Khu vườn Lệ Sơn, ngày hôm qua đâu rồi ?

Ký ức khu vườn rợm mát bóng cây xưa và nay của tác giả Lương Duy Toản với những trăn trở về một nét đẹp làng quê đang bị mai một.
Bài viết cùng tác giả đã đăng:
1. Con bò và bình sữa, nghĩ về Lệ Sơn
2. Bài hát Bông hồng cài áo

KHU VƯỜN LỆ SƠN

Từng đêm nghe tiếng ầu ơi
Giọng ông ru cháu đượm lời đắng cay.
Lời ru khoan nhặt lắt lay.
Giọng khàn với nỗi đau này khàn thêm.
Đầu hiên chếch bóng trăng lên.
Tiếng con chim nhạn lạc miền trời xa.
Canh khuya bốn trẻ hai già                          
Tiếng ru  nhoà  tiếng nhạn xa chạnh lòng.
 
Bố tôi kể, năm ông lên 3 tuổi, Bà Nội tôi mất vì một cơn bạo bệnh, mấy chị em bố tôi thật may mắn vì ông nội tôi cho ở nhà với ông mệ cố trong một ngôi nhà nhỏ có vườn cây xanh nơi thôn Phúc Tự, trái tim của của Làng Văn Hoá. Dù  lúc đó từ “ô nhiễm” hình như chưa hiện diện, mối quan tâm của gia đình là làm sao ngày hai bữa đủ sắn khoai nhưng được sống và chơi cạnh những hàng cây đầy bóng mát trong những buổi trưa hè, là một hạnh phúc thần tiên của ngày mới lớn.

Ông  cố nội tôi lại có một thói quen hơi kỳ lạ kéo dài cả mấy năm. Mỗi ngày, sau bữa ăn trưa, ông ngủ và không muốn các cháu nhỏ quấy rầy. Ông tống hết 4 đứa cháu ra đường và lấy cái tấm tre nè rào ngỏ lại. Bà chị lớn nhất chắc chỉ 11 hay 12 tuổi, đứa em bé nhất không biết đã đủ 2 tuổi chưa? Dĩ nhiên cả bọn lại kéo ra đường, lang thang  từ vườn nhà O cu Hoà qua nương mệ Giáo Ý, vô đồng Lã lã vòng xuống đồng Chăm, khám phá thế giới của chim chóc, hoa quả và các trò chơi tự tạo như trọi vụ đánh khăng…đợi khoảng hai tiếng rưỡi sau, Ông thức dậy và mở tấm rào nè cho vào nhà.

 

Ảnh vườn buởi trĩu quả

Mấy chị em bố  tôi coi các khu vườn trong xóm là “sân sau” của mình. Bao nhiêu là kỷ niệm như săn tìm ve sầu, rình trộm giấc ngủ trưa của các đôi vừa mới cưới, thả diều bắt dế, chạy  theo xem bầy bò của xóm Lê Lợi húc nhau trên triền hói…Ngày nào cũng vậy, không cười thì khóc, luôn luôn có chuyện để tíu tít kể cho ông mệ nội của mình nghe. Một tuổi thơ tương đối hoàn hảo. Không có tivi, không có IPad Iphone,  có các biểu ngữ giăng đầy trên đường làng nhưng không hề thấy sự giả dối, không có sự can thiệp hay quấy rối của thế lực này nọ, người lớn không làm phiền bởi những câu chuyện đại loại như Anh này vừa được làm chức này, chị này ‘chạy ‘được chức kia. Con nít được làm con nít thuần túy, ngây thơ và khóc cười như …con nít.

Thời gian qua mau, các O và Bố tôi ai cũng lớn nhanh và  các khu vườn ngày xưa cũng lần lần biến dạng theo xã hội. Sau thời kỳ đổi mới, các bộ óc ưu việt bắt đầu xẻ thịt vườn Lệ Sơn, hân hoan và phấn khởi như các bác nông dân khi được ăn thịt một bò già, một con trâu chết rét lúc gió đông bắc tràn vừa về ngày xưa. Trước hết là những nhà máy ximăng mọc lên tứ phía. Rồi đến các quán cafe,  quán nhậu, các nhà hàng nổi trên sông, các tiệm tạp hoá, các quán karaoke…  (tiền thuế thu được  chắc cũng khá nhiều hay được miễn phí cả cũng không hề biết). Ngạc nhiên hơn cả là vài căn biệt thự khuất kín trong vườn, tường cao che giấu dáng dấp các cậu ấm cô chiêu… con cái các quan chức vừa mới lên ngôi, về quê thăm nội, ngoại khi tết đến hè về, là những xe con mang biển xanh biển đỏ chạy tung bụi mù mịt khắp làng mỗi khi có dịp.

Dù sao, chuyện nhà máy ximăng và 99 ngọn lèn chỉ là chuyện nhỏ…trong các câu chuyện của toàn dân. Khắp nước, toàn dân đào khoáng sản tài nguyên đem bán, tiền kiếm được để mua chứng khoán thì giàu nhưng mà buôn bất động sản lại càng giàu to. Ngay cả mô hình làm ăn trong nền kinh tế  định hướng tứ phương này cũng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng không ai biết chuyện lớn nó tròn méo ra sao nên khỏi bàn. Vả lại, trách nhiệm và của cải là của toàn dân nên dù có ô nhiễm hay bụi mù thì ráng mà chịu. Bây giờ, chúng ta phát triển bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có nhưng rồi sẽ có ngày cạn kiện, không còn “tiềm năng thế mạnh” để mà hô hào. Một sự thật giống như câu chuyện hái trái ‘Đái mít” ngày xưa. Những trái ngon và thấp thì chúng ta đã ăn hết rồi, còn những trái trên cao  khó hái và  sâu kia thì để giành cho con cháu mai sau vậy.  Đất làm vườn  để làm các khu công nghiệp thì nông dân Lệ sơn trở thành người thành thị nửa vời, các bác nông dân sẽ vào các nhà máy làm công nhân với nghề nghiệp không ổn định. Từ chỗ là những người có cuộc sống vững vàng (khi có đất) họ trở nên bấp bênh trên chính quê hương của mình mà không hề nhận báo trước những nguy cơ.

 

Ảnh những quả ổi đầu mùa chín mọng
 
Sự biến thái của khu vườn nhỏ được coi như là một chu kỳ phát triển tự nhiên đang sảy ra khắp xã hội. Vì “ngày xưa” hay tại vì một nền văn hóa khác, cô trinh nữ bỗng nhiên có bầu  có thể còn chút đàm tiếu…nhưng đây là thời kỳ khác, với vài trăm triệu hay cả tỷ tiền đền bù nông dân Lệ sơn đang đi trước nhân loại vài chục thế kỷ…! Vì thế cũng chẵng có gì là khó nếu ai muốn kiếm một “con gà móng đỏ”, đang được nuôi  đầy phía dưới Hạ Trang.

Đi tha hương, dân Lệ kiều hình như cũng bận rộn lắm, phải chạy áp phe suốt ngày, kể cả những lúc lén vợ đi chơi . Không chạy chọt, xin xỏ giấy tờ thì lại phải nhậu nhẹt say xỉn thường xuyên. Cứ như vậy, mà mấy chục năm trôi qua lúc nào không biết và vài chục năm nữa không biết sẽ ra sao?. Một đời sống rất ‘phát triển” trong một văn hóa cũng đang ở mức cao !. Và thế, những khu vườn của tuổi thơ của Bố tôi cứ thế mà lần lượt biến mất; cho đến ngày thế hệ con cái như chúng tôi chỉ biết Quê hương Lệ Sơn là biểu tượng thịnh vượng của các nhà máy và những cây cầu. Thực ra, chắc đến lúc đó thì Bố tôi cũng đã nằm yên dưới 3 thước đất, hy vọng là cùng những xác ve sầu của mùa hè năm xưa. Những khu vườn  không còn, cây xanh sẽ chết,  ký ức tuổi thơ đã đắp chiếu và quá nhiều hình nộm dật dờ trên mỗi bước đi. Ngay cả danh từ quê hương Lệ sơn, quê cha đất tổ cũng chỉ được chúng tôi dùng để chỉ về một xứ sở xa xăm nào đó./

Tác giả bài viết: Lương Duy Toản