Những góc khuất trong ngày Tết cổ truyền trên quê hương Lệ Sơn

Hầu như ai cũng có một quê hương để trở về mỗi dịp Tết đến. Ngày Tết là một nét đẹp của người Việt khi cha mẹ, anh em, con cháu tụ họp dưới một mái nhà. Tuy vậy không phải gia đình nào cũng đầm ấm, sum vầy trong ngày Tết cổ truyền. Phóng sự ngắn dưới đây ghi lại những góc khuất trong ngày Tết cổ truyền trên quê hương Lệ Sơn
Ngoại trừ những gia đình vì nghèo, chưa có điều kiện hay có con nhỏ, đường xa hoặc do công việc đặc biêt không thể về quê được... Trong hoàn cảnh khó khăn trăm bề như vậy, họ đành phải trải qua cái Tết xa quê trong nỗi trống trải, thương nhớ. Những trường hợp đó, không cha mẹ nào trách cứ con cái cả, mà chỉ thương con hơn.

Chỉ thật đáng trách khi nhiều gia đình con cái thành đạt, giàu có, nhưng bố mẹ vẫn phải ăn Tết một mình. Có người đi Thái Lan, đi Singapore... để thưởng ngoạn Tết, mặc kệ ở nhà cha mẹ ông bà mong ngóng.

 

Đường vào nhà heo hút cô đơn ... (Ảnh chụp Xuân Quý Tỵ)

Thường đến 27, 29 Tết rồi mà không thấy đứa nào về thì lại cả Bọ mạ nghĩ: “Không hiểu năm nay chúng nó làm ăn ra sao?”. “Có đứa nào ốm đau bệnh tật gì không?”. Đến ngày 30 Tết mà con cái vẫn chưa về, cha mẹ sẽ bạc lòng đi vì lo lắng. Không ít trường hợp bố mẹ già đủ con đủ cháu vẫn phải vò võ ăn Tết một mình. Phận làm con, như vậy có đáng trách không ?.
 

Đường vào nhà heo hút cô đơn ... (Ảnh chụp Xuân Quý Tỵ)

Thường chỉ khi về già thì người ta mới hay nghĩ về cội nguồn. Nhưng cũng cần phải nhắc nhở, giáo dục lớp trẻ, bởi một năm mới có một dịp để về quê với bố mẹ, ông bà. Công ơn của cha mẹ bao giờ cũng phải nghĩ lên đầu. Tết là dịp để báo đáp. Báo đáp không phải bằng vật chất mà bằng tinh thần là chính. Mọi của cải vật chất khác đối với bố mẹ không cần thiết. Người già không cần ăn nhiều, cũng không cần mặc đẹp. Đối với họ, ngày Tết chỉ cần nhìn thấy đủ con đủ cháu sum vầy là họ mừng rồi.
 

Đường vào nhà heo hút cô đơn ... (Ảnh chụp Xuân Quý Tỵ)
 
Đó là ý nghĩa của sự sum họp, của những mối dây tình cảm gia đình cần được gắn bó lại sau nhiều tháng ngày xa cách, là niềm hạnh phúc cần được bồi đắp và nuôi dưỡng, là bệ đỡ tinh thần vững chãi nhất đối với những người con khi xa quê hương... Ngày Tết, đôi khi chỉ cần nhìn mặt nhau, lúc này nói với mẹ một câu, lúc khác nói với bố một câu, anh em trao đổi với nhau, tâm sự với nhau trong khi ngồi đánh tam cúc, trong khi ngồi luộc bánh chưng, trong khi ngồi đợi mâm cỗ... Bố mẹ ngồi nhìn các con xem năm nay nó mua những cái gì, nó ăn mặc ra làm sao, có tiền cho các cháu bé không... để biết con mình có làm ăn được hay không. Những tình cảm đó thật đầm ấm mà những ngày xa quê chúng ta không thể có được.
 

Tác giả bài viết: Lương Dũng Kỳ (Sử dụng tư liệu của bạn Lâm Vũ)