thần thượng võ của quê hương Lệ sơn, hiếm nơi nào có được.

Phần hai : Chuyện ông Cai Tình xóm Bàu sỏi bẫy Sơn dương trên lèn Lụy

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Lâm (Tiêu đề do BBT đặt)