Xây dựng nông thôn mới tại Làng ta

Góp ý cho quê hương là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người con Lệ Sơn ở quê nhà cũng như ở khắp mọi miền của tổ quốc và ở nước ngoài. Sự phát triển không ngừng của quê hương Lê Sơn luôn gắn liền với những đóng góp ý kiến tâm huyết của đông đảo bà con trong nhiều công việc cho các cấp lãnh đạo Đảng, Chính quyền, các tổ chức Đoàn thể của xã. Ban biên tập chuyên trang xin giới thiệu ý kiến của anh Lương Duy Thắng về chương trình xây dựng nông thôn mới ở Làng ta.
Gần đây, tôi nhận được thông tin, làng ta đang triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới – chương trình giai đoạn ( 2010 – 2020). Đây là một chương trình lớn của Đảng , Nhà nước để đưa nước ta từng bước trở thành nước phát triển.
 
Do ở xa nên đáng tiếc tôi không nắm rõ làng ta đã triển khai chương trình đến đâu rồi ? Các công tác chuẩn bị đầu tư ( quy hoạch, kế hoạch vốn, lộ trình thực hiện...) đã ổn chưa? Đã tổ chức lấy ý kiến của người dân – nhất là với những hộ có đất nằm trong dự án, bị thu hồi ? Nhưng tôi tin, với một chương trình lớn mang tính toàn quốc như vậy, chắc chắn là làng ta sẽ tổ chức thực hiện chặt chẻ và đúng đắn. Tuy nhiên, tôi vẫn có một vài trăn trở xin được bày tỏ:
 
Về phía chính quyền, xin các vị trên hết hãy vì quyền lợi của người dân, một nét bút quy hoạch, một chấm màu tổng thể là cả vấn đề xả hội liên quan đến người dân. Xin các vị hãy công khai minh bạch, tổ chức lấy ý kiến của dân, cho họ được bày tỏ tâm tư một cách thấu đáo. “Hãy để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ” ( V. Lenin), hãy làm cho họ thông- hiểu và thực hiện một cách tự giác tự nguyện vì lợi ích chung mà thiết thực là cho con cháu họ, cho xóm làng của họ. Bài học vụ án Tiên lãng, do cấp dưới thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên vẫn còn nóng hổi, xin các vị lãnh đạo làng ta hãy lưu tâm !
 
Về phía người dân, nhất là với những hộ có đất bị thu hồi cũng cần trang bị cho mình nhận thức đúng: đây là chủ trương lớn của Đảng Nhà nước, vì lợi ích chung và tự nguyện chấp hành. Điều đó là nghĩa vụ - là trách nhiệm công dân mà bất cứ quốc gia nào người dân đều phải nhận thức được điều này. Tuy nhiên, chấp hành trên sự hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Quyền lợi là được quyền đòi hỏi thông tin về quy hoạch, về chế độ, chính sách và tham gia giám sát việc thực hiện, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trong  đền bù giải tỏa.v.v...
 
“ Dân vĩ thực như tiên “ ( Dân lấy ăn làm đầu), câu nói xưa vẫn còn nguyên giá trị

Tác giả bài viết: Lương Duy Thắng