Người thầy đầu tiên nơi làng quê ấy.

Cảm xúc về một người Thầy ở Lệ Sơn của nghiên cứu sinh Trần Thị Thanh Thỏa

Tác giả. Trần Thị Thanh Thỏa (Nghiên cứu sinh)
Bài viết được gửi về từ Tokyo - Nhật Bản

Bài viết cùng tác giả đã đăng
1. Truyền thống hiếu học của người Lệ Sơn đã bắt nguồn như thế


Người thầy đầu tiên nơi làng quê ấy.

Vậy là tôi đã gục ngã ra khỏi tuổi thơ thật rồi, đã xa Lệ Sơn yêu dấu của tôi với khoảng cách mà chính tôi không định hướng được quê mình đang ở phía nào từ nơi đang đứng. Thế nhưng, những kí ức trong trẻo của tôi về tuổi thơ, về người thầy của tôi - người thầy chưa một lần đứng trên bục giảng để dạy tôi thì vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Người thầy mà dù sau này tôi có may mắn được học với những Giáo sư từng đạt giải quốc tế này nọ cũng không cho tôi được cảm xúc để tôi nuôi dưỡng cái háo hức, đam mê như ngày ấy. Và tôi đã viết bài này trước ngày 20-11, cũng đã định gửi cho trang báo như một lời tri ân nhưng đọc đi đọc lại mãi cũng thấy mình không chuyển tải hết cảm xúc nên đành gác lại cho đến bây giờ.

Tôi còn nhớ hồi tôi còn học lớp ba, nhà ngoại tôi chung hàng rào với nhà thầy Hoè, người tôi vẫn gọi là bác. Nói về thầy Hoè thì lớp trước tôi ở làng Lệ Sơn gần như ai cũng biết nhưng bác ấn tượng với tôi bởi bác như người bước ra từ câu chuyện cổ tích của tôi vậy. Bác cao lớn, đẹp đẽ và rất chuẩn mực với tất cả mọi người. Với tôi bác lại là người đặc biệt, là người thầy ngoại ngữ đầu tiên trong đời của tôi. Hồi đó, bác có mấy đứa cháu cùng tuổi tôi về quê nghỉ hè, bác mở ra lớp học tiếng Anh cho các cháu của bác.

Tôi tò mò vì lớp học lạ đấy và về nhà đòi mẹ cho theo học, mẹ tôi ngại nên lúc đầu cũng từ chối tôi nhưng sau cũng bằng lòng thử xem bác cho thì học không thì cũng không sao. Vậy mà khác với lo lắng ban đầu, bác vui vẻ cho tôi  theo học. Bốn đứa chúng tôi ngồi bên bốn cái ghế chạm trổ đàng hoàng, còn bác thì có cái tấm gỗ đen kê ở gian sáu của nhà làm bảng. Phòng học của chúng tôi được đặt nơi trang trọng nhất! Cả mấy thầy trò chẳng ai có quyển sách nào nhưng bác vẫn tỉ mỉ giảng dạy và ra bài tập học từ vựng, ngữ pháp cho cả mấy đứa bằng cách bác chép sẵn cùng nội dung ra giấy cho mỗi đứa một bản. Chúng tôi háo hức tranh nhau hét to lên mỗi lúc đọc để luyện phát âm, bác gái thì bê một cái ghế ra ngồi gần hai tay hai quạt mo để quạt cho chúng tôi học. Mỗi buổi học chúng tôi được ra chơi một lần và chúng tôi được tha hồ ăn ổi và tắt trong vườn nếu như làm đủ bài tập.

Lần đầu tiên học nên chúng tôi háo hức lắm, sau mỗi buổi học bài tập ấy còn theo tôi ra cả những buổi chăn bò. Năm sau mấy cháu của bác không nghỉ hè nhưng thương tôi bác vẫn mở lớp dạy và nhân thêm Quý giờ ở Bình Phước, anh Hải, anh Anh con thầy Biền.Lần đấy tôi học giỏi nhất trong bốn học trò và cuối mùa hè tôi còn được bác thưởng cho cái cặp ba lô Liên Xô to đùng. Cái cặp tôi còn nhớ rất rõ là có in hình hai cô cậu học trò đứng hai bên đâm chéo cái bút ra chính giữa cặp và có hai cái khoá to bản sáng choang. Tiếc rằng cái thích thú trẻ con ban đầu với món quà xa xỉ ấy rồi cũng qua đi và tôi cũng không thể nhớ nổi là tôi đã không dùng nó bắt đầu từ khi nào. Thế nhưng, những bài học ngoại ngữ đầu tiên ấy lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi mà khi học được nhiều hơn tôi mới nhận ra cho đến bây giờ và mãi sau này dù có một vài từ bác dạy tôi phát âm theo kiểu giọng tiếng Anh Pháp, tôi cũng không thể nào sửa được.

Kỉ niệm của tôi về những người thầy Lệ Sơn của tôi không đứng trên bục giảngnhư bác Hoè, ông Ân, bác Duyệt, thầy Quế, cậu Thế và cả mẹ tôi... nhiều lắm, có ý nghĩa và dấu ấn với cuộc sống mãi sau này của tôi rất nhiều. Tôi hi vọng có dịp được viết, được nói lời tri ân tới tất cả, dù cho có khi không còn kịp nữa…Xin cám ơn những người thầy đã làm cho những kí ức của tuổi thơ tôi thêm ấp áp, trong trẻo, them động lực cho tôi bước tiếp con đường còn rất dài phía trước.

Tác giả bài viết: Trần Thị Thanh Thỏa